ATIGA: Cơ hội và thách thức cho cá ngừ Việt Nam

(vasep.com.vn) ASEAN hiện đang là 1 trong những thị trường XK cá ngừ quan trọng của Việt Nam. Kim ngạch XK cá ngừ của Việt Nam sang khối thị trường đang có xu hướng ngày càng tăng. Đặc biệt, khi Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN (ATIGA) chính thức có hiệu lực từ năm 2010, hầu hết các dòng thuế về 0% đã là một trong những điều kiện thuận lợi thúc đẩy tăng trưởng XK cá ngừ của Việt Nam sang ASEAN.

ATIGA được ra đời với mục đích điều chỉnh toàn bộ thương mại hàng hóa trong nội khối ASEAN và được xây dựng trên cơ sở tổng hợp các cam kết đã được thống nhất trong CEPT/AFTA cùng các hiệp định, nghị định thư có liên quan.

Nguyên tắc xây dựng cam kết trong ATIGA là các nước ASEAN phải dành cho nhau mức ưu đãi tương đương hoặc thuận lợi hơn mức ưu đãi dành cho các nước đối tác trong các thỏa thuận FTA mà ASEAN là một bên của thỏa thuận. Nhằm tiến tới tự do hóa hoàn toàn về thuế quan, ASEAN đã thống nhất xóa bỏ toàn bộ thuế quan, đối với ASEAN 6 (gồm Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan) vào năm 2010 và với các nước CLMV (Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam) vào năm 2015 với một số linh hoạt đến 2018 (khoảng 7% tổng số dòng thuế).

Việc xóa bỏ thuế quan này đã tạo ra một cơ hội lớn cho DN XK cá ngừ của Việt Nam đẩy mạnh XK sang khối thị trường này. Cụ thể, giai đoạn trước năm 2010 khi hiệp định chưa có hiệu lực, XK cá ngừ của Việt Nam sang ASEAN chỉ ở mức 1,6 – 6 triệu USD/năm. Nhưng từ năm 2010 trở lại đây, giá trị XK sang khối thị trường này đã có sự tăng trưởng vượt bậc. Năm 2010, giá trị XK cá ngừ của Việt Nam sang ASEAN đã tăng 190%, từ mức 6 triệu USD của năm 2009 lên gần 17,5 triệu USD năm 2010. Và cho đến nay, giá trị XK cá ngừ của Việt Nam sang ASEAN đã tăng lên hơn 50 triệu USD.

Ngoài ra, về dài hạn, ATIGA có tác độnggián tiếp làm tăng kim ngạch XK của Việt Nam sang các thị trường ngoài khối ASEAN do được NK nguyên liệu đầu vào cho sản xuất XK với giá rẻ hơn từ các nước ASEAN. Mặt khác, với tư cách một thành viên của ATIGA, Việt Nam có điều kiện để khai thác những lợi thế mới trong quan hệ thương mại với nước lớn.

Ví dụ, Việt Nam sẽ được hưởng hệ thống ưu đãi thuế quan phổ cập của Mỹ (General System of Preference - GSP). Bởi GSP quy định "giá trị một sản phẩm được sản xuất tại một nước thành viên của một hiệp hội kinh tế, khu vực thương mại tự do (như AFTA) thì được coi là sản phẩm của một nước" và một sản phẩm NK vào Mỹ được hưởng GSP nếu "giá trị nguyên liệu NK để sản xuất ra nó chiếm dưới 65% giá trị sản phẩm sau khi hoàn thành thủ tục hải quan vào Mỹ". Điều đó có nghĩa là các nước ASEAN có thể nhập nguyên liệu từ các nước thành viên khác để sản xuất hàng XK sang Mỹ, và hàng XK sẽ được hưởng GSP nếu giá trị nguyên liệu dưới 65% giá trị sản phẩm.

 

Tuy nhiên, bên cạnh đó việc xóa bỏ thuế quan cũng tạo ra một thách thức lớn cho các DN chế biến và XK cá ngừ của Việt Nam. Vì ASEAN là một thị trường gần, có sự tương đồng về mặt điều kiện tự nhiên, nguồn lợi khai thác,… với Việt Nam. Do đó, cơ cấu sản phẩm cá ngừ XK của Việt Nam với các nước ASEAN khá tương đồng. Với quy mô và trình độ phát triển của ngành khai thác cá ngừ thua kém hơn, Việt Nam đang khó có thể cạnh tranh được với các nước trong khu vực như Thái Lan, Philippines hay Indonesia, các nước này cũng được hưởng những lợi ích tương tự như Việt Nam. Do đó, tham gia ATIGA, Việt Nam tiếp tục phải chấp nhận cạnh tranh rất quyết liệt với các thành viên khác trong hiệp hội không chỉ trên thị trường khu vực, mà còn trên thị trường thế giới.

Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục