Đối thoại bàn tròn ngành thủy sản 2018 “Làm thế nào để nâng cao giá trị cho sản phẩm thủy sản nuôi trồng của Việt Nam”

Ngày diễn ra: 22/11/2018

ĐỐI THOẠI BÀN TRÒN NGÀNH THỦY SẢN 2018

TP. Hồ Chí Minh, 22.11.2018 – Hôm nay, Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) và Cơ quan Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) tổ chức Đối thoại bàn tròn ngành thủy sản với chủ đề “Làm thế nào để nâng cao giá trị cho sản phẩm thủy sản nuôi trồng của Việt Nam”.

Tham dự Đối thoại bàn tròn ngành thủy sản (ARD 2018) có ông Trần Đình Luân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội VASEP. Sự kiện cũng có sự tham dự và trình bày của các doanh nghiệp hàng đầu trong ngành nuôi, chế biến và xuất khẩu thủy sản là Ông Lê Văn Quang, Phó Chủ tịch VASEP, Chủ tịch UB Tôm, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thủy sản Minh Phú và Bà Trương Thị Lệ Khanh, Ủy viên Ban chấp hành VASEP, Chủ tịch UB Cá nước ngọt VASEP, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn, và các đại biểu là lãnh đạo các doanh nghiệp nuôi, chế biến và xuất khẩu thủy sản, ngành, địa phương, các tổ chức quốc tế, chính trị-xã hội, cộng đồng doanh nghiệp.

Nuôi trồng thủy sản có vị trí rất quan trọng trong ngành sản xuất nông nghiệp Việt Nam với giá trị kim ngạch xuất khẩu bình quân tăng đều hàng năm, năm 2017 đạt  kỷ lục trên 8,3 tỷ USD, tạo ra hàng triệu việc làm, góp phần ổn định và phát triển kinh tế-xã hội. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, ngành nuôi trồng thủy sản ở Việt Nam trở nên tiềm năng bậc nhất trong ngành nông nghiệp với thị trường rộng lớn, khả năng tăng năng suất và mở rộng vùng nuôi. Đặc biệt là vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nơi hội tụ nhiều điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển vùng tập trung phát triển sản xuất và chế biến, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.

Tuy nhiên, bất cập của ngành NTTS hiện nay là sản xuất còn nhỏ lẻ, chưa đồng bộ, đặc biệt là tôm nên chưa đáp ứng được các điều kiện về năng suất và sản lượng tập trung để thúc đẩy liên kết. Trong khi Việt Nam là nước sản xuất và XK thủy sản nuôi trồng lớn trên thế giới, tuy nhiên so với các nước trong khu vực thì chi phí sản xuất trong nuôi trồng thủy sản của Việt Nam còn cao (chi phí con giống, thức ăn, thuốc vật tư, tổn thất sau thu hoạch....), mức độ công nghệ hóa thấp, bên cạnh đó các yêu cầu ngày càng khắt khe từ thị trường, nhà nhập khẩu (như vấn đề chất lượng, môi trường, lao động, sản xuất bền vững, trách nhiệm xã hội…). Chính vì vậy chủ đề đối thoại Hợp tác công tư ngành thủy (PPP Thủy sản) đề xuất lựa chọn trong năm 2018 là tìm giải pháp nâng cao giá trị cho sản phẩm thủy sản nuôi trồng của Việt Nam.

Đối thoại bàn tròn ngành thủy sản (ARD 2018) tập trung thảo luận về nội dung Làm thế nào để nâng cao giá trị cho sản phẩm thủy sản nuôi trồng của Việt Nam, với sự tham dự của gần 80 đại biểu đến từ các doanh nghiệp sản xuất, giống, thức ăn, chế biến & xuất khẩu, hiệp hội và bà con nuôi thủy sản và các cơ quan quản lý trung ương và địa phương, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ và các tổ chức xã hội nghề nghiệp, cơ quan truyền thông… là cơ hội chia sẻ để tìm ra hướng giải pháp cho việc nâng cao giá trị và tính cạnh tranh cho các sản phẩm thủy sản nuôi trồng của Việt Nam.

Đối thoại bàn tròn là dịp để cơ quan quản lý cùng các doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề, chuyên gia và các địa phương đánh giá tình hình hiệu quả sản xuất trong thủy sản, chia sẻ những hạn chế, tồn tại; nguyên nhân và đề xuất giải pháp thúc đẩy bài toán nâng cao hiệu quả sản xuất và đầu tư vào nuôi thủy sản trong thời gian tới. Đồng thời, lấy ý kiến để đề xuất với cơ quan quản lý để phát triển ngành nuôi thủy sản Việt Nam đến năm 2025 là cần phải có quyết tâm chính trị và giải pháp đồng bộ, quyết liệt để phát huy tốt lợi thế đặc biệt của ngành nuôi thủy sản. Xác định rõ mục tiêu đưa ngành nuôi thủy sản trở thành ngành công nghiệp sản xuất lớn, hiệu quả, có khả năng cạnh tranh cao và phát triển bền vững; mang lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp, nền kinh tế Việt Nam. Phấn đấu đưa Việt Nam trở thành công xưởng sản xuất thủy sản của thế giới, trong đó ĐBSCL là thủ phủ của nuôi, chế biến các sản phẩm chủ lực và chất lượng cao. Đồng thời, cần áp dụng công nghệ để nâng cao giá trị và sản xuất theo hướng thân thiện với môi trường.

Tại Đối thoại bàn tròn 2017, ông Trần Đình Luân, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản khẳng định: “Chúng ta cần nhiều hơn nữa sự hợp tác của các Doanh nghiệp và các đối tác quan trọng, bao gồm các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ, cũng như toàn thể người sản xuất, đó là điều hết sức cần thiết đối với sự phát triển bền vững ngành thủy sản. Việc làm thế nào để nâng cao giá trị và tăng khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nuôi thủy sản Việt Nam là ưu tiên hàng đầu của Bộ NN&PTNT, sự tham gia của các bên sẽ giúp khai thác tối đa cơ chế minh bạch thông tin đầu vào sản xuất, tăng cường hợp tác trong chuỗi cung ứng, thể hiện nền tảng cho sự hợp tác giữa hai khối nhà nước - tư nhân, góp phần tăng lợi nhuận bằng việc giảm chi phí đầu vào sản xuất để tối ưu hóa lợi thế cạnh tranh trên thị trường”.

Để nâng cao giá trị cho các sản phẩm thủy sản nuôi trồng của Việt Nam, chúng ta cần có sự đồng bộ cả về chính sách, thể chế và năng lực trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay. Thách thức lớn của ngành NTTS Việt Nam trong thời gian tới chính là chịu sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các thị trường khác, đối mặt với rào cản kỹ thuật với việc tự do hóa thương mại và lao động trong ngành thủy sản khi Việt Nam tham gia CPTPP. Chính vì thế, việc các chủ thể trong ngành, bao gồm người sản xuất, doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu, và đặc biệt là các doanh nghiệp cung cấp đầu vào như giống, thức ăn và thuốc luôn đóng vai trò quyết định chuỗi giá trị. Đồng thời, việc ứng dụng khoa học công nghệ phải được thúc đẩy một cách hợp lý để nâng cao hiệu quả sản xuất cả về mặt môi trường và xã hội.

Nhiều đại biểu cũng cho rằng, cần phải phát huy lợi thế của ngành nuôi thủy sản Việt Nam thông qua việc minh bạch hóa đầu vào sản xuất và tăng cường việc thực thi các biện pháp để nâng cao chất lượng sản phẩmkiện toàn liên kết sản xuất để nâng cao hiệu quả sản xuất và tối ưu hóa chi phí đầu vào, bên cạnh đó cần xây dựng thương hiệu để đảm bảo sản phẩm nuôi của Việt Nam có thể khẳng định lợi thế trên thị trường toàn cầu.

Bài trình bày của Ông Vũ Duyên Hải - Phó vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Hợp tác quốc tế, Tổng cục Thủy sản

Bài trình bày của Ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký VASEP

Bài trình bày của Ông Lê Văn Quang - Phó Chủ tịch VASEP, Chủ tịch UB Tôm, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thủy sản Minh Phú

Bài trình bày của Bà Trương Thị Lệ Khanh, Ủy viên Ban chấp hành VASEP, Chủ tịch UB Cá nước ngọt VASEP, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn

Bài trình bày của Ông Nguyễn Phú Cường - Đại diện Agtexco

Thông tin liên hệ:

Tổng cục Thủy sản- Số 10 Nguyễn Công Hoan, Ba Đình, Hà Nội

Hiệp hội chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) - Số 10 Nguyễn Công Hoan, Ba Đình, Hà Nội - Email: vasephn@com.vn 

Cơ quan hợp tác Phát triển Đức - GIZ - Phòng K1A, 14 Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội - Cố vấn trưởng:  TS. Dirk Pauschert -  icmp@giz.de


  • Trang chủ - Right- BOTTOM
  • Trang chủ - Right - BOTTOM