Brazil tăng cường sản xuất cá rô phi

(vasep.com.vn) Theo dự báo của các nhà thu hoạch địa phương, sản lượng cá rô phi của Brazil dự kiến sẽ tăng lên 428.000 tấn trong năm nay, tăng 20% so với năm 2017.

Chủ tịch của Hiệp hội Nuôi trồng thủy sản Brazil, Francisco Medeiros, cho biết năm 2017, sản lượng nuôi trồng thuỷ sản của cả nước tăng 8% lên 691.700 tấn. Sản lượng cá rô phi chiếm 51,7% trong tổng sản lượng cũng tăng 13,48% vào năm ngoái.

Medeiros lưu ý, Brazil là nước sản xuất cá rô phi lớn thứ 4 trên thế giới. Sản lượng cá tự nhiên đã tăng 1,84% trong năm qua.

Một số nhà sản xuất cá rô phi địa phương, bao gồm các công ty Cooperativa Agroindustrial Consolata (Copacol), GeneSeas, Royal Fish, MCassab, C. Vale, Tilabras cùng với nhiều công ty khác đang lên kế hoạch tăng năng suất sản xuất và chế biến trong năm 2018.

Copacol đã mở rộng sản xuất cá rô phi trong hai năm qua. Quản lý thương mại Valdemir Paulino dos Santos và Giám đốc kinh doanh quốc tế Genezio Clemente Junior của công ty cho biết, công ty cũng tăng gấp đôi năng suất chế biến loài.

Theo CEO Breno Davis, GeneSeas cũng dự định sẽ tiếp tục mở rộng sản xuất trong năm nay, vì công ty đang trong quá trình tăng gấp đôi năng lực chế biến. Công ty này đã đầu tư tổng cộng 6 triệu USD để mở rộng năng suất sản xuất và chế biến.

Trong khi đó, Tilabras, công ty sở hữu giấy phép cá rô phi lớn nhất ở Mỹ Latinh, đã bắt đầu giai đoạn thực hiện tại trại nuôi cá rô phi ở Tres Lagoas, Brazil, sau khi hoàn thành giai đoạn thí điểm.

Medeiros ghi nhận sự sụt giảm sản xuất ở phía đông bắc của Brazil, do thời tiết khô hạn gây ra hạn hán ở một số khu vực, đã được bù đắp bởi sản lượng cao hơn ở các bang khác của Brazil ở phía tây nam của đất nước này.

Trong khi đó, nhu cầu cá rô phi ở Brazil, thị trường lớn nhất Mỹ Latinh, tiếp tục tăng.

Theo các nguồn tin ở Boston, một số công ty của Brazil cũng XK một phần sản phẩm của họ (chủ yếu là cá rô phi tươi) sang thị trường Mỹ, thị trường có giá cả ổn định ở mức khoảng 3,20-3,60 USD/pao. Ở thị trường Hoa Kỳ, cá rô phi tươi Brazil chủ yếu cạnh tranh với một sản phẩm tươi sống tương tự từ các thị trường lân cận như Colombia, Mexico và Costa Rica.

Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục