Bến Tre: Phát triển kinh tế hướng Đông: Phấn đấu phát triển 4 ngàn héc-ta tôm công nghệ cao

Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 29-1-2021 của Tỉnh ủy phát triển Bến Tre về hướng Đông giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030, nêu rõ mục tiêu cụ thể đến năm 2025, tỉnh phát triển hơn 4 ngàn héc-ta nuôi tôm biển công nghệ cao (CNC) và đến năm 2030 là 5 ngàn héc-ta.
Bến Tre Phát triển kinh tế hướng Đông Phấn đấu phát triển 4 ngàn hécta tôm công nghệ cao
Ao nuôi tôm công nghệ cao theo phiên bản mới nhất.

Mới đây, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Cảnh đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan nhanh chóng tham mưu UBND tỉnh xây dựng kế hoạch phát triển 4 ngàn héc-ta nuôi tôm CNC giai đoạn 2021 - 2025. Dự kiến, giữa tháng 4-2021 sẽ ban hành và triển khai. “Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cũng đã đồng ý hỗ trợ tỉnh 1 dự án nuôi tôm. Tỉnh sẽ ưu tiên nguồn vốn đầu tư này cho vùng nuôi tôm CNC”, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Cảnh thông tin.

Xu thế tất yếu

“Đề bài” về con tôm cho ngành nông nghiệp được Bí thư Tỉnh ủy Phan Văn Mãi đặt ra tại cuộc họp “Về tái cơ cấu nông nghiệp Bến Tre đến năm 2025” (vào đầu tháng 12-2020) là phải phấn đấu đạt đến giá trị “con tôm tỷ đô”, cùng với “cây dừa tỷ đô” hay “con bò tỷ đô”… Câu chuyện về giá trị tỷ đô không dừng lại ở việc sắp xếp, bố trí lại cây trồng, vật nuôi cho phù hợp mà còn nhấn mạnh việc cần phải sản xuất sạch, sản xuất hữu cơ và sản xuất tập trung, gắn với ứng dụng khoa học CNC để có sản phẩm chất lượng và nâng cao giá trị hơn, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và thế giới.

Thực tế, hiệu quả nuôi tôm cả nước nói chung trong thời gian qua là vấn đề trăn trở. Năm 2020, cả nước đạt sản lượng 850 ngàn tấn tôm/725 ngàn héc-ta. Năng suất đạt bình quân 1,2 tấn/héc-ta nuôi. Với tỉnh, con tôm là một trong 8 sản phẩm được chọn xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh.

Theo số liệu của Sở NN&PTNT, năm 2020, năng suất nuôi tôm biển thâm canh và bán thâm canh toàn tỉnh đạt bình quân từ 6 - 7 tấn/héc-ta. Riêng nuôi tôm thâm canh bình quân từ 10 - 12 tấn/héc-ta. Đặc biệt, nuôi tôm thâm canh theo hướng CNC năng suất đạt từ 60 - 70 tấn/héc-ta. Tuy nhiên, diện tích nuôi tôm CNC của tỉnh còn khá khiêm tốn, chỉ 1.680 héc-ta trên tổng số 11.400 héc-ta nuôi tôm hình thức thâm canh, bán thâm canh thả xoay vòng và trên tổng số 35 ngàn héc-ta nuôi tôm biển (bao gồm cả diện tích nuôi tôm lúa, nuôi quảng canh, xen rừng khoảng 24 ngàn héc-ta).

“Về chuỗi giá trị con tôm, mặc dù tỉnh đang được xếp vị trí thứ 5 của đồng bằng sông Cửu Long về sản lượng tôm biển, nhưng chỉ xuất bán tôm nguyên liệu cho các nhà máy chế biến ngoài tỉnh và chủ yếu qua kênh mua của các thương lái với giá cả bấp bênh. Nguyên do là tỉnh chưa có nhà máy chế biến tôm quy mô xứng tầm. Giá trị kim ngạch xuất khẩu con tôm của tỉnh hiện nay gần như bằng 0”, Phó giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Văn Buội cho biết.

Tại hội nghị về giải pháp phát triển nuôi tôm ứng dụng CNC tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, Tiến sĩ (TS) Nguyễn Thanh Mỹ - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Ryan Technologies Việt Nam được mời tham dự và trình bày với vai trò một chuyên gia chia sẻ: Yêu cầu trong ngành nuôi tôm là ngày càng tăng diện tích nuôi, giảm diện tích xử lý nước trong cùng một diện tích đầu tư và đạt năng suất cao là những vấn đề đặt ra cho công nghệ nuôi tôm trong thời gian tới. Hay nói cách khác, phát triển nuôi tôm CNC là xu thế. Đây là lời giải cho “bài toán” phát triển ngành tôm cả nước nói chung và tỉnh nói riêng. Năm 2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nêu rõ mục tiêu, lộ trình xuất khẩu tôm đạt 10 tỷ USD đến năm 2025. Đến nay đã xuất khẩu gần 4 tỷ USD.

“Đây là cơ hội lớn cho Việt Nam mà trong đó tỉnh là nơi bị mặn xâm nhập, nếu xét về ngành tôm biển thì đây lại là cơ hội tốt để phát triển thuận thiên. Vấn đề của tỉnh là phải đưa công nghệ vào nuôi tôm”, TS. Nguyễn Thanh Mỹ khẳng định.

Đề xuất các giải pháp

Toàn huyện Ba Tri hiện có 1.730 héc-ta nuôi tôm thâm canh, rải đều 10 xã, trong đó, có 200 héc-ta nuôi tôm CNC 2 giai đoạn, với 19 hộ tham gia. Phó chủ tịch UBND huyện Ba Tri Dương Văn Chương cho biết, do điều kiện hộ dân nuôi nhỏ lẻ, manh mún, nguồn vốn, điện, hạ tầng gặp khó khăn nên huyện chỉ đăng ký phát triển đến 500 héc-ta trong tổng số 4 ngàn héc-ta nuôi tôm CNC toàn tỉnh đến năm 2025.

Thạnh Phú hiện có 750 héc-ta nuôi tôm CNC, rải rác ở 7 xã ven biển. Huyện đăng ký đến năm 2025 phát triển nuôi tôm biển thâm canh 3 ngàn héc-ta, trong đó tôm nuôi CNC từ 1,5 - 1,8 ngàn héc-ta. Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thạnh Phú Trương Thanh Hải đề xuất một số giải pháp như: Tập trung đào tạo nguồn nhân lực biết ứng dụng công nghệ vào sản xuất; tranh thủ các nguồn vốn ưu đãi của ngân hàng; quy hoạch cụ thể khu nuôi, vùng nuôi; liên kết các khu nuôi để ứng dụng kỹ thuật, chuyển đổi số, đầu tư hạ tầng; xây dựng nhãn hiệu, mời gọi doanh nghiệp đầu tư chế biến xuất khẩu. Đồng thời, huyện cũng kiến nghị UBND tỉnh dành ngân sách khuyến khích người dân nuôi tôm; khảo sát quy hoạch khu nuôi tôm ứng dụng CNC.

“Bình Đại hiện có 800 héc-ta nuôi tôm CNC, định hướng đến năm 2025 sẽ phát triển 2 ngàn héc-ta. Để thực hiện đạt mục tiêu, theo Trưởng phòng NN&PTNT huyện Võ Trịnh Quốc Toàn, huyện sẽ tập trung các giải pháp về hạ tầng điện, giao thông và thủy lợi cho con tôm.

Đóng góp xây dựng kế hoạch phát triển 4 ngàn héc-ta nuôi tôm công nghệ cao, lãnh đạo 3 huyện biển, các doanh nghiệp, người nuôi tôm trên địa bàn cùng đề xuất cần đầu tư đồng bộ, đầy đủ cho nuôi thâm canh, siêu thâm canh ứng dụng CNC để tăng năng suất, hiệu quả. Đầu tư phát triển ngành chế biến tôm. Đồng thời, bảo hiểm cho nuôi tôm, đào tạo lao động ngành tôm, có chính sách ưu đãi về vốn, thuế, đầu tư hạ tầng cho các vùng nuôi lớn để khuyến khích hộ nuôi mạnh dạn đầu tư, phát triển quy mô.

Điều kiện để xuất khẩu

Theo TS. Nguyễn Thanh Mỹ, nuôi tôm CNC là giải pháp để giải quyết dứt điểm các hạn chế về năng suất thấp, giá thành cao, giảm dịch bệnh và đảm bảo có truy xuất nguồn gốc. Đây cũng là các điều kiện cần thiết để xuất khẩu tôm ra thế giới. Tiến sĩ đề xuất 3 cách cơ bản là [1] Về ngắn hạn, đưa công nghệ xử lý nước vào để tăng diện tích nuôi, giảm diện tích xử lý nước; [2] Về trung hạn, phát triển ngành sản xuất thức ăn chức năng cho tôm, giúp tôm tăng trưởng nhanh, kháng bệnh tốt, chất lượng cao và [3] Về lâu dài, cần hướng đến mô hình nuôi khép kín, trong nhà kín để sử dụng nước ít hơn, quản lý và điều tiết nhiệt độ ôn hòa cho tôm phát triển, tiết kiệm chi phí điện, nước cho ao nuôi… giúp giảm giá thành tôm.

Bên cạnh đó, tỉnh có thể kêu gọi nhà đầu tư là những công ty lớn có khả năng đầu tư công nghệ hoặc khuyến khích phát triển theo mô hình hợp tác chia sẻ, thương lượng cùng nhau có lợi, nhằm mục tiêu lớn là giúp cộng đồng người dân vùng nuôi cùng phát triển. Việc đồng hành của các ngân hàng trong nuôi tôm là cần có bảo hiểm cho người nuôi tôm…

Về vấn đề đồng vốn, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh Bến Tre Lê Công Thành đã cam kết với UBND tỉnh, lãnh đạo các huyện biển và người dân rằng vốn ngân hàng đủ sức đáp ứng cho vay. Người nuôi tôm CNC chứng minh tính rủi ro thấp để ngân hàng có điều kiện giải ngân.

Nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 04-NQ/TU của Tỉnh ủy phát triển Bến Tre về hướng Đông giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn định hướng phát triển đến năm 2021, diện tích nuôi ứng dụng công nghệ cao đạt 2 ngàn héc-ta, sản lượng nuôi đạt 48 ngàn tấn. Đến năm 2025, diện tích nuôi tôm công nghệ cao 4 ngàn héc-ta, sản lượng nuôi đạt 144 ngàn tấn.

TS. Nguyễn Thanh Mỹ cho biết, hiện nay, tất cả các công cụ, thiết bị thông minh cũng như những giải pháp giá trị cho ngành nuôi tôm thì đội ngũ kỹ sư trong nước đã làm được, đủ sức đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số trong nuôi tôm công nghệ cao. Tới đây, ông sẽ hỗ trợ tỉnh thực hiện mục tiêu chuyển đổi số trong nuôi tôm, nhằm giúp truy xuất nguồn gốc con tôm.

(Theo báo Đồng Khởi)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục