Nâng cao năng lực xuất khẩu vào thị trường ASEAN

Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) đã chính thức thành lập (31/12/2015) tạo thêm cơ hội cho doanh nghiệp mở rộng thị phần xuất khẩu sang thị trường các nước khu vực. Tuy nhiên, muốn hiện thực hóa các cơ hội, từng doanh nghiệp cần chủ động, linh hoạt nâng cao năng lực cạnh tranh nhiều mặt.

 AEC hướng tới 4 trụ cột chính là “thị trường chung và không gian sản xuất thống nhất, một khu vực kinh tế cạnh tranh, phát triển kinh tế đồng đều, hội nhập với nền kinh tế toàn cầu”. Mức cam kết tự do hóa thương mại trong AEC là cao nhất (không thuế quan) trong các FTA Việt Nam ký kết (kể cả TTP...), đây là một lợi thế rất lớn về lưu chuyển hàng hóa... trong nội khối ASEAN. Các chuyên gia kinh tế dự báo, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào thị trường ASEAN có thể “bùng nổ” trong những năm tới do doanh nghiệp được hưởng ưu đãi thuế quan, có thể tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa, mức độ thuận lợi hóa thương mại cao, đơn giản và hiện đại hóa thủ tục hải quan, hài hòa tiêu chuẩn và chứng nhận phù hợp, áp dụng các biện pháp kiểm dịch vệ sinh động thực vật linh hoạt...

Thực tế thì ASEAN hiện vẫn đang là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của các doanh nghiệp Việt Nam chỉ đứng sau Hoa Kỳ và EU. Trước năm 2010, doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu chủ yếu sang ASEAN 2 nhóm mặt hàng chính là dầu thô và gạo (chiếm trên 50% tổng kim ngạch). Hiện nay, cơ cấu mặt hàng xuất khẩu sang ASEAN đã đa dạng hơn nhiều, ngoài dầu thô và gạo, các doanh nghiệp Việt Nam đã xuất khẩu sang ASEAN nhiều mặt hàng khác như điện thoại các loại và linh kiện; máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện; sắt thép các loại; máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng; dệt may, giày dép, thủy sản, cà phê, cao su…

Trước khi AEC hình thành, doanh nghiệp Việt Nam đã khai thác cơ hội từ các hiệp định tự do thương mại trong nội khối để xuất khẩu, song dường như chưa tận dụng và phát huy tối đa các lợi thế để đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường này.

Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong quan hệ thương mại với ASEAN 5 năm vừa qua, Việt Nam luôn nhập siêu. Năm 2010 Việt Nam thâm hụt thương mại với ASEAN khoảng 6 tỷ USD, tỷ lệ nhập siêu là 57%; đến năm 2014 thâm hụt giảm xuống còn khoảng 4 tỷ USD, tỷ lệ nhập siêu là 20,3%; năm 2015 xuất khẩu giảm so với 2014, kim ngạch ước tính đạt 20 tỷ USD, thâm hụt thương mại lại tăng lên ở mức trên 5 tỷ USD, tỷ lệ nhập siêu trên 30%.

Mặc dù một số doanh nghiệp Việt Nam đã có những bước đi khá toàn diện để khai thác thị trường ASEAN bằng việc đầu tư trực tiếp, từ đó có thể chủ động phát triển các chuỗi giá trị trong nội khối và đón cơ hội từ AEC, qua đó có thể đẩy mạnh đưa hàng hóa, dịch vụ trong nước xâm nhập thị trường ASEAN nhưng cũng chưa hiệu quả. Bà Phạm Thị Thu Hằng - Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, để đẩy mạnh xuất khẩu vào ASEAN, từng doanh nghiệp cần phải chủ động đổi mới quản trị, xây dựng tầm nhìn kinh doanh thích hợp, đẩy mạnh liên kết theo chuỗi để gia tăng giá trị, nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng đáp ứng nhu cầu thị trường AEC cả về lượng, chất và giá thành. Phải linh hoạt, nhạy bén, nhận diện và nắm bắt những cơ hội mà AEC mang lại trên từng lĩnh vực ngành hàng để nhắm tới, tận dụng và khai thác trong dài hạn.

Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản thực phẩm, một chuyên gia của Cục Chế biến - Thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng, cần phải nắm bắt kịp thời những quy định về khung pháp lý của thị trường, nhất là về vệ sinh an toàn thực phẩm; chủ động nâng cao năng lực công nghệ, chế biến, áp dụng các tiêu chuẩn quản lý chất lượng ngay từ khâu phân loại nguyên liệu, phân cấp sản phẩm... để có hàng hóa đáp ứng tốt các yêu cầu cạnh tranh cao của thị trường...

Tin cùng chuyên mục