Tận dụng ưu đãi từ CPTPP khi xuất khẩu vào Canada

Canada là một trong những thị trường mang lại nhiều giá trị gia tăng nhất cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Đây là nhận định của các chuyên gia tại Hội thảo Cơ hội tiếp cận thị trường Canada trong CPTPP do Bộ Công Thương phối hợp Trung tâm Hội nhập quốc tế Tp. Hồ Chí Minh tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh, ngày 10/4. 

Ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại đa biên, Bộ Công Thương cho biết, so với các Hiệp định thương mại song phương và đa phương khác mà Việt Nam đang tham gia, CPTPP mang lại giá trị gia tăng lớn khi mở cửa cùng lúc 3 thị trường mới tại châu Mỹ là Canada, Mexico và Peru.

Trong đó, Canada là thị trường được đánh giá có nhiều tiềm năng để đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu do cơ cấu hàng hóa mang tính bổ sung cho nhau tốt, nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm có thế mạnh của Việt Nam như: dệt may, da giày, nông thủy sản tại Canada cũng khá lớn.

Đặc biệt, đây là thị trường có khả năng chi trả cho các sản phẩm có giá trị cao và là cầu nối quan trọng để doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường sang các quốc gia châu Mỹ khác. 

Theo số liệu thống kệ của Tổng cục Hải quan, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam – Canada đã tăng gấp 3 lần từ 1,14 tỷ USD năm 2010 lên 3,85 tỷ USD trong năm 2018; trong đó Việt Nam luôn xuất siêu sang Canada, năm 2018 giá trị xuất siêu đạt 2,14 tỷ USD.

Sự kết nối thương mại giữa Việt Nam – Canada ngày càng được tăng cường thông qua việc tham gia CPTPP. Chỉ sau một thời gian ngắn CPTPP có hiệu lực, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Canada đã có sự tăng trưởng mạnh. Cụ thể, 2 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu từ Việt Nam sang Canada đạt hơn 506 triệu USD, tăng 36,6% so với cùng kỳ năm trước. 

Ông Bùi Tuấn Hoàn, Trưởng phòng châu Mỹ, Vụ Thị trường châu Âu, châu Mỹ (Bộ Công Thương) phân tích, người tiêu dùng Canada đa dạng về chủng tộc và văn hóa, trong đó người Canada gốc châu Á tăng nhanh trong những năm gần đây dẫn đến nhu cầu thực phẩm châu Á cũng gia tăng.

Mặt khác, Canada có chính sách khá mở về nông sản nhiệt đới với thuế nhập khẩu bằng 0% và không có nhiều rào cản kỹ thuật. Vì vậy, nếu hoa quả tươi Việt Nam khắc phục được những hạn chế về mặt bảo quản và vận chuyển thì cơ hội xuất khẩu vào Canada khá rộng mở. 

Về thủy sản, tôm đông lạnh và cá tra là hai mặt hàng truyền thống, đang có chỗ đứng khá vững trên thị trường Canada. Doanh nghiệp có thể khai thác hơn nữa đối với thủy sản chế biến và môt số mặt hàng chất lượng cao như: cá ngừ, mực, bạch tuộc… 

Theo ông Bùi Tuấn Hoàn, dệt may và da giày là hai ngành được hưởng lợi nhiều nhất khi CPTPP có hiệu lực; trong đó mức thuế nhập khẩu hàng dệt may được giảm từ 16 -17% xuống còn 0% theo lộ trình 4 năm; da giày được giảm thuế từ 18% xuống còn 0% trong lộ tình 7 -11 năm.

Với một số mã sản phẩm đáp ứng được yêu cầu về quy tắc xuất xứ của CPTPP có thể được xem xét xóa bỏ hoàn toàn thuế nhập khẩu ngay tại thời điểm hiện tại. Mức chênh lệch khá cao về thuế suất nhập khẩu sẽ là lợi thế lớn của Việt Nam trong việc cạnh tranh với các đối thủ xuất khẩu hàng dệt may và da giày vào Canada thời gian tới. 

Một ngành hàng khác cũng có nhiều dư địa để hợp tác với Canada là chế biến, xuất khẩu gỗ. Theo đó, Việt Nam và Canada có nhiều lợi thế bổ sung cho nhau trong quan hệ hợp tác đôi bên cùng có lợi. Cụ thể, Việt Nam có thể đẩy mạnh nhập khẩu gỗ nguyên liệu của Canada phục vụ ngành chế biến và xuất khẩu sản phẩm hoàn chỉnh ngược lại Canada. 

Mặc dù cơ hội mở rộng xuất khẩu vào Canada là rất lớn song đây là thị trường khá mới mẻ với nhiều doanh nghiệp Việt Nam nên các chuyên gia cũng khuyến cáo doanh nghiệp một số vấn đề trong việc tận dụng ưu đãi. 

Bà Trịnh Thị Thu Hiền, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, để được hưởng các ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu vào Canada, doanh nghiệp cần nắm rõ những yêu cầu về xuất xứ hàng hóa mà hai bên đã cam kết.

Cụ thể, với nông sản cơ bản cần có nguốn gốc xuất xứ thuần túy, trong khi đó nông sản, thực phẩm chế biến được áp dụng quy tắc xuất xứ linh hoạt hơn, đảm bảo 40% giá trị sản phẩm được tạo ra trong khối CPTPP.

Với hàng dệt may cần đáp ứng nguyên tắc từ sợi trở đi, nghĩa là các công đoạn dệt, nhuộm, cắt may… phải được thực hiện trong các quốc gia thành viên CPTPP.

Cũng theo bà Trịnh Thị Thu Hiền, doanh nghiệp lần đầu làm hồ sơ cấp chứng nhận xuất xứ hàng hóa xuất khẩu qua thị trường Canada cần lưu ý việc ghi đầy đủ thông tin liên lạc, đặc biệt là số điện thoại và email vì các doanh nghiệp Canada có thói quen liên lạc qua email.

Doanh nghiệp cũng cần tạo lập hồ sơ xuất xứ hàng hóa và lưu giữ các chứng từ chứng minh trên cổng thông tin điện tử của Bộ Công Thương để thuận lợi trong việc xác định xuất xứ hàng hóa về sau. 

Ngoài ra, việc ghi thông tin trên nhãn hàng hóa được bán trên thị trường Canada phải tuân thủ Luật Đóng gói và Dán nhãn các sản phẩm tiêu dùng, Luật Gắn nhãn các sản phẩm may mặc, Luật Thực phẩm và Dược phẩm.

Do đó, doanh nghiệp cần tìm hiểu rõ và thực hiện đúng các yêu cầu để tránh các rủi ro không đáng có khi xuất khẩu vào Canada. Bên cạnh yếu tố giá và chất lượng, người mua hàng ở Canada quan tâm nhiều đến uy tín, mối quan hệ, kinh nghiệm, khả năng và dịch vụ sau bán hàng của nhà cung cấp. 

Song song với việc tận dụng ưu đãi từ CPTPP để đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng thế mạnh vào Canada, các doanh nghiệp Việt Nam cũng có thể tăng cường việc nhập khẩu các sản phẩm mà Việt Nam đang có nhu cầu, đặc biệt là nguyên liệu, thiết bị, công nghệ phục vụ sản xuất từ Canada nhằm gia tăng tỷ lệ giá trị tạo lập trong khối, đáp ứng tốt hơn các yêu cầu về xuất xứ hàng hóa khi xuất khẩu vào các thị trường khác trong CPTPP. 

Các chuyên gia nhấn mạnh, tất cả các cơ hội xuất khẩu vào Canada có thể chỉ nổi bật trong một thời gian ngắn, vì vậy doanh nghiệp Việt cần chủ động tận dụng nhanh, hiệu quả nhằm chiếm lĩnh ưu thế trước khi các quốc gia có lợi thế tương tự gia nhập CPTPP, đồng thời khai thác Canada như một cửa ngõ để tiếp cận hiệu quả các thị trường giàu tiềm năng tại châu Mỹ.

(Theo BNews)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục