VASEP góp ý cho dự thảo Thông tư sửa đổi thông tư 36 về kiểm dịch thủy sản

(vasep.com.vn) Ngày 27/6/2019, VASEP đã gửi Công văn số 63/2019/CV-VASEP (CV 63) tới Cục Thú ý (Bộ NN&PTNT) góp ý cho nội dung của dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 36/2018/TT-BNNPTNT (TT36) về kiểm dịch thủy sản.

Đây là thông tư mà đầu năm nay, nhiều DN XK cá ngừ Việt Nam đã gặp vướng mắc khi nhiều lô hàng cá ngừ nguyên liệu nhập khẩu gián tiếp qua cảng trung chuyển không thể đáp ứng được điểm G của TT36 và không được kiểm dịch để thông quan.

Đầu tháng 3/2019, hoạt động sản xuất, XK của các DN cá ngừ này vẫn đang tiếp tục đảo lộn do những lô hàng NK vẫn còn nằm tại cảng, chưa về được nhà máy vì không được kiểm dịch để thông quan theo quy định của Thông tư số 36/2018/TT-BNNPTNT (TT36/2018) về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thủy sản của Bộ NN&PTNT.

Những ý kiến góp ý này nêu tại CV 63, VASEP và các DN XK hải sản đề nghị Cục Thú y xem xét bổ sung, sửa đổi nội dung Dự thảo Thông tư sao cho hợp lý nhằm tạo thuận lợi cho các DN, cá nhân có liên quan trong việc thực hiện, không tạo ra các rào cản không đáng có, đảm bảo tính khả thi và hiệu quả cho việc thực hiện Thông tư trong thực tế.

Đầu tiên, VASEP cho rằng, dự thảo này cần bổ sung thêm thủ tục kiểm dịch thú y cho phù hợp với thực tế hiện nay, đó là trường hợp tàu đánh bắt cập mạn tàu vận chuyển ngoài biển để sang hàng từ tàu đánh bắt sang tàu vận chuyển, sau đó tàu vận chuyển giao hàng tại cảng Việt Nam. Lý do là trường hợp này cả tàu đánh bắt và tàu vận chuyển đều không vào cảng trung chuyển để sang hàng. Hiện tại, khi phát sinh trường hợp này thì Cơ quan Thú y sẽ không chấp nhận khai báo kiểm dịch do không có hướng dẫn trường hợp này trong Thông tư 36/2018/TT-BNNPTNT.

Về hướng dẫn cách khai báo các hạng mục trong mẫu Giấy khai báo

Cục Thú y xem xét nên có hướng dẫn cách ghi các hạng mục trong mẫu Giấy khai báo cho từng trường hợp chuyển tải về Việt Nam bằng tàu vận chuyển (carrier) hoặc bằng container để các Cơ quan Thú y và các DN thống nhất cách hiểu, cách khai, đồng thời không gây thêm các thủ tục hành chính khác trong quá trình thực thi.

Bởi một số hạng mục trong mẫu khai báo còn gây khó khăn cho người khai, không rõ cần khai như thế nào, cần nộp thêm tài liệu gì kèm theo:

Ví dụ, một số DN băn khoăn, mục “Điều kiện lưu giữ sản phẩm”, cần ghi “Đông lạnh/ướp đá” hay ghi “nhiệt độ bảo quản -180C/-250C”.  Và nếu ghi “nhiệt độ bảo quản -180C/-250C” thì DN có cần phải nộp thêm các tài liệu, giấy tờ khác?

Do đó, các DN đề nghị, tại mục này chỉ nên quy định là ghi “Đông lạnh/ướp đá” là đủ vì nếu yêu cầu DN phải nộp thêm các tài liệu khác để chứng minh cho mục này thì sẽ gia tăng thêm gánh nặng về thủ tục hành chính khác cho DN (DN phải làm thêm các thủ tục khác để xin được cấp/chứng thực/sao chép các tài liệu đáp ứng quy định tại mục này).

Về bổ sung thông tin trong trường hợp chuyển tải sang container tại cảng trung chuyển

VASEP đề nghị bổ sung thêm vào Mẫu Giấy khai báo thông tin về số container của lô hàng thủy sản được NK. Lý do hiện nay, hình thức hải sản khai thác được nhập khẩu gián tiếp qua cảng trung gian về Việt Nam là bao gồm một trong 2 hình thức sau:

(1) Hải sản khai thác được chuyển tải sang container tại cảng trung chuyển sau đó được vận chuyển về cảng Việt Nam; (2) Hải sản khai thác được chuyển tải sang tàu vận chuyển (carrier) tại cảng trung chuyển, hoặc một số trường hợp là ngoài biển, sau đó được vận chuyển về cảng Việt Nam.

Trên mẫu khai báo hiện nay chưa thể hiện để khai trong trường hợp thủy sản NK được vận chuyển về VN bằng container (mẫu chỉ có yêu cầu khai báo thông tin về tàu vận chuyển (carrier), chưa có thông tin về số container), nên phải bổ sung thêm yêu cầu khai báo về số container và có hướng dẫn khai báo riêng trong trường hợp NK gián tiếp bằng tàu vận chuyển hay bằng container để các bên có liên quan (DN và các cơ quan quản lý Nhà nước) hiểu và thực hiện đúng.

Tạ Hà - Hoàng Yến

Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục

  • Trang chủ - Right- BOTTOM
  • Trang chủ - Right - BOTTOM