Tác động của dịch COVID-19 đối với thị trường cá đáy thế giới

(vasep.com.vn) Đại dịch COVID-19 kéo dài, ngày càng ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường thủy sản. Đặc biệt, giá cá tươi bị tác động trong khi các sản phẩm đông lạnh và đóng gói vẫn được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn. Dự kiến tình hình này sẽ kéo dài đến năm 2021. Trong khi đó, Hội đồng quốc tế về thám hiểm biển (ICES) đang đề xuất hạn ngạch cao hơn đối với cá haddock và cá tuyết Đại Tây Dương.

Nguồn cung

Nghiên cứu do Viện nghiên cứu Na Uy Akvaplan-niva thực hiện chỉ ra rằng, cá tuyết ven biển Na Uy, loài thường sinh sản dọc theo bờ biển phía bắc Na Uy, có thể đã di chuyển xa hơn về phía bắc vì vùng nước ấm hơn và tìm thấy các bãi đẻ mới xung quanh Svalbard. Cho đến nay, khu vực Bắc Cực của biển Barents là nơi sinh sống của cá tuyết Bắc cực Đông Bắc, nguồn lợi di cư khá dồi dào trong những năm gần đây. Nếu các dấu hiệu được phát hiện bởi nghiên cứu này là chính xác và kéo dài, điều này sẽ có tác động quan trọng đến việc bảo vệ và quản lý bền vững trong tương lai của cả hai nguồn cá tuyết này.

Hội đồng quốc tế về thám hiểm biển (ICES) đã khuyến nghị tăng 20% ​​tổng sản lượng được phép khai thác (TAC) đối với cá tuyết Đại Tây Dương vào năm 2021. TAC được khuyến nghị ở mức 885.600 tấn. Đối với cá haddock, hạn ngạch được đề xuất ở mức 232.537 tấn, tăng 8,2% so với năm 2020. Trong những năm gần đây, hạn ngạch được thỏa thuận cuối cùng đều vượt quá khuyến nghị của ICES.

Viện Ngư nghiệp Khoa học Nga đã sửa đổi khuyến nghị về hạn ngạch đối với cá thịt trắng và tăng nhẹ hạn ngạch cá minh thái Alaska cho năm 2021 lên mức 3,2 triệu tấn. Trong 10 năm qua, TAC của Nga dao động trong khoảng 2,76 triệu tấn đến 3,21 triệu tấn. Sau vụ khai thác A tương đối bình thường đối với cá minh thái ở Alaska, những người khai thác không biết chắc vụ khai thác B sẽ diễn ra như thế nào. Vụ B bắt đầu vào ngày 10/6/2020 và kéo dài đến ngày 31/10/2020. Vụ B dự kiến ​​đạt sản lượng khoảng 750.000 tấn, phần lớn là dành cho chế biến surimi, phi lê rút xương (PBO) hoặc phi lê lột da kỹ (deep-skin).

Thị trường

Từ tháng 5/2020, thị trường thủy sản Trung Quốc bắt đầu phục hồi. Nhu cầu cho kỳ nghỉ Quốc tế Lao động cao, đặc biệt là đối với một số loài cá đáy như cá tuyết đen, cá minh thái Alaska và cá bơn. Trước đây, cá minh thái Alaska chủ yếu được NK để chế biến và tái xuất, nhưng hiện nay tiêu thụ trong nước ngày càng tăng. Trong khi doanh thu ở lĩnh vực banquet (tổ chức hội nghị, tiệc…) và nhà hàng vẫn còn thấp, doanh số bán lẻ đang tăng lên. “Cá tuyết Bắc Cực” do Hội đồng Hải sản Na Uy quảng bá cũng đang có nhiều nhu cầu.

Dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến kinh doanh cá tuyết tươi và đông lạnh Na Uy, mặc dù không hiển thị rõ trong số liệu thống kê XK trong 6 tháng đầu năm. XK cá tuyết tươi nguyên con giảm nhẹ từ 28.211 tấn trong năm 2019 xuống 27.317 tấn trong 6 tháng đầu năm 2020. Đối với cá tuyết đông lạnh nguyên con, XK tăng nhẹ từ 29.409 tấn trong 6 tháng đầu năm 2019 lên 30.008 tấn trong cùng kỳ năm 2020.

Tuy nhiên, từ cuối tháng 6, sự suy giảm thể hiện rõ rệt. Trong tuần 26 (22/6 đến 27/6/2020), XK cá tuyết nguyên con tươi từ Na Uy giảm xuống 260 tấn, giảm đáng kể 22% so với cùng thời điểm năm 2019. XK cá tuyết nguyên con đông lạnh tăng 58% lên 852 tấn, trong khi XK philê cá tuyết đông lạnh tăng 104% lên 282 tấn. Sự chuyển đổi từ các sản phẩm tươi sống sang đông lạnh theo đúng xu hướng từ khi xuất hiện dịch COVID-19: Người tiêu dùng ưa chuộng các sản phẩm đông lạnh và đóng gói sẵn.

Dịch COVID-19 gây khó khăn kinh tế cho người tiêu dùng châu Âu, dẫn đến sự thay đổi nhất định trong thói quen mua hàng của người tiêu dùng. Thay vì mua loại “skrei” (cá tuyết mùa xuân từ vùng Lofoten) đắt hơn, người tiêu dùng đang chuyển sang loại Saithe rẻ hơn. Đại diện của Hội đồng Thủy sản Na Uy tại Tây Ban Nha nhận thấy cơ hội lớn cho cá tuyết Saithe trên thị trường Tây Ban Nha vì người Tây Ban Nha thích hương vị này. Hương vị đặc biệt của cá tuyết Saithe phù hợp với cách nấu ăn của Tây Ban Nha, thường chế biến như chiên và nướng. Do đó, có sự chuyển đổi từ cá tuyết "skrei" sang cá tuyết Saithe.

Thương mại

Quý I năm 2020, XK cá tuyết nguyên con đông lạnh của Na Uy giảm khoảng 7,6% xuống còn 18.780 tấn. Thị trường lớn nhất là Trung Quốc giảm 20% NK từ Na Uy so với cùng kỳ năm 2019. XK sang Vương quốc Anh và Bắc Ireland cũng giảm 18,5% xuống mức 2.650 tấn. Hà Lan tăng NK cá tuyết nguyên con đông lạnh trong 3 tháng đầu năm 2020 lên mức 14.289 tấn, từ 12.195 tấn trong quý 1/2019. Tuy nhiên, NK từ Na Uy giảm 8,7% đạt mức 8.072 tấn, trong khi NK từ Liên bang Nga tăng mạnh 364% lên mức 4 720 tấn.

Trung Quốc cũng tăng NK cá tuyết nguyên con đông lạnh trong 3 tháng đầu năm 2020. Tổng NK tăng 7,4% lên 43.817 tấn, so với 40.815 tấn trong cùng kỳ năm 2019. NK từ Nga tăng 34% lên 25.508 tấn, trong NK khi từ Mỹ giảm 21% xuống còn 6.884 tấn.

Trong khi NK cá tuyết nguyên con đông lạnh tăng, XK cá philê đông lạnh chế biến của Trung Quốc giảm 13,5% ở mức 22.304 tấn. Xu hướng tương tự cũng được ghi nhận đối với cá minh thái Alaska. Trong 3 tháng đầu năm 2020, Trung Quốc NK cá minh thái Alaska nguyên con đông lạnh nhiều hơn 6,3% so với cùng kỳ năm 2019, nhưng XK philê cá minh thái Alaska đông lạnh giảm gần 25% xuống còn 36.389 tấn. Lĩnh vực chế biến của Trung Quố bị đóng cửa trong thời gian phong tỏa do dịch COVID-19 và đã mở cửa trở lại, nhưng không hoạt động hết công suất.

XK cá minh thái Alaska đông lạnh của Liên Bang Nga cũng tăng từ 270.910 tấn trong 3 tháng đầu năm 2019 lên 305.949 tấn cùng kỳ năm 2020. Thị trường lớn nhất là Trung Quốc, chiếm tới 83,6% của tổng sản lượng XK. XK sang Hàn Quốc tăng 22% đạt 45.976 tấn. NK cá minh thái Alaska đông lạnh của Đức tăng 6,8% lên 45.577 tấn, trong đó 25.406 tấn được NK từ Trung Quốc (chiếm 55,7% tổng sản lượng NK), trong khi 13.701 tấn được NK từ Mỹ (chiếm 30% tổng sản lượng NK).

Surimi

Doanh số bán lẻ của các sản phẩm surimi đóng gói tăng lên đáng kể ở Mỹ. Kết quả này có ảnh hưởng trực tiếp của dịch COVID-19, vì người tiêu dùng muốn các sản phẩm được đóng gói, “được bảo quản” mà họ có thể tiêu thụ tại nhà. Thời hạn sử dụng của Surimi lâu hơn cá tươi, dễ chế biến và tương đối rẻ. Do đó, sản phẩm này thu hút rất nhiều người tiêu dùng muốn duy trì việc tiêu thụ thủy sản lành mạnh của họ.

Trong lĩnh vực dịch vụ thực phẩm, bức tranh vẫn rất ảm đạm. Khoảng 70% surimi được tiêu thụ ở Mỹ dưới dạng salad được bán qua các cửa hàng bán đồ ăn nhanh và cửa hàng bán salad, lĩnh vực này đã chứng kiến ​​sự sụt giảm đáng kể trong doanh số bán hàng trong thời gian đại dịch. Các quán salad tự phục vụ đã giảm 100% doanh thu do các lựa chọn tự chọn và tự phục vụ bị cấm.

Giá cả

Các nhà chế biến cá tuyết và cá haddock của Trung Quốc đã bị giảm đơn đặt hàng từ lĩnh vực dịch vụ thực phẩm, điều này khiến giá giảm. Giá cá tuyết biển Barents và cá haddock ở Trung Quốc (H&G, C&F Trung Quốc) bắt đầu giảm mạnh từ đầu năm, đến thời điểm hiện tại giá vẫn ở mức thấp. Tuy nhiên, trong tháng 6/2020, đã có dấu hiệu cải thiện khi nhu cầu tăng nhẹ và giá dự kiến ​​sẽ tăng theo. Khi lĩnh vực dịch vụ thực phẩm ở Mỹ và Châu Âu bắt đầu mở cửa trở lại, nhu cầu đang được cải thiện. Nhưng do lĩnh vực dịch vụ thực phẩm bị ảnh hưởng nặng nề, giá cá tuyết tươi và cá haddock đã bị ảnh hưởng nặng nề hơn nhiều so với các sản phẩm đông lạnh.

Giá cá minh thái Alaska đông lạnh của Nga giảm 28% trong mùa xuân năm 2020 do hậu quả của dịch COVID-19. Các nhà sản xuất và XK của Nga vẫn bày tỏ sự lạc quan rằng thị trường sẽ sớm phục hồi. Thị trường châu Á có dấu hiệu cải thiện trong tháng 5/2020. Nhưng có vẻ như làn sóng COVID-19 đầu tiên ở Mỹ vẫn chưa đạt đỉnh, thị trường này không có khả năng phục hồi nhanh.

Dự báo

Mặc dù có dấu hiệu phục hồi vào cuối tháng 5 và đầu tháng 6/2020, nhưng tháng 7/2020 cũng không mấy lạc quan. "Làn sóng thứ hai" của dịch COVID-19 xảy ra ở một số thị trường chính khiến việc phục hồi diễn ra chậm trong nhiều tháng. Giá cả đang chịu “nhiều áp lực”, chủ yếu là do lĩnh vực dịch vụ ăn uống đóng cửa và mặc dù lĩnh vực này đang mở cửa trở lại ở một số thị trường, nhưng người tiêu dùng chậm quay lại các nhà hàng và cửa hàng ăn uống. Nhiều người tiêu dùng đang rất thận trọng và thích các sản phẩm “an toàn” đóng gói để tiêu dùng tại nhà.

Thị trường cá đáy sẽ không phục hồi hoàn toàn cho đến khi đại dịch COVID-19 kết thúc, đại dịch có khả năng sẽ không được kiểm soát cho đến khi có vắc xin hiệu quả. Vì vậy, viễn cảnh là rất ảm đạm cho phần còn lại của năm 2020 và có thể kéo dài đến năm 2021.

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục