Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu (VEAEUFTA)

I. Tình hình quan hệ thương mại

1. Việt Nam - Liên bang Nga:

Quan hệ thương mại Việt - Nga có rất nhiều tiềm năng để phát triển mạnh. Trong những năm trở lại đây, kim ngạch thương mại hai chiều luôn có sự tăng trưởng cao, cụ thể năm 2000 mới đạt hơn 400 triệu USD đến năm 2007 đạt 1,01 tỷ USD, năm 2010 đạt 1,83 tỷ USD và năm 2013 đạt 2,76 tỷ USD (theo số liệu của LB Nga là 3,97 tỷ USD).

 Những mặt hàng nhập khẩu chính của Việt Nam từ Nga trong nhiều năm gần đây vẫn là xăng dầu, sắt thép, phân bón, máy móc thiết bị. Hiện nay, những mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Nga bao gồm điện thoại và linh kiện (chiếm khoảng trên 40% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nga), máy vi tính và sản phẩm điện tử, hàng dệt may, giày dép, thủy sản, cà phê, hạt điều, gạo, rau quả. Có thể nói, cho đến thời điểm này kim ngạch thương mại  Việt - Nga so với tổng thể kim ngạch thương mại của hai nước còn khiêm tốn (chiếm khoảng 1% tổng kim ngạch thương mại của Việt Nam và khoảng 0,5% của Nga). Tuy nhiên, với đặc tính hàng hóa của 2 nước không cạnh tranh đối đầu mà bổ trợ lẫn nhau, cùng với nỗ lực nâng tầm hợp tác của Lãnh đạo cấp cao hai nước, quan hệ kinh tế - thương mại song phương Việt - Nga trong thời gian tới sẽ có các điều kiện để phát triển vượt bậc.

Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, kim ngạch trao đổi hàng hóa giữa Việt Nam và Nga trong năm 2013 đạt 2,76 tỷ USD, tăng 12,61% so với năm 2012. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Nga đạt 1,91 tỷ USD (tăng 17,69%) và nhập khẩu từ Nga đạt 853 triệu USD (tăng 2,7%). Việt Nam xuất siêu hơn 1 tỷ USD.

Trong 10 tháng đầu năm 2014, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Nga đạt trên 2,21 tỷ USD, giảm 6% so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam đạt 1,44 tỷ USD, giảm 10%; nhập khẩu của Việt Nam đạt 0,77 triệu USD USD, tăng 5%.

2. Việt Nam - Belarus

Về hợp tác trong lĩnh vực kinh tế - thương mại, Việt Nam vẫn đang nhập siêu cao từ Belarus. Tuy nhiên, với kim ngạch nhập khẩu giảm và xuất khẩu tăng, mức nhập siêu của Việt Nam trong thương mại với Belarus đang có xu hướng giảm dần trong các năm gần đây.

Trong năm 2013, tổng kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Belarus đạt xấp xỉ 152 triệu USD, giảm 12,9% so với năm 2012. Trong đó, Belarus xuất khẩu đạt 138 triệu USD, giảm 17%; Việt Nam xuất khẩu đạt 13,7 triệu USD, tăng 88%. Năm 2013 Việt Nam nhập siêu từ Belarus 124,6 triệu USD, giảm so với mức 159,8 triệu USD của năm 2012 và 188,1 triệu USD của năm 2011.

Trong 9 tháng đầu năm 2014, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Belarus đạt 83,2 triệu USD, giảm 32% so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Belarus đạt 73,2 triệu USD, giảm 34,5%; xuất khẩu của Việt Nam đạt 10 triệu USD, tăng 2% so với cùng kỳ.

Kim ngạch nhập khẩu từ Belarus giảm trong các năm gần đây chủ yếu do nhập phân bón NPK của Việt Nam từ thị trường này giảm.

3. Việt Nam - Kazakhstan

Xét về tổng thể, quan hệ kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và Kazakhstan hiện nay còn khiêm tốn. Tuy nhiên, trong các năm gần đây, kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Kazakhstan đã có sự tăng trưởng khá tích cực.

Kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước năm 2013 đạt 159 triệu USD, tăng 185% so với năm 2012, trong đó xuất khẩu của Việt Nam đạt 153,8 triệu USD (tăng 213 % so với cùng kỳ), xuất khẩu của Kazakhstan đạt 5,2 triệu USD (giảm 63% so với năm 2012).

Trong 3 tháng đầu năm 2014, tổng kim ngạch thương mại song phương Việt Nam- Kazakhstan đạt 39,66 triệu USD, tăng 105,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó xuất khẩu từ Việt Nam sang Kazakhstan đạt 38,71 triệu USD (tăng 110% so với cùng kỳ năm 2013) và nhập khẩu từ Kazakhstan của Việt Nam đạt 0,94 triệu USD (giảm 63,7%). 

Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam bao gồm điện thoại và linh kiện đi kèm, hàng nông sản (gạo, hạt điều, hạt tiêu), hàng thủy sản, hàng dệt may, máy móc phụ tùng và sắt thép các loại.

Việt Nam nhập khẩu từ Kazakhstan các sản phẩm: hóa chất, kim loại, quặng và khoáng sản, sắt thép các loại…

Để tạo điều kiện đẩy mạnh hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư, từ tháng 3 năm 2013, Việt Nam và Liên minh Hải quan Nga, Belarus, Kazakhstan đã khởi động và tiến hành đàm phán Hiệp định FTA song phương. Đến nay, hai Bên đã thực hiện được 8 phiên đàm phán chính thức cùng nhiều phiên đàm phán kỹ thuật và đã kết thúc cơ bản đàm phán vào tháng 12/2014.

II. Đánh giá lợi ích khi thực hiện Hiệp định

1. Tăng khả năng tiếp cận thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu

Hiệp định VCUFTA mang tính chất tự do hóa cao về hàng hóa, do vậy sẽ tạo cơ hội mở rộng hơn nữa cho thị trường xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng ta có thế mạnh như dệt may, giày dép, thủy sản… và các mặt hàng ta có tiềm năng phát triển trong tương lai.

1.1. Thuế nhập khẩu của LMHQ và phương thức giảm thuế

Mục tiêu của VCU FTA là xóa bỏ và cắt giảm thuế nhập khẩu: một tỷ lệ các dòng thuế là giảm thuế, không xóa bỏ hoàn toàn; một số áp dụng cơ chế phòng vệ đặc biệt trigger mechanism; và một số dòng thuế không cam kết xóa bỏ thuế quan.

Các phương thức cắt giảm thuế quan bao gồm: (i) xóa bỏ thuế quan ngay khi hiệp định có hiệu lực; (ii) giảm dần về 0% trong X năm (3, 5, 7, 10 năm); (iii) giảm về một mức nhất định và sau đó giữ nguyên; (iv) áp dụng cơ chế phòng vệ đặc biệt; và (v) không cam kết cắt, giảm thuế.

Thuế MFN trung bình của LMHQ hiện nay và thuế tại thời điểm FTA bắt đầu có có hiệu lực như sau:

Mặt hàng

LMHQ

Thuế NK hiện nay

Thuế NK khi FTA có hiệu lực

Dệt may

10%

0% (áp dụng cơ chế Q và một số sản phẩm không cam kết)

Giày dép

10%

0% (áp dụng cơ chế Q và một số sản phẩm không cam kết)

Thủy sản

10%

0%

Gạo

15%

0% cho 10.000 tấn, MFN cho phần ngoài hạn ngạch

Chè xanh

20%

0%

Cà phê nguyên liệu

10%

0%

Sản phẩm đồ gỗ

15%

0% (áp dụng cơ chế Q và một số sản phẩm không cam kết)

Điện thoại di động

0%

0%

1.2. Lợi ích cụ thể đến một số ngành xuất khẩu chủ lực

Hiệp định VCUFTA sẽ tác động đến KNXK sang thị trường LMHQ, góp phần tăng tỷ trọng của thị trường trong tổng KNXK chung. Hiện nay, thị trường LMHQ là một thị trường tiềm năng cho các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ta sau khi Hiệp định được ký kết. Với việc thu hút đầu tư, tăng đơn đặt hàng cùng với việc thuế nhập khẩu của LMHQ được xóa bỏ, cắt giảm, KNXK sang thị trường này trong các năm tới sẽ tăng trưởng mạnh, cụ thể như sau:                                                                                                       

Mặt hàng

Tổng KNXK  TG 2013

LMHQ

KNXK 2013

Tđộ TTBQ/năm  (năm 2011 đến 2013) )

KNXK dự kiến 2016

Dệt may

17.9

0.134

25%

0.314

Giảy dép

8.4

0.099

35%

0.270

Thủy sản

6.7

0.103

5.1%

0.148

Gạo

2.9

0.041

-1.33%

0.026

Chè

0.23

0.019

-10%

0.025

Cà phê

2.7

0.093

43.6%

0.287

Gỗ và sản phẩm gỗ

5.6

Chưa có số liệu

Đơn vị: tỷ USD

Ghi chú: Do không có số liệu thống kê chi tiết đối với 2 thị trường Belarus và Kazakhstan. KNXK trên được tính toán dựa trên số liệu thống kê đối với thị trường Liên bang Nga, thị trường lớn nhất trong LMHQ. KNXK 2016 của thị trường dự báo căn cứ trên tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm từ 2011 đến 2013, nhưng ở mức tăng trưởng cao hơn do được hưởng các lợi ích từ Hiệp định.

Thủy sản là mặt hàng được cắt giảm thuế về 0% ngay từ khi Hiệp định có hiệu lực nên điều kiện tiếp cận thị trường đối với mặt hàng này rất thuận lợi. Tuy nhiên, do ngành thủy sản của ta hiện nay cũng đã nhập khẩu tương đối nhiều nguyên liệu để chế biến nên nếu không đáp ứng được tỷ lệ hàm lượng xuất xứ thì có thể doanh nghiệp không vận dụng được ưu đãi về thuế.

Mặt hàng giầy thể thao (sport shoe), giầy thể dục (athletic shoe) là những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn của trong lĩnh vực da giầy, phía LMHQ cũng đã nhất trí dành thuế suất 0%, mở ra cơ hội lớn cho ngành giầy. Tuy nhiên, nếu phía Bạn vẫn yêu cầu các điều kiện về không được phép chia nhỏ lô hàng thì việc vận dụng ưu đãi thuế sẽ khó khăn vì các hãng giầy lớn thường đưa hàng đến các điểm trung chuyển lớn ở Châu Âu, từ đó mới phân phối sang thị trường các nước, trong đó có LMHQ.

Đối với hàng dệt may, hiện có khoảng 30% kim ngạch thuộc nhóm hàng được giảm thuế ngay, còn lại nằm ở nhóm áp dụng cơ chế phòng vệ đặc biệt và không giảm thuế. Trong cơ chế phòng vệ đặc biệt, mức khởi đầu để áp dụng thuế suất 0% được tính bằng 1,5 khối lượng xuất khẩu trung bình trong 3 năm gần đây, nếu Việt Nam xuất khẩu quá lượng này thì LMHQ sẽ tiến hành điều tra và quyết định xem có áp dụng thuế MFN hay không, nếu có thì thời gian áp dụng có thể kéo dài từ 6 đến 9 tháng. Do vậy, lợi ích ưu đãi đối với các mặt hàng này bị hạn chế một phần, mặt khác cơ chế phân bổ và giám sát chỉ tiêu cũng tạo thêm thủ tục hành chính cho cả cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp.

Đối với mặt hàng đồ gỗ, LMHQ sẽ áp dụng cơ chế phòng vệ đặc biệt với các nhóm đồ gỗ đang có thế mạnh của ta như đồ gỗ trong nhà bếp, phòng ngủ, phòng khách, văn phòng. Như vậy, doanh nghiệp ta vẫn có điều kiện thâm nhập thị trường LMHQ, nhưng mức tăng có thể không được mạnh do bị khống chế bởi cơ chế phòng vệ đặc biệt. Hiện không có số liệu thống kê cụ thể của Hải quan đối với mặt hàng đồ gỗ, do đó việc ước tính KNXK chưa thực hiện được.

Riêng đối với mặt hàng gạo, do áp dụng cơ chế hạn ngạch với lượng hạn ngạch thấp (10.000 tấn/năm), nên ưu đãi của Hiệp định mang lại không nhiều. Hơn nữa, nhu cầu của thị trường LMHQ thay đổi tùy theo sản lượng nội địa hàng năm, không ổn định theo quy luật. Do đó, KNXK đối với mặt hàng gạo được ước tính theo số KNXK bình quân qua các năm.

Đối với mặt hàng chè, KNXK vào Nga những năm qua giảm dần. Do đó, KNXK cũng được ước tính theo KNXK bình quân trong 3 năm qua, không ước theo chiều hướng giảm trung bình trong 3 năm từ 2011-2013.

2. Thu hút đầu tư trong và ngoài nước, phát triển sản xuất bền vững

Với mục tiêu khuyến khích thương mại nội khối, hạn chế sự hưởng lợi từ các nước thứ 3 ngoài khu vực đối với hiệp định thương mại tự do, một số mặt hàng đòi hỏi phải sử dụng một tỷ lệ nhất định nguyên phụ liệu sản xuất trong nước hoặc trong khu vực VCU FTA mới được hưởng thuế ưu đãi. Quy tắc xuất xứ như vậy sẽ khuyến khích các doanh nghiệp phải cân nhắc đẩy mạnh đầu tư vào ngành công nghiệp phụ trợ, sản xuất nguyên phụ liệu để sản xuất hàng xuất khẩu.

III. Nội dung chính của Hiệp định

Hiệp định có 16 Chương (15 Chương chính và Chương 8bis) và 187 Điều khoản. Các Chương chính bao gồm: Phần mở đầu, Các điều khoản chung, Thương mại hàng hóa, Phòng vệ thương mại, Quy tắc xuất xứ, Quản lý hải quan và tạo thuận lợi thương mại, Các rào cản kỹ thuật đối với thương mại (TBT), Các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS), Mua sắm Chính phủ, Sở hữu trí tuệ, Phát triển bền vững, Công nghệ điện tử trong thương mại, Giải quyết tranh chấp và Điều khoản cuối cùng. Riêng Chương Thương mại dịch vụ, đầu tư và di chuyển tự nhiên nhân được đàm phán song phương giữa Việt Nam và Liên bang Nga. Ngoài ra, Hiệp định còn có các Phụ lục liên quan đến các biểu cam kết mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và quy tắc xuất xứ cụ thể mặt hàng và số phụ lục khác.

1. Thương mại hàng hóa

a. Phần lời văn của Chương này gồm các Điều khoản về quy chế tối huệ quốc (MFN); đối xử quốc gia (NT); cắt giảm và xóa bỏ thuế quan; phí, lệ phí và các thủ tục liên quan đến xuất khẩu và nhập khẩu; trợ cấp; cấp phép nhập khẩu... Các điều khoản này phù hợp với các nguyên tắc của WTO và thông lệ quốc tế, không phát sinh nghĩa vụ pháp lý mới so với hiện trạng trong nước.

- Về cắt giảm và/hoặc xóa bỏ thuế quan:Ngoài việc thực hiện lộ trình cam kết thuế theo Hiệp định, hai Bên sẽ không tăng thuế hoặc đưa ra một loại thuế mới cao hơn mức cam kết trong lộ trình của mình tại Hiệp định này. Tuy nhiên, các Bên có thể đơn phương đẩy nhanh việc cắt giảm và/hoặc xóa bỏ thuế quan so với các cam kết trong lộ trình cam kết thuế của mình.

- Về cơ chế phòng vệ đối với mặt hàng dệt may và đồ gỗ: phía Liên minh đã cam kết áp dụng mở cửa ngay cho các mặt hàng này của Việt Nam, có áp dụng cơ chế ngưỡng (trigger). Theo đó, khi hàng nhập khẩu từ Việt Nam đạt đến một mức ngưỡng nhất định (được tính ở mức gấp 2 lần trung bình 2011-2013 kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này sang Liên minh), mà đến mức ngưỡng ngày phía Liên minh cho rằng có thể ảnh hưởng đến sản xuất nội địa của họ, Liên minh sẽ bắt đầu tiến hành điều tra thị trường nội địa. Mức trigger có mức tăng trưởng hàng năm khoảng 7%/năm. Nếu kết quả điều tra cho thấy thị trường nội địa bị ảnh hưởng đáng kể, phía Liên minh sau khi tham vấn với phía Việt Nam có thể tạm thời ngừng áp dụng thuế suất ưu đãi (0%) và áp dụng thuế suất Tối huệ quốc (MFN) cho hàng hóa này trong thời gian 6 tháng và có thể gia hạn thêm 3 tháng. Điều khoản về biện pháp phòng vệ này còn quy định rõ nghĩa vụ thông báo, tham vấn.

+ Về Ủy ban về Thương mại hàng hóa: Các Bên sẽ thành lập một Ủy ban về Thương mại Hàng hoá để rà soát và giám sát việc triển khai và thực hiện các cam kết mở cửa thị trường hàng hóa và các Chương liên quan đến thương mại hàng hóa của Hiệp định.

b. Về cam kết mở cửa thị trường hàng hóa

- Cam kết của Liên minh

Xét trên tổng thể, EAEU đã mở cửa thị trường ở các mức độ khác nhau đối với 87,4% tổng số dòng thuế và 90,5% tổng kim ngạch nhập khẩu trung bình (tính cả giày thể dục) từ Việt Nam trong 3 năm từ 2010 đến 2012. Trong đó, 84,7% tổng số dòng thuế được cam kết xoá bỏ thuế hoàn toàn theo lộ trình, tối đa trong 10 năm, 2,7% tổng số dòng thuế mở cửa một phần.

Đánh giá việc mở cửa thị trường của EAEU

+ Việc Việt Nam trở thành đối tác ký Hiệp định thương mại tự do đầu tiên với EAEU mở ra một cơ hội rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam. Với tỷ lệ gần 90% dòng thuế được cắt, giảm thuế quan nhập khẩu, trong đó 59,3% xoá bỏ ngay khi Hiệp định có hiệu lực, là lợi thế rất lớn cho Việt Nam trong việc cạnh tranh với các nước khác trên thế giới khi xuất khẩu vào EAEU.

+ Đối với mặt hàng thuỷ sản và thuỷ sản chế biến, Liên minh mở cửa có lộ trình đối với 95% tổng số dòng thuế, tối đa trong 10 năm, trong đó hơn 71% xoá bỏ thuế hoàn toàn ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực, tương đương 100% tổng kim ngạch xuất khẩu trung bình trong 3 năm từ 2010 đến 2012 của Việt Nam vào EAEU. 5% dòng thuế còn lại là các mặt hàng Việt Nam không có thế mạnh xuất khẩu. Trong thị trường của Liên minh, mặt hàng thủy sản được tiêu thụ chủ yếu ở Nga với mức tiêu thụ trung bình là 22 kg/người/năm. Dự báo, đến năm 2020 mỗi người Nga sẽ tiêu thụ sản phẩm này với mức tăng khoảng 10%, trong khi theo số liệu của Liên hiệp quốc, hiện nay trên thế giới trung bình mỗi người tiêu thụ 17 kg thủy sản/năm. Điều này giúp dự báo việc xuất khẩu mặt hàng thủy sản của Việt Nam sang Liên minh nhờ Hiệp định sẽ tăng mạnh mẽ.

+ Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực khác của Việt Nam cũng có cơ hội lớn tăng trưởng kim ngạch tại thị trường EAEU, như dệt may, da giày, đồ gỗ…. Khoảng 82% tổng số dòng thuế đối với mặt hàng dệt may với kim ngạch khoảng 159 triệu USD được cam kết cắt, giảm thuế nhập khẩu, trong đó 42% được xoá bỏ hoàn toàn theo lộ trình, tối đa trong 10 năm.

+ Đối với mặt hàng da giày, 77% tổng số dòng thuế được cam kết cắt, giảm thuế nhập khẩu, trong đó 73% xoá bỏ hoàn toàn theo lộ trình, tối đa 5 năm, tương đương hơn 99% tổng kim ngạch xuất khẩu trung bình trong 3 năm từ 2010 đến 2012 của Việt Nam vào thị trường EAEU. Mặt hàng giày thể thao được xoá bỏ thuế hoàn toàn ngay sau khi hiệp định có hiệu lực. Một số loại giày thể dục là thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam cũng được bạn cam kết xoá bỏ thuế ngay nếu đáp ứng việc mô tả hàng hoá trên giấy chứng nhận xuất xứ.

+ Đối với mặt hàng thuỷ sản và thuỷ sản chế biến, EAEU mở cửa có lộ trình đối với 95% tổng số dòng thuế, tối đa trong 10 năm, trong đó hơn 71% xoá bỏ thuế hoàn toàn ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực, tương đương 100% tổng kim ngạch xuất khẩu trung bình trong 3 năm từ 2010 đến 2012 của Việt Nam vào EAEU. 5% dòng thuế còn lại là các mặt hàng Việt Nam không có thế mạnh xuất khẩu.

+ Đối với mặt hàng đồ gỗ, EAEU cam kết cắt, giảm đối với 76% tổng số dòng thuế, trong đó 65% được xoá bỏ thuế hoàn toàn, tối đa trong 10 năm.

+ Nhóm Hạn ngạch (Quota) – áp dụng hạn ngạch: bao gồm 2 dòng thuế với kim ngạch 10,5 triệu USD, chiếm 0,02% tổng số dòng thuế và 0,6% tổng kim ngạch. Nhóm này áp dụng đối với mặt hàng gạo;  

+ Nhóm N – không mở cửa thị trường: bao gồm 1.453 dòng thuế với kim ngạch là 187,2 triệu USD, chiếm 12,8% tổng số dòng thuế và 10,5% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Trong nhóm N, EAEU hiện đang để 20 dòng thuế đối với mặt hàng giày dép (HS 640391 và 640399) với tổng kim ngạch nhập khẩu trung bình từ Việt Nam trong 3 năm 2010 - 2012 khoảng 110 triệu USD. Những dòng thuế này có lộ trình xóa bỏ thuế ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực nếu đáp ứng những yêu cầu về quy tắc xuất xứ được quy định trong Hiệp định. Như vậy, nếu tính số dòng thuế này vào nhóm A (khi đáp ứng điều kiện LMHQ đưa ra), tổng số dòng thuế thuộc nhóm A sẽ tăng lên thành 6.738 dòng, với kim ngạch tương đương 1.612 triệu USD, tương đương 59,3% số dòng thuế, và 90,5% tổng kim ngạch.

Cam kết của Việt Nam

Kết thúc đàm phán về thuế nhập khẩu giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu, về cơ bản, mức cắt giảm thuế quan của Việt Nam trong Hiệp định này không kém ưu đãi hơn mức cắt giảm mà Việt Nam đã cam kết trong các FTA đã ký. Theo đó, mức độ tự do hoá của Việt Nam đạt mức 87,7% tổng số dòng thuế, tương đương với 94,4% tổng KNNK của Việt Nam từ LMKTAA, trong đó, tỷ lệ xoá bỏ thuế quan ngay là 52,4%.

Về nguyên tắc, ngoài các mặt hàng nhạy cảm thuộc danh mục nhạy cảm cao trong các FTA đã ký, Việt Nam cam kết cắt giảm thuế nhập khẩu với lộ trình ngắn (từ 0-3 năm) đối với các sản phẩm trong nước có thế mạnh xuất khẩu và sản phẩm Việt Nam đã xóa bỏ thuế nhập khẩu cho các đối tác trong các FTA đã ký của Việt Nam; lộ trình trung bình (5 năm) đối với các sản phẩm trong nước đã sản xuất được nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu và là nguyên liệu đầu vào cho gia công, chế biến; và lộ trình dài (10 năm) đối với các sản phẩm nhạy cảm, lo sợ cạnh tranh từ phía đối tác.

Việt Nam đồng ý mở cửa thị trường với lộ trình khác nhau đối với các sản phẩm khác nhau. Cụ thể: Thịt, sữa: xoá bỏ thuế ngay đối với thịt bò và sữa, xoá bỏ thuế sau 5 năm với thịt gà, lợn và phụ phẩm. Thịt, cá chế biến: lộ trình 3 năm. Bột mỳ, hạt giống lúa mì: xoá bỏ thuế quan ngay. Thuốc lá: LMHQ được hưởng ưu đãi ngang bằng cam kết của Việt Nam trong Hiệp định ASEAN - Úc – Niu Di-lân. Rượu bia: lộ trình10 năm. Xăng dầu: xoá bỏ thuế quan vào năm 2027. Săm lốp: lộ trình 5 năm. A-mi-ăng: xoá bỏ thuế quan ngay. Sắt thép: xoá bỏ thuế quan ngay, sau 5 năm, 7 năm, 10 năm tuỳ từng nhóm mặt hàng trên cơ sở đề xuất của Hiệp hội Thép Việt Nam và theo cam kết của ta trong Hiệp định ASEAN-Trung Quốc. Máy móc thiết bị: động cơ: lộ trình 5-7 năm, máy móc thiết bị điện, máy dùng trong nông nghiệp: lộ trình 3 năm. Ô tô (xe tải, xe bus): lộ trình 10 năm.

Hiện nay Việt Nam nhập khẩu không nhiều từ LMHQ, chủ yếu tập trung vào một số loại thủy sản, phân bón, rượu bia, xăng dầu, sản phẩm cao su, sắt thép và máy móc thiết bị. Dự kiến, sau khi Hiệp định chính thức có hiệu lực, mặt hàng có tác động lớn đến sản xuất trong nước là sắt thép, mặt hàng tác động đến ngân sách là rượu bia, xăng dầu. Tuy nhiên trong bối cảnh đàm phán TPP và EU thì tác động này cũng không lớn so với tác động tham gia TPP và EU.

Về tổng thể, hai Bên sẽ dành cho nhau mức mở cửa thị trường hàng hóa chiếm khoảng 90% số dòng thuế, tương đương trên 90% kim ngạch thương mại song phương hiện tại.

Tin cùng chuyên mục