Mật độ "vàng" khi ương cá tra từ giai đoạn bột lên giống

Nuôi cá tra thâm canh ở Đồng bằng sông Cửu Long đã trở thành một nghề sản xuất hàng hóa lớn, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân trong vùng, với kim ngạch xuất khẩu liên tục tăng qua các năm. Mặc dù vậy, chất lượng con giống vẫn là vấn đề gây ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển bền vững của ngành.

Trên thế giới, cá tra hiện là mặt hàng cá thịt trắng nuôi chiếm vị trí quan trọng thứ hai. Tại Việt Nam, đây là nhóm ngành thủy sản xuất khẩu chiến lược. Ngành công nghiệp cá tra đã tạo công ăn việc làm cho hàng trăm nghìn lao động, đồng thời góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của cả vùng.

Song hiện trạng kỹ thuật và tình hình bệnh trong ao ương giống cá tra cho thấy:  tỷ lệ sống của cá tra ương đến 30 ngày tuổi là 18,2%, đến 90 ngày tuổi thì tỷ lệ này chỉ còn 11,1%. Chất lượng con giống thấp đã dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn cung cấp cho người nuôi cá thịt.

Các nghiên cứu cũng đã chỉ ra, có nhiều nguyên nhân tác động làm giảm tỷ lệ sống của cá trong quá trình ương như: nguồn thức ăn tự nhiên ưa thích của cá, chất lượng nguồn nước, mật độ ương và chất lượng đàn cá bố mẹ.

Thức ăn tự nhiên là động vật phù du có vai trò rất quan trọng trong ương cá, nhất là từ giai đoạn bột lên hương. Sự thiếu hụt loại thức ăn này là nguyên nhân chính làm cho cá có tỷ lệ sống sót thấp ở cả môi trường tự nhiên và nhân tạo.

Từ năm 2013 - 2017, Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC - thuộc BK Holding - Đại học Bách Khoa Hà Nội) đã cùng WWF-VN, WWF-Áo và VASEP thực hiện dự án “Xây dựng chuỗi cung ứng cá tra bền vững tại Việt Nam - SUPA” do Liên minh châu Âu tài trợ nhằm nâng cao giá trị, giảm giá thành, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, phát triển bền vững cá tra Việt Nam. Trong đó có nghiên cứu nhằm tìm ra mật độ ương và loại thức ăn tự nhiên ban đầu thích hợp cho cá tra khi ương từ giai đoạn bột lên giống, góp phần nâng cao tỷ lệ sống cũng như chất lượng của đàn cá giống.

Nghiên cứu này được tiến hành tại khoa Thủy sản, trường Đại học Cần Thơ, Trung tâm ứng dụng KHCN của Công ty Caseamex (Vĩnh Long) và trại cá Phú Thuận của Công ty Thuận Hưng (Hậu Giang), trong thời gian từ tháng 2 - 6/2015. Thí nghiệm thực hiện tại 9 ao ương có diện tích 1.500m2, với 3 mật độ khác nhau là 600, 800, 1.000 con/m2, mỗi nghiệm thức được lặp lại 3 lần. Cá thí nghiệm được sinh sản nhân tạo với chiều dài trung bình ban đầu là 0,5 cm/con. 

Trong ao ương cá tra từ giai đoạn bột lên hương ở cả 3 mật độ ương, thành phần thực vật nổi bao gồm các ngành tảo lục, tảo khuê, tảo lam, và tảo mắt. Trong đó, tảo lục luôn chiếm tỷ lệ cao nhất về thành phần loài, với 21 loài được tìm thấy chiếm tỉ lệ 88% ở mật độ 600 con/m2, ở mật độ 800 con/m2 có 18 loài chiếm tỉ lệ 84% và 20 loài chiếm tỉ lệ 79% ở mật độ còn lại.

Thành phần động vật nổi bao gồm các nhóm ngành chủ yếu như Rotifera, Cladocera, Copepoda và Protozoa. Đặc biệt, ngành Rotifer luôn chiếm tỉ lệ cao nhất ở cả 3 mật độ, với 15 loài được tìm thấy chiếm tỉ lệ 79% ở mật độ 600 con/m2, ở mật độ 800 con/m2 có 14 loài chiếm tỉ lệ 74% và 13 loài chiếm tỉ lệ 70% ở mật độ còn lại. Các nhóm động vật nổi còn lại có số loài thấp hơn và biến động từ 1-7 loài chiếm tỉ lệ từ 3 - 39%.

Kết quả về tăng trưởng của cá khi thực hiện ương trong ao đất cho thấy: sau 120 ngày ương từ bột lên giống thì cá giống ở mật độ 600 con/m2 có tốc độ tăng trưởng cao nhất (0,28 g/ngày), với khối lượng trung bình đạt 33,66 g/con, có tốc độ tăng trưởng thấp nhất (0,17 g/con) ở mật độ 1.000 con/m2, với khối lượng trung bình là 20,89 g/con sai khác có ý nghĩa thống kê (P<0,05) giữa các nghiệm thức. Về tỉ lệ sống ở các mật độ cũng thể hiện sự khác biệt thống kê với giá trị P<0,05, trong đó, mật độ 1.000 con/m2 có tỉ lệ sống thấp nhất là 8%, mật độ 600 con/m2 có tỉ lệ sống cao nhất 19% và ở mật độ 800 con/m2 là 16%.

Theo đó, khi áp dụng đúng quy trình kỹ thuật và ương cá với mật độ 600 con/m2 lợi nhuận thu được là trên 2 triệu đồng, tương đương với mức sinh lời là khoảng 1.200 đồng/kg cá giống. Trong khi ở 2 mật độ còn lại lợi nhuận đều có giá trị âm và âm nhiều nhất là ở mật độ 1.000 con/m2 (gần 13 triệu đồng).

Điều này có thể được giải thích là do khi nuôi ở mật độ thấp sẽ dễ dàng quản lý đàn cá trong ao nuôi, duy trì được chất lượng nước tốt, là điều kiện tạo nguồn thức ăn tự nhiên ban đầu dồi dào và ổn định, cá có nhiều cơ hội để tìm gặp các loại thức ăn ưa thích mà chúng chọn lựa và đặc biệt là giảm cạnh tranh môi trường sống với nhau.

PGS. TS Dương Nhựt Long -  Nguyên trưởng Bộ môn Kỹ thuật nuôi Thủy sản nước ngọt, Khoa Thủy sản (Trường Đại học Cần Thơ) và Lê Xuân Thịnh - Chuyên gia về Hiệu quả tài nguyên và Sản xuất sạch hơn, Giám đốc VNCPC

Bình luận bài viết

Cùng chuyên gia

  • Trang chủ - Right- BOTTOM
  • Trang chủ - Right - BOTTOM