Sóc Trăng: Tận dụng chất thải trong nuôi tôm công nghệ cao làm biogas

Giải pháp nào để xử lý chất thải trong nuôi tôm công nghệ cao hiệu quả đang được nhiều người trăn trở và tìm lời giải. Chính vì thế, mô hình tận dụng phân tôm làm biogas của hộ ông Châu Kiến Văn ở huyện Long Phú (Sóc Trăng) được nhiều người quan tâm bởi nó đã giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường trong nuôi tôm.

Trong những năm gần đây, nghề nuôi tôm thẻ chân trắng trên địa bàn toàn tỉnh đã chuyển qua một bước phát triển mới. Theo đó, với sự chỉ đạo sát sao của các cấp chính quyền địa phương và sự “đồng hành” của Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam (gọi tắt là C.P) mà người nuôi tôm đã mạnh dạn chuyển đổi từ nuôi tôm ao đất truyền thống sang nuôi theo hình thức siêu thâm canh trong ao lót bạt hay trong bể tròn khung thép hoặc xây bằng ximăng đã và đang mang lại lợi nhuận rất cao. Tuy nhiên, chất thải từ hình thức nuôi này cũng là vấn đề rất cần được quan tâm.

Sóc Trăng Tận dụng chất thải trong nuôi tôm công nghệ cao làm biogas
Mô hình nuôi tôm CPF Comebine V2 của hộ ông Châu Kiến Văn cho hiệu quả kinh tế cao.

Để tìm hiểu về tính hiệu quả của mô hình tận dụng chất thải trong nuôi tôm công nghệ cao làm biogas, chúng tôi cùng với lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Sóc Trăng và lãnh đạo kinh doanh của C.P đến tham quan trang trại nuôi tôm của hộ gia đình ông Châu Kiến Văn vào một ngày trung tuần tháng 3-2021 và nhận thấy mô hình này rất hiệu quả, với các ao nổi chứa đầy tôm cùng hệ thống xử lý biogas rất hiệu quả. Hiện ông Văn đang triển khai mô hình nuôi tôm CPF Comebine V2, gồm: 1 bồn ương 120m2; 2 bồn tôm thịt (1.000m2/bồn) gần 90 ngày tuổi (ương 16 ngày size 1.500 con/kg) size khoảng 42 con/kg ăn ngày 180kg/2 bồn và 2 bồn tôm siêu thịt (600m2/bồn) đã thu hoạch với size dao động trên dưới 20 con/kg ăn ngày 130kg/2 bồn, mỗi bồn thu hơn 3 tấn tôm.

Theo chia sẻ của anh Châu Minh Tâm (đại hiện hộ nuôi Châu Kiến Văn), hàng ngày do phải xi phông chất thải từ bồn nuôi tôm công nghệ cao ra bên ngoài bao gồm: chất thải, phân và vỏ tôm… rất nhiều. Nếu như không có biện pháp xử lý hiệu quả các chất thải này thì sẽ gây ô nhiễm môi trường nuôi và xung đột lợi ích với những người xung quanh là không tránh khỏi. Cũng theo anh Tâm, để khắc phục những vấn đề trên thì hiện nay có nhiều hình thức xử lý khác nhau, nhưng hiệu quả mang lại cao nhất là ứng dụng hệ thống biogas sử dụng nguồn chất thải từ bồn nuôi tôm thẻ công nghệ cao làm nguồn nguyên liệu cho bể biogas tạo chất đốt sử dụng trong sinh hoạt gia đình. Theo mô hình trên thì chất thải, phân tôm sau khi xi phông vào bể chứa thải, lắng chất thải, sau đó dùng bơm chất thải vào bể nạp biogas làm chất đốt, phần nước lắng trong được cho qua bể xả tràn lắng trong lần nữa và được xử lý an toàn rồi mới xả thải ra môi trường. Riêng đối với phần vỏ tôm sẽ tách được bằng túi lọc lưới, sau đó thu gom lại rồi ủ làm phân bón cho cây trồng rất hiệu quả.

Ông Nguyễn Tấn Hòa - Giám đốc kinh doanh C.P Việt Nam cho biết, hộ nuôi tôm công nghệ cao của gia đình ông Châu Kiến Văn tận dụng chất thải làm biogas rất hiệu quả và đáp ứng được tiêu chí của công ty. Theo đó, đối với hộ nuôi tôm công nghệ cao thì ngoài việc bán con giống, thức ăn và hỗ trợ kỹ thuật thì C.P Việt Nam luôn chú trọng đến vấn đề bảo vệ môi trường trong nuôi tôm nên đề nghị hộ nuôi tôm trong quá trình nuôi phải xây dựng hệ thống xử lý chất thải để làm biogas.

Đồng chí Đào Văn Bảy - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Sóc Trăng cho rằng, mô hình được đánh giá có nhiều ưu điểm vượt trội, có kết cấu bể đơn giản, dễ vận hành, chất thải, phân tôm được xử lý làm biogas nên không làm ảnh hưởng đến môi trường, giảm được công lao động, góp phần làm giảm chi phí sản xuất, rất thích ứng với biến đổi khí hậu hiện nay và phù hợp với chủ trương phát triển ngành tôm của tỉnh.

Trong lần khảo sát về tình hình sản xuất nông nghiệp, trong đó có mô hình nuôi tôm công nghệ cao, đồng chí Lâm Văn Mẫn - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chú trọng phát triển mô hình nuôi tôm công nghệ cao gắn với việc xử lý hiệu quả vấn đề nước thải ra môi trường. Chính vì thế, nếu hộ nuôi tôm nào cũng áp dụng mô hình nêu trên thì môi trường nguồn nước và môi trường không khí ở khu vực nuôi tôm công nghệ cao luôn được đảm bảo, đồng thời còn có nguồn khí gas phục vụ sinh hoạt hàng ngày của gia đình.

Việc áp dụng quy trình biogas trong chăn nuôi để xử lý chất thải tôm nuôi công nghệ cao của hộ ông Châu Kiến Văn bước đầu đã phát huy hiệu quả. Hộ nuôi tôm công nghệ cao cần ứng dụng quy trình xử lý chất thải này nhằm góp phần bảo vệ môi trường nguồn nước trong nuôi tôm và để ngành nuôi tôm của Sóc Trăng ngày càng phát triển.

(Theo báo Sóc Trăng)

Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục