Chính phủ nhất trí vay 2 tỷ USD phát triển Đồng bằng sông Cửu Long

(vasep.com.vn) Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2021 - phiên họp cuối cùng trước khi được Quốc hội kiện toàn Chính phủ khóa XIV, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhất trí vay 2 tỉ USD phát triển ĐBSCL và yêu cầu các bộ ngành liên quan sớm ban hành kế hoạch cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh năm 2021 và tăng cường đối thoại, tham vấn, tiếp thu ý kiến của các tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp về quy định không còn phù hợp, là rào cản, gây khó khăn đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Vay 2 tỷ USD phát triển ĐBSCL

Theo đó, Chính phủ đồng ý nguyên tắc việc vay nguồn vốn ODA và vay ưu đãi nước ngoài trị giá khoảng 2 tỷ USD được huy động từ Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Tái thiết Đức, Cơ quan Phát triển Pháp và các đối tác khác cho mục tiêu đầu tư phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu và triển khai theo hình thức tài trợ cho các chương trình, dự án đầu tư cụ thể, hiệu quả nhất.

Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các Bộ, địa phương liên quan căn cứ vào Nghị quyết 120 của Chính phủ và các văn bản có liên quan để xác định tổng thể nhu cầu các dự án của 13 tỉnh, thành ĐBSCL cần vay vốn ODA và vay ưu đãi nước ngoài để tránh trùng lắp, bảo đảm hiệu quả.

Chính phủ cũng giao các Bộ nghiên cứu để chỉnh sửa dự thảo Nghị định số 97 về theo hướng giảm tỷ lệ cho các địa phương vay lại vốn ODA, vốn vay ưu đãi, đặc biệt là các địa phương có điều kiện khó khăn phải khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ, ứng phó với biến đổi khí hậu và hàng năm ngân sách Trung ương phải hỗ trợ, trong đó có các địa phương vùng ĐBSCL cũng đang chịu tác nặng nề của dịch COVID-19.

Thủ tướng giao Bộ Giao thông Vận tải ưu tiên tập trung nguồn lực phát triển tuyến đường bộ cao tốc Bắc Nam kết nối ĐBSCL với Đông Nam Bộ, tuyến Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, tuyến An Hữu - Cao Lãnh và tuyến Mỹ An - Cao Lãnh, cùng các cầu đặc biệt lớn như Rạch Miễu 2 và Đại Ngãi.

Cùng với ưu tiên triển khai các dự án luồng cho tàu biển lớn vào sông Hậu giai đoạn 2, luồng kênh chợ Gạo giai đoạn 2, Thủ tướng cũng giao các Bộ nghiên cứu để kêu gọi đầu tư tuyến đường sắt từ TP Hồ Chí Minh đi Cần Thơ và kêu gọi đầu tư xây dựng các cảng lớn trong vùng như cảng Trần Đề, cảng Long An đáp ứng nhu cầu xuất khẩu hàng hóa trực tiếp, giảm chi phí vận tải.

Sớm có kế hoạch cắt giảm, đơn giản hóa quy định

Tại thông cáo báo chí phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2021 của Văn phòng Chính phủ cho biết, xuất nhập khẩu hàng hóa quý I/2021 tiếp tục đạt kết quả ấn tượng. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 152,6 tỷ USD, tăng 24,1% so với cùng kỳ; xuất siêu đạt hơn 2 tỷ USD. Hoạt động thương mại và dịch vụ tiêu dùng có xu hướng phục hồi mạnh. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý I/2021 tăng 5,1% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, các thành viên Chính phủ cũng cho rằng, nền kinh tế còn phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, nhất là diễn biến phức tạp của dịch COVID-19. Do đó, việc đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5% năm 2021 là thách thức lớn, đòi hỏi cần có sự chung sức, đồng lòng của Chính phủ, doanh nghiệp và người dân.

Bên cạnh đó, các thành viên Chính phủ cũng đề xuất nhiều giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ, mục tiêu vừa phòng chống dịch, vừa tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát tốt lạm phát, phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các nhiệm vụ, mục tiêu kinh tế - xã hội đã được đề ra cho những tháng tới và của cả năm 2021.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ ngành liên quan sớm ban hành kế hoạch cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh năm 2021 và tăng cường đối thoại, tham vấn, tiếp thu ý kiến của các tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp về quy định không còn phù hợp, là rào cản, gây khó khăn đối với hoạt động sản xuất kinh doanh.

Đổi mới hoạt động kiểm tra chuyên ngành theo hướng tập trung đầu mối, phân định rõ thẩm quyền, chuyển mạnh từ cơ chế "tiền kiểm" sang "hậu kiểm".

Thúc đẩy tiêu thụ nông sản, nhất là các nông sản theo mùa vụ, không để mất giá, phải giải cứu. Tiếp tục triển khai đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả khuyến nghị của EC để gỡ “thẻ vàng” và hướng tới phát triển thủy sản biển bền vững.

Chia sẻ:


Tạ Hà
Chuyên gia thị trường cá Tra
Email: taha@vasep.com.vn
Điện thoại 024. 37715055 - ext. 214

Bình luận bài viết

Tin liên quan
Tin cùng chuyên mục

  • Trang chủ - Right- BOTTOM
  • Trang chủ - Right - BOTTOM