Ngăn dịch bệnh, vượt rào phi thuế quan để tăng tốc xuất khẩu thủy sản

Để đạt được mục tiêu đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất thủy sản đạt 3,0-4,0%/năm, cần nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó có việc ngăn dịch bệnh, vượt rào phi thuế quan.
Ngăn dịch bệnh vượt rào phi thuế quan để tăng tốc xuất khẩu thủy sản
Riêng tháng 3/2021 xuất khẩu thủy sản Việt Nam đã tăng gần 9% về giá trị so với cùng kỳ 2020

Những tháng đầu năm 2021, xuất khẩu thủy sản ghi nhận sự tăng trưởng ngoạn mục. Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), tháng 3/2021, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam ước đạt 170.000 tấn, trị giá 685 triệu USD, tăng 7,9% về lượng và tăng 8,9% về trị giá so với tháng 3/2020.

Tính chung quý I/2021, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam ước đạt 422.300 tấn, trị giá 1,687 tỷ USD, tăng 4,8% về lượng và tăng 3,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Ngoài thị trường Trung Quốc, trong 3 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu thủy sản sang Mỹ, EU có nhiều dấu hiệu khả quan. Hiện Việt Nam là thị trường cung cấp thủy sản lớn thứ 4 cho Đức trong tháng 1/2021, đạt 17 triệu USD. Thị phần thủy sản Việt Nam tính theo trị giá trong tổng nhập khẩu của Đức tăng từ mức 6,3% trong tháng 1/2020, lên 8,5% trong tháng 1/2021.

Mới đây Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 339/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đáng chú ý, mục tiêu cụ thể đặt ra là phấn đấu đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất thủy sản đạt 3,0-4,0%/năm; tổng sản lượng thủy sản sản xuất trong nước đạt 9,8 triệu tấn; giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 14-16 tỷ USD…

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, muốn tăng sản lượng cần có nhiều nỗ lực đầu tư về hạ tầng, đặc biệt là câu chuyện phòng chống dịch bệnh trên thủy sản. Các chương trình an toàn dịch bệnh của từng chuỗi, từng doanh nghiệp cần phải nhân rộng hơn, có sự ủng hộ của quốc gia và của Bộ NN&PTNT.

Ông Nam cũng nhấn mạnh vấn đề đáp ứng các yêu cầu phi thuế quan tăng cao của thị trường nhập khẩu. Mỗi năm, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) nhận hơn 3.000 đề nghị từ các quốc gia liên quan đến vấn đề phi thuế.

Bên cạnh đó, theo Phó Tổng thư ký VASEP, khâu sản xuất sẽ là khâu trọng yếu trong đầu tư 10 năm tới. "Chúng tôi rất lo lắng cho vùng nguyên liệu. Có nguồn nguyên liệu tốt thì cạnh tranh quốc gia và doanh nghiệp sẽ khác”, ông Nam đánh giá.

Chia sẻ với báo Nông nghiệp Việt Nam hồi giữa tháng 3 về Chiến lược trên, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến phân tích, ngành khai thác thủy sản của Việt Nam những năm qua tăng trưởng khá cao. Theo tài liệu nghiên cứu cho thấy, nguồn lợi thủy sản trước đây là 4,36 triệu tấn nhưng hiện nay đang suy giảm nhanh. Do đó, định hướng chung là giảm sản lượng khai thác từ 3,8 triệu tấn xuống 2,8 triệu tấn, đi kèm với đó là phải gắn với bảo tồn thủy sản.

“Về nuôi trồng, dư địa của Việt Nam rất lớn. Nuôi trồng không chỉ là ở nội đồng mà chúng ta có không gian 1 triệu km2 biển, chỉ cần nuôi trồng 500.000 km2 thôi thì sản lượng sẽ rất lớn. Tuy nhiên, để phát triển nuôi trồng thủy sản thì cần chú trọng đến giống, vật tư nông nghiệp và hạ tầng thủy sản. Bên cạnh đó, cần nâng cao năng lực chế biến, phát triển thị trường”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói.

Lãnh đạo Bộ NN&PTNT nhấn mạnh, về cơ chế chính sách, sẽ phải tính đến chuyện giao mặt nước biển, tín dụng thế nào, thị trường ra sao? Bên cạnh đó, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng đề cập đến góc độ cần cơ cấu lại các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản theo mô hình kinh tế tuần hoàn, theo chuỗi và nâng cao giá trị.

“Về nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh trên thủy sản, những năm qua chúng ta vẫn có những lô hàng bị trả lại do chưa kiểm soát chặt chẽ được môi trường nuôi, hoặc vấn đề tồn dư kháng sinh... Do đó, cần giải quyết căn bản các vấn đề này, để đạt được trị giá xuất khẩu 14 - 16 tỷ USD như mục tiêu đề ra”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói.

(Theo VGP)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục