Indonesia thúc đẩy ngành khai thác thủy sản thông qua số hóa

(vasep.com.vn) Theo ông Luhut Binsar Panjaitan, Bộ trưởng điều phối các vấn đề biển của Indonesia, chương trình “Một triệu ngư dân vì chủ quyền”, sẽ là một chương trình nhận được sự ưu tiên của Chính phủ Indonesia. Chương trình này nhằm phát triển lĩnh vực hàng hải của Indonesia với tham vọng biến đất nước này trở thành trục hàng hải của thế giới.

Tại sao phải chuyển sang số hóa?

Indonesia là quốc gia có nguồn tài nguyên biển khổng lồ. Theo số liệu của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), nguồn tài nguyên của quốc gia này mỗi năm trị giá 2,5 nghìn tỷ USD. Chỉ 7% trong khối giá trị khổng lồ đó được khai thác một cách triệt để do công nghệ khai thác của Indonesia thấp.

Tuy nhiên, điều này sẽ có thể được thay đổi khi chương trình do Bộ điều phối các vấn đề biển Indonesia khởi xướng nhằm đặt mục tiêu  tăng tỷ lệ 7% lên 17%. Ngoài ra, chương trình này cũng nhằm mục tiêu giảm tỷ lệ nghèo quốc gia của ngư dân từ mức hiện tại là 25%.

300 quận và thành phố ở các khu vực ven biển sẽ triển khai chương trình này vào cuối năm 2019 với sự tham gia của 300.000 ngư dân.

Chương trình này sẽ đem lại lợi ích cho ngư dân vì thu nhập hàng tháng của họ dự kiến sẽ tăng lên ít nhất 706,02 USD (10 triệu IDR) khi tham gia chương trình.

Hơn thế nữa, chương trình này sẽ tạo ra một phương pháp tiếp thị tích hợp và hiệu quả, từ đó rút ngắn chuỗi cung ứng và cung cấp thông tin về phân phối thị trường. Ngư dân sẽ nhận được sự hỗ trợ tiếp thị và công nghệ đầy đủ từ một công ty kỹ thuật số đối tác của Bộ điều phối Biển Indonesia.

Lợi ích công nghệ số

Thông qua nền tảng ứng dụng FishOn, công nghệ kỹ thuật số sẽ tăng cường và hỗ trợ ngư dân khi khai thác.

FishOn là một nền tảng điều hướng dựa trên hệ điều hành Androi, có những chức năng rất hữu ích cho ngư dân. Ứng dụng này có thể:

- Xác định vị trí cá trong đại dương

- Lưu trữ dữ liệu về bảo quản và hoạt động bán cá

- Giúp người dùng có thể giao tiếp và trò chuyện với nhau

- Kết nối các đơn vị HTX ngư dân thông qua một cổng thanh toán điện tử.

Ứng dụng này có chức năng như một cuốn nhật ký khai thác và có nút cảnh báo trong các tình huống khẩn cấp.

Ngoài ứng dụng FishOn, các ứng dụng khác về bán hàng và quản lý kho cũng tạo điều kiện hợp tác giữa các ngư dân; ứng dụng đấu giá trực tuyến cho ngư dân và thương lái, cũng như một trang web thương mại điện tử về cá.

Ngoài ra, công ty kỹ thuật số cũng phát triển các thiết bị kết nối vạn vật (IoT) có thể cung cấp dịch vụ internet giá rẻ ở giữa đại dương.

Công ty cũng cung cấp công nghệ sử dụng chất liệu tự nhiên để bảo quản cá tươi trong 45 ngày.

Bộ trưởng Điều phối các vấn đề biển Indonesia, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cung cấp thông tin chính xác một cách kịp thời. Vì vậy, phát triển nền kinh tế kỹ thuật số trên các lĩnh vực công nghiệp khác nhau là điều bắt buộc.

Thực hiện dự án

Để triển khai dự án, Bộ điều phối các vấn đề biển Indonesia sẽ triển khai một mô hình thí điểm tại một thành phố và nếu thành công, mô hình này sẽ được nhân rộng ở những nơi khác.

Indonesia hy vọng các công ty lớn khác, thông qua các chương trình trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR), sẽ đóng góp và hỗ trợ sáng kiến ​​này vì lợi ích mang lại cho ngư dân và tính liên tục của chương trình.

Về phía cơ quan quản lý nhà nước, Chính phủ sẽ giúp các công ty này bằng cách nới lỏng hơn các quy trình cấp phép so với các công ty khác.

(Theo opengovasia.com)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục