Giá thủy sản sụt giảm trong bối cảnh dịch COVID-19

(vasep.com.vn) Người tiêu dùng yêu thích các sản phẩm thủy sản đang được hưởng mức giá thấp hơn cho các mặt hàng thủy sản phổ biến nhất khi dịch COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường toàn cầu, trong khi các nhà sản xuất đang phải trải qua giai đoạn khó khăn.

Cá hồi Đại Tây Dương Na Uy, tôm nuôi Việt Nam, cá tuyết Đại Tây Dương hay mực ống Thái Bình Dương (các loài thủy sản được yêu thích) đều có giá thấp hơn so với thời điểm trước đại dịch. Ngay cả cá ngừ vằn, loại protein thủy sản được người dùng lựa chọn trong thời điểm dịch, giá vẫn giảm.

Cá hồi

Việc đóng cửa đột ngột các nhà hàng và khách sạn trên khắp châu Âu và Bắc Mỹ đã ảnh hưởng đến 30% tổng sản lượng cá hồi nuôi - tỷ lệ tiêu thụ ước tính qua các kênh này.

Sự gián đoạn dịch vụ hậu cần – ví dụ như lệnh cấm nhập cảnh của Mỹ đối với châu Âu, đã ảnh hưởng đến năng lực vận tải hàng không. Giá cá hồi Đại Tây Dương nuôi ở Na Uy giảm gần 2 EUR trong 2 tuần giữa tháng 3. Giá giao ngay (cá hồi bỏ ruột) đã chạm đáy (xem biểu đồ) ở mức 4,46 EUR/kg tại Oslo, giảm 44% so với mức 8,02 EUR/kg vào tháng 1/2020, mặc dù giá đang tăng trở lại.

Sự phục hồi giá xảy ra khi doanh số bán lẻ tăng vọt, các đơn đặt hàng ban đầu giành cho thị trường Mỹ được chuyển hướng sang thị trường châu Âu. Ngoài ra, Trung Quốc cũng bắt đầu mua lại cá hồi cỡ lớn nhiều hơn.

Vụ thu hoạch của Na Uy sẽ tiếp tục trong mùa hè năm nay. Tuy nhiên, ngay trong tháng 4/2020, ngân hàng SpareBank 1 Markets của Na Uy đã dự báo giá cá hồi sẽ không thể phục hồi về mức giá trước khi xảy ra đại dịch.

Tại Chile, giá phi lê cá hồi salmon D-trim XK sang Mỹ và cá hồi (bỏ ruột còn đầu) đến Brazil đã rơi vào tình trạng “rơi tự do”. Trong tuần 21, giá phi lê cá hồi D-trim (FOB) tại Mỹ, đã giảm thêm 0,14 USD xuống mức 3,62 USD/pound. Tại Brazil, giá (FOB) cá hồi Chile (không bỏ đầu) cỡ 10-12 cũng giảm nhẹ, giảm 0,08 USD xuống còn 4 USD/kg.

Tôm

Tại Andhra Pradesh, Ấn Độ, bang nuôi tôm lớn nhất Ấn Độ, nông dân đã bắt đầu bị ảnh hưởng của đại dịch từ cuối tháng 2 và đầu tháng 3/2020.

Giá tại trang trại giảm xuống mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng giá tôm toàn cầu trong mùa hè 2018 (xem biểu đồ) do các nhà NK quốc tế đang lo sợ trong bối cảnh ngừng hoạt động bán hàng thông qua dịch vụ thực phẩm, kênh chiếm tỷ lệ bán tôm nuôi lớn hơn so với cá hồi

Mức giá trung bình hàng tháng của tôm thẻ chân trắng tại trang trại (Penaeus vannamei) ở Andhra Pradesh đã giảm xuống còn 260 IRN/kg (3,45 USD/kg) (tôm loại 50 con/kg, còn đầu, chưa lột vỏ).   

Mặc dù đã có sự phục hồi về giá - nguồn cung phản ứng tương đối nhanh do chu kỳ sản xuất ngắn hơn - một số chuyên gia trong ngành cho rằng phải mất vài năm để sản xuất trở lại mức bình thường.

Trong khi đó, giá tôm nước lạnh khai thác ở Đại Tây Dương đã giảm từ mức cao 8,40 bảng/kg xuống còn 7 bảng/kg.

Cá ngừ

Cá ngừ đóng hộp được người tiêu dùng lựa chọn trong bối cảnh dịch COVID-19, nhưng sau một thời gian tăng giá ban đầu, giá sản phẩm này đã giảm mạnh.

Tại Bangkok (Thái Lan), cá ngừ vằn được giao dịch ở mức trung bình 1.375 USD/tấn trong tháng 5/2020, giảm từ mức 1.480 USD/tấn trong tháng 4/2020. Giá giao hàng trong tháng 6/2020 ở mức 1.200 USD/ tấn. Giá cá ngừ vằn ở Manta, Ecuador, hiện ổn định ở mức 1.100 USD/tấn, đã giảm mạnh từ mức 1.500 USD/tấn vài tháng trước.

Trong khi đó, giá cá ngừ vây vàng – với phần lớn tỷ lệ được bán thông qua dịch vụ thực phẩm - vẫn đang giảm mạnh.

Cá tuyết và cá haddock

Dịch COVID-19 cũng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến giá các loài cá thịt trắng, trong đó cá tuyết và cá haddock đã bị chấm dứt chuỗi 3 năm liền tăng giá.

Cá tuyết (bỏ đầu, bỏ ruột) được đánh bắt bởi các tàu của Nga và Na Uy từ biển Barents có giá (CF) trung bình 4.250 USD/tấn trong tháng 5/2020 khi XK sang Trung Quốc, giảm 9% so với tháng 1/2020. Giá cá haddock cũng giảm ở mức tương tự.

Cú sốc lớn nhất xảy ra khi các chuỗi cửa hàng fish and chip (cá và khoai tây) của Anh đóng cửa trong tháng 3/2020. Người tiêu thụ Anh đến nay vẫn là những người tiêu thụ cá tuyết và cá haddock nhiều nhất. Tuy nhiên, dịch vụ takaway (mua mang đi) và home deliveries (giao tận nhà) đã giúp tăng một lượng tiêu thụ đáng kể.

Cá minh thái

Một số lượng lớn cá minh thái được khai thác bởi các tàu của Nga ở Biển Bering đang phải quay lại cảng khi các nhà chế biến Trung Quốc – nhà NK chính của sản phẩm này đang đóng cửa.

Mặc dù các nhà máy đã mở cửa trở lại vào tháng 3/2020, Châu Âu và Mỹ bắt đầu đối mặt với khủng hoảng của chính họ, khiến giá giảm sâu hơn (xem biểu đồ).

Mặc dù cá minh thái được hưởng một số bảo hộ khi các sản phẩm lát cá minh thái tẩm bột, phi lê cá minh thái tẩm bột và surimi cá minh thái được bán lẻ trong tháng 4/2020. Giá thị trường hàng tháng (C&F) đến Trung Quốc, với số lượng hơn 15.000 tấn, kích cỡ cá từ 25 cm trở lên ở mức 1.150 USD/tấn, giảm 32 % so với tháng 12/2019.

Giám đốc điều hành của tập đoàn thực phẩm Đức Frosta cho biết việc ngừng hoạt động dịch vụ thực phẩm đã gây ra một tổn thất khá lớn.

Cá rô phi và cá tra

Trong các loại cá thịt trắng nuôi, giá của 2 loài cá thịt trắng nuôi lớn nhất thế giới là cá rô phi và cá tra, cũng giảm, mặc dù giá đã ở mức thấp trong lịch sử ngay cả trước khi xảy ra đại dịch.

Ở tỉnh Quảng Đông, miền nam Trung Quốc, giá trung bình hàng ngày cá rô phi sống, nguyên con giao cho một nhà máy ở Trạm Giang ở mức 7,93 CNY/kg (cá có trọng lượng 500-800g) trong tháng 5/2020. Sự phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc mang lại rất ít lợi ích cho người nuôi cá rô phi Trung Quốc vì hầu hết sản phẩm họ sản xuất được XK dưới dạng phi lê.

Trong khi đó, giá trung bình (FOB) cho cá tra phi lê, đã được xử lý, 100% NW, tại Việt Nam ở mức 2,19 USD/kg. Cũng như tôm, chu kỳ sản xuất ngắn đối với cá rô phi và cá tra đồng nghĩa với nông dân có thể giảm nguồn cung tương đối nhanh.

Cá chẽm và cá tráp

Các nhà sản xuất cá chẽm và cá tráp Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp đã phải đối mặt với kịch bản tồi tệ khi Italia, nhà NK lớn nhất của 2 sản phẩm này áp đặt các biện pháp phong tỏa vào đầu tháng 3/2020.

Tuy nhiên, giá cả có vẻ tương đối ổn định. Giá trung bình cá chẽm giao dịch ở Mercamadrid, Tây Ban Nha, khá ổn định. Cơn bão “Gloria”, đã phá hủy các trang trại cá tráp và cá chẽm ở Tây Ban Nha đầu năm 2020 cũng đã làm giảm nguồn cung trước đại dịch.

Mực ống

Nhu cầu mực toàn cầu cao trong khi sản lượng khai thác kém đã giúp giá mực tăng mạnh trong những năm gần đây.

Tuy nhiên người cung cấp mực được cho là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất; mực ống chiên tại nhà vẫn chưa phổ biến, với hầu hết mực được bán trong các nhà hàng, quán bar.

Giá trung bình hàng tháng của mực ống Thái Bình Dương nguyên con (Todarodes pacificus), cỡ 200 - 300 gram, dưới dạng khối đông lạnh, tại các cảng Trung Quốc, giảm xuống còn 28.017 CNY/tấn (3.929 USD/tấn) trong tháng 5/2020, giảm 10% từ tháng 1/2020. Khai thác ở Hoàng Hải và Biển Nhật Bản được dự kiến diễn ra trong tháng 6/2020 có thể khiến giá mực giảm hơn nữa. 

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục