Kiên Giang: Nông dân trúng đậm vụ tôm càng xanh

Trong vụ nuôi năm 2020, huyện An Minh (Kiên Giang) thả nuôi trên 4.500 ha tôm càng xanh, bước vào vụ thu hoạch cho năng suất rất cao, trung bình 400 kg/ha.
Kiên Giang Nông dân trúng đậm vụ tôm càng xanh
Vụ tôm càng xanh năm nay nông dân huyện An Minh tỉnh Kiên Giang rất phấn khởi vì vừa trúng mùa lại được giá.

Không còn thả tôm “cầu may”

Những năm trước đây, theo thói quen người dân thường thả nuôi tôm sú với tư tưởng “cầu may”. Dù họ vẫn biết khi vào mùa nước ngọt, nuôi con tôm sú khả năng thành công rất thấp.

Tuy nhiên, những năm gần đây, nhiều hộ dân đã mạnh dạn thay đổi thả nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa mang lại hiệu quả cao.

Vụ mùa năm 2020, nông dân huyện An Minh (Kiên Giang) thả nuôi trên 4500 ha tôm càng xanh xen canh trên ruộng lúa. Trong những ngày sau tết Nguyên đán, bà con nông dân đã tranh thủ thu hoạch dứt điểm vụ tôm càng xanh để chuẩn bị điều kiện cho một vụ mùa mới.

Nhờ chủ động chăm sóc, cộng với tình hình thời tiết thuận lợi nên cho năng suất cao, bà con nông dân rất phấn khởi.

Chúng tôi đến thăm các hộ nuôi tôm càng xanh ở xã Đông Thạnh, ai nấy đều tất bật làm không nghỉ tay. Không khí ngày thu hoạch tôm rộn rã cả vùng quê Miệt thứ.

Chia sẻ niềm vui của ngày thu hoạch, bà Nguyễn Thị Mười ngụ ấp Thạnh An, xã Đông Thạnh cho biết: “Gia đình tôi nuôi 1,5 ha, trong khi chờ đợi 6 tháng để thu hoạch tôm càng xanh, thời gian đó tôi đã thu hoạch từ 2 đến 3 vụ tôm thẻ. Nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa ít tốn công chăm sóc, rủi ro lại không cao, giá bán ổn định nên bà con mình rất ưa chuộng”.

Nông dân thu hoạch tôm càng xanh trong ruộng lúa. Ảnh: PV
Nông dân thu hoạch tôm càng xanh ở huyện An Minh, Kiên Giang.

Mặc dù bước vào thu hoạch đôi khi giá bán có tăng giảm đôi chút, dao động khoảng 110 đến 130 ngàn đồng/kg, nhưng tính về hiệu quả kinh tế mang lại cao hơn nhiều lần so với việc thả nuôi tôm sú.

Lấy ngắn nuôi dài

Bên cạnh nuôi tôm càng xanh, trên cùng đơn vị diện tích, nhiều hộ dân còn thả nuôi thêm tôm thẻ chân trắng để lấy ngắn nuôi dài.

Cách làm này đã mang hiệu quả kinh tế rất cao cho bà con bởi dòng đời thẻ chân trắng khá ngắn, chỉ nuôi từ khoảng 1,5 tháng đã cho thu hoạch. Từ đó nguồn vốn bà con bỏ ra được bù đắp bằng khoảng thu hoạch tôm thẻ.

Tôm càng xanh sau thu hoạch được cho vào thùng bơm oxy để bán tôm sống với giá khá cao. Ảnh: PV
Tôm càng xanh sau thu hoạch được cho vào thùng bơm oxy để bán tôm sống với giá khá cao.

Theo ông Nguyễn Thanh Điền, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện An Minh, vụ mùa năm nay do thời tiết thuận lợi, cộng với việc ngành nông nghiệp đã chủ động định hướng, khuyến cáo bố trí vật nuôi phù hợp, đặc biệt là vận động nhân dân không thả tôm sú vụ nước ngọt mà thay vào đó thả nuôi tôm càng xanh.

Ông Điền phân tích: “Từ kết quả đạt được, năm 2021 ngoài vụ nuôi tôm sú theo lịch thời vụ vào đầu năm, chúng tôi vận động người dân lấp lại vụ lúa trên nền đất nuôi tôm, đồng thời khuyến khích thả nuôi tôm càng xanh trong ruộng lúa vào mùa nước ngọt. Như vậy bà con sẽ có thu nhập cao hơn trong cùng một đơn vị diện tích canh tác”.

Từ bài học con tôm càng xanh cho thấy, bên cạnh sự định hướng, hỗ trợ của ngành chuyên môn, bản thân người nông dân cần chủ động ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; lựa chọn vật nuôi phù hợp theo từng thời điểm để có thể đáp ứng nhu cầu thị trường và đạt lợi ích kinh tế tối ưu.

(Theo báo Lao Động)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục