VASEP góp ý cho đề án phát triển ngành chế biến thủy hải sản

(vasep.com.vn) VASEP ủng hộ và cho rằng cần thiết có Đề án phát triển ngành chế biến thuỷ hải sản vì đây là một lĩnh vực quan trọng trong thúc đẩy sản xuất và sinh kế thuỷ hải sản Việt Nam, tạo ra giá trị gia tăng hàng hoá và kim ngạch XK cho đất nước.

VASEP góp ý cho đề án phát triển ngành chế biến thủy hải sản

Ngày 23/3/2021, VASEP đã gửi công văn tới Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) góp ý Dự thảo Đề án phát triển ngành chế biến thủy sản của Bộ. Trong đó, VASEP nhất trí với các nội dung dự thảo tại mục "Quan điểm - định hướng" và "Mục tiêu" vì phù hợp với Chiến lược phát triển thuỷ sản đến 2030 mà Thủ tướng Chính phủ mới ban hành tại Quyết định số 339/QĐ-TTg ngày 12/3/2021 và cũng đồng ý với 7 nhóm giải pháp Bộ NN&PTNT đưa ra trong dự thảo.

Tuy nhiên, theo VASEP, hiện nay, ngành chế biến thủy sản của Việt Nam gần 100% là sở hữu và vận hành bởi các DN tư nhân. Do đó, trong 10 năm tới, 3 vấn đề về: Phát triển nguồn nguyên liệu cho chế biến; phát triển thị trường tiêu thụ và hoàn thiện cơ chế chính sách  là 3 nội dung trụ cột, ưu tiên hơn cả và tạo điểm nhấn cho Đề án lớn này. Có những nội dung này mới tạo nên sự thay đổi, sự phát triển, thúc đẩy các nội dung giải pháp khác. Bởi vậy, VASEP nhận thấy cần sắp xếp thứ tự ưu tiên đầu tiên 3 giải pháp này ngay trong chính Dự thảo Đề án. Và đặc biệt, Đề án do Thủ tướng Chính phủ ban hành để đưa ra các quyết sách, nguồn lực thực hiện mục tiêu, nhưng VASEP chưa thấy có các dự án cho 3 nội dung trọng tâm này.

Vì vậy, VASEP đề nghị ban soạn thảo rà soát, bổ sung Đề án hoặc nội dung trong Đề án để có cơ sở pháp lý và nguồn lực thực hiện 3 nội dung trên: nguyên liệu (bao gồm cả nguyên liệu nhập khẩu); tiêu thụ và cơ chế chính sách.

Ban soạn thảo nên xem xét việc không chia nhỏ thành nhiều dự án, mà cần đánh giá mức độ và sự liên quan để gộp hoạt động vào trong một dự án, nhằm dễ dàng hơn cho thực hiện về sau. Cụ thể:

Gộp dự án số 1 và số 2 trong Dự thảo thành một Dự án vì đều là các nội dung thuộc về vấn đề công nghệ (máy móc thiết bị, sản phẩm mới, phụ phẩm...)

Về dự án số 3: về phát triển hệ thống kho lạnh: đề nghị bỏ Dự án này, mà xem xét gộp nội dung này vào Dự án liên quan "cơ chế chính sách" bởi vì phát triển để có các kho lạnh lớn, kho lạnh tập trung tại các khu vực quy hoạch (trung tâm nghề cá, cảng biển, biên giới....) là các đầu tư lớn và rất khó để Nhà nước đầu tư, vận hành kho lạnh cho các hoạt động kinh tế trong bối cảnh hiện nay và 10 năm tới. Điều cần thiết là chính sách và cơ chế (đất đai, tín dụng) để tư nhân đầu tư vào kho lạnh.

Dự án số 4 (thí điểm thúc đẩy phát triển các tập đoàn... ngang tầm thế giới): VASEP rất tán thành việc Chính phủ có các quan tâm tới sự phát triển của DN thuỷ sản. Tuy nhiên, việc dự thảo đưa nội dung này thành riêng một Dự án mà nội dung thực tế cuối cùng cũng chỉ là cơ chế, chính sách. Bởi vậy, VASEP đề nghị bỏ dự án này và chuyển nội dung này vào Dự án chuyên biệt thuộc cơ chế, chính sách.

Về tổ chức thực hiện tại Mục 6: "Các Hội, Hiệp hội và DN thủy sản" chỉ có duy nhất nội dung phối hợp với cơ quan thẩm quyền để tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn thực hiện thì như dự thảo là chưa đầy đủ so với vai trò thực tiễn với Hiệp hội và doanh nghiệp thủy sản. Do vậy, VASEP đề nghị xem xét bổ sung thêm các hoạt động mà Hiệp hội và DN có thể phối hợp thực hiện Đề án như: góp ý cho quá trình xây dựng, đề xuất cơ chế, chính sách; tham gia cùng các Bộ, địa phương triển khai các Dự án.

Chia sẻ:


Tạ Hà
Chuyên gia thị trường cá Tra
Email: taha@vasep.com.vn
Điện thoại 024. 37715055 - ext. 214

Bình luận bài viết

Tin liên quan
Tin cùng chuyên mục

  • Trang chủ - Right- BOTTOM
  • Trang chủ - Right - BOTTOM