Đa dạng giải pháp phòng, chống dịch bệnh thủy sản

Trong 3 tháng đầu năm 2021, dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản vẫn xảy ra tại một số địa phương, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng sản phẩm, gây thiệt hại về kinh tế cho người dân... Để phòng, chống dịch bệnh thủy sản hiệu quả, các địa phương đang tập trung xây dựng vùng an toàn dịch bệnh, nuôi trồng theo hướng an toàn, VietGAP, GlobalGAP...
Đa dạng giải pháp phòng chống dịch bệnh thủy sản
Nông dân huyện Phú Xuyên đang đẩy mạnh xây dựng vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, an toàn dịch bệnh.

Theo Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), trong 3 tháng đầu năm 2021, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản cả nước bị thiệt hại là hơn 1.897ha, giảm 61% so với cùng kỳ năm 2020. Ước tính, tổng thiệt hại trong nuôi trồng thủy sản do dịch bệnh, thiên tai... trung bình mỗi năm khoảng 3.000 tỷ đồng. Đơn cử, tại thành phố Hải Phòng, năm 2020, bệnh đốm trắng và hoại tử gan cấp tính ở tôm nuôi vẫn xảy ra trên địa bàn với diện tích nuôi tôm bị nhiễm bệnh 250,43ha; trong 3 tháng đầu năm 2021, dịch bệnh vẫn xảy ra nhỏ lẻ tại một số vùng nuôi.

Hà Nội là một trong những địa phương có diện tích nuôi trồng thủy sản lớn (gần 21.000ha) nhưng chủ yếu theo hướng bán thâm canh nên vẫn dễ xảy ra dịch bệnh. Theo ông Bạch Văn Nghị,  xã Phú Túc (huyện Phú Xuyên), từ đầu năm đến nay, thời tiết diễn biến thất thường, điều kiện môi trường ao nuôi thay đổi đột ngột dẫn đến có hiện tượng cá bị bệnh chết nổi trắng mặt ao.

Về nguyên nhân xảy ra dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản thời gian qua, Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Văn Long nhận định, hiện nay, dịch bệnh vẫn xảy ra nhỏ lẻ tại một số địa phương do người dân thả nuôi trong điều kiện bất lợi, thời tiết giao mùa, hạn hán, bão lũ; tại một số tỉnh còn có xâm nhập mặn; các loại mầm bệnh nguy hiểm lưu hành nhiều vùng nuôi, có thể xâm nhập và gây bệnh cho các loại thủy sản.

Theo Phó Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản, Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) Trần Công Khôi, để hạn chế dịch bệnh phát sinh, bảo đảm mục tiêu xuất khẩu thủy sản đạt 8,8 tỷ USD trong năm 2021, các địa phương cần nắm bắt tình hình, thời tiết khí hậu để rà soát, điều chỉnh, xây dựng lịch thời vụ thả giống nuôi phù hợp từng vùng sinh thái nhằm giảm thiểu thiệt hại. Mặt khác, cần thực hiện việc quan trắc, cảnh báo môi trường, dịch bệnh tại các vùng nuôi trọng điểm, kịp thời khuyến cáo người dân...

Chung quan điểm, cũng để hạn chế dịch bệnh phát sinh, bảo đảm năng suất, chất lượng thủy sản, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho biết, Hà Nội tiếp tục phát triển các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung theo hướng thâm canh... Cùng với đó, Hà Nội chủ trương đẩy mạnh nhân rộng mô hình "sông trong ao" để tăng năng suất, sản lượng thủy sản; đẩy mạnh xây dựng vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, an toàn dịch bệnh, sản xuất theo hướng VietGAP, GlobalGAP...

"Yếu tố quan trọng nhất trong công tác phòng, chống dịch bệnh cho thủy sản là nuôi trồng theo hướng an toàn sinh học; đồng thời, các địa phương cần kiểm soát chặt chẽ vật tư đầu vào trong nuôi trồng. Đặc biệt, các địa phương cần xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh; lấy mẫu xét nghiệm làm rõ yếu tố gây bệnh, hướng dẫn người dân xử lý triệt để ao bệnh nhằm giảm thiệt hại, tránh lây lan diện rộng...", Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh. Hiện, Bộ NN&PTNT đang xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch quốc gia phòng, chống một số bệnh nguy hiểm, dịch bệnh đối với thủy sản nuôi, giai đoạn 2021-2025.

(Theo Hà Nội mới)

Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục