Biến động vô chừng

Đầu tháng 2 vừa qua, qua thông tin cho thấy hạn ngạch khai thác cá minh thái năm 2022 giảm hàng trăm ngàn tấn. Đồng thời thịt cá này đang có xu hướng chuyển qua làm chả, khiến thị trường cá thịt trắng phi lê rộng mở hơn cho cá tra Việt.

Chú thích ảnh

Tín hiệu này có hiệu ứng, sau Tết cá tra thương phẩm đã tăng giá mạnh. Việc tăng mạnh giá cá tra thương phẩm có nhiều nguyên nhân như tín hiệu từ nhu cầu các thị trường, từ mức cung cá thương phẩm trong nước có hạn chế vì ảnh hưởng từ việc hạn chế đi lại ở quý 3 năm trước nhằm hạn chế lây lan của Covid. Xu thế phấn khởi cho người nuôi cá đang cao trào thì xung đột Đông Âu diễn ra. Nga bị EU và Hoa Kỳ cấm vận, nâng thuế nhiều mặt hàng có nguồn gốc từ Nga, trong đó Nga chiếm thị phần khá lớn, khoảng 20% cá thịt trắng (có tuyết, cá minh thái) ở EU. Tình huống này kéo dài là cơ hội cho cá tra bơi mạnh trở lại vào EU và giá cả sẽ hứa hẹn ở một đỉnh cao mới. Dĩ nhiên các doanh nghiệp (DN) cá tra sẽ có ngay sách lược kinh doanh con cá cho mình theo hoàn cảnh riêng của từng DN.

Cũng từ đầu năm, tuy Covid-19 có biến thể mới và chưa lường hết những phát tác sau đó nhưng cái nhìn chung là thế giới tự tin và không còn ngán ngại con virus này như trước đây. Hãng hàng không mở cửa, đi liền du lịch phục hồi. Các nước liên thông hộ chiếu vaccine khiến đi lại dễ dàng hơn, khiến việc phục hồi mảng dịch vụ thuận lợi hơn. Ngành tôm Việt phấn khởi vì khách hàng từ mảng dịch vụ các thị trường tiêu thụ lớn đã đánh tiếng yêu cầu chào hàng. Nuôi tôm trong nước náo nức hơn với các quy trình nuôi mới đầy tham vọng. Ngay quý 1 đầu năm lượng tôm chế biến và xuất khẩu đã tăng khá mạnh là minh chứng sinh động cho khí thế ngành tôm ta bước vào năm mới này. Các tổ chức đã nêu ra con số tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu tôm 10% năm nay là trong tầm tay. Rõ ràng có căn cứ.

Bản tin VASEP tuần ra ngày 8/4/2022 cho thấy thông tin hết sức quý giá. Đó là EU và Anh có thể hoãn cấm vận và hoãn đánh thuế lên cá phi lê thị trắng có xuất xứ từ Nga. Nếu mức thuế 35% được áp dụng, chắc chắn cá tra ta sẽ có lợi thế rất lớn khi cung vào thị trường này. Không biết việc đình hoãn áp thuế sẽ kéo dài bao lâu nhưng trước mắt khiến một tín hiệu sáng, một tin vui, một cơ hội kinh doanh mà DN cá ta chưa kịp nắm bắt đã không còn. Dĩ nhiên cơ hội sẽ còn ở một tỉ lệ nào đó. Thí dụ xung đột Đông Âu kéo dài thì việc áp đặt thuế chẳng sớm thì muộn mà thôi. Mà chắc chúng ta cũng không vui vẻ gì giả sử khi được hưởng lợi từ cuộc chiến khá khốc liệt. Bởi cá tra chúng ta vẫn còn ưu thế từ tình hình nêu ở đầu bài. Và hơn nữa, trong đợt xem xét hành chính lần thứ 17, lần gần đây nhất vụ kiện chống bán phá giá cá tra vào Hoa Kỳ, có thêm DN có mức thuế chống bán phá giá bằng 0%, nghĩa là cá tra ta thêm cơ hội thâm nhập vào thị trường lớn nhất này. Tổng quan là cá tra sẽ rộng đường bơi năm 2022 này.

Cũng trong tuần trên, có bản tin phân tích tình hình tôm và các tình huống có thể xảy ra. Chính sách ‘Zero Covid’ của Trung Quốc gây lợi – hại cho bản thân đất nước này ra sao, không phân tích. Chỉ nêu ra ở đây các tình huống bất lợi cho ngành tôm thế giới nói chung, tôm ta nói riêng. ‘Zero Covid’ có thể gây thiếu nhân lực cục bộ ở các cảng Trung Quốc như đã từng xảy ra hai năm qua. Hệ lụy là lịch tàu bị co giãn, hệ lụy là gây ùn ứ container rỗng và gây thiếu cục bộ như từng xảy ra, hệ lụy là các hãng tàu sẽ có cớ tiếp tục tăng cao giá cước. ‘Zero Covid’ sẽ khiến còn nhiều lô hàng nhập vào Trung Quốc có dính Covid và nhiều nhà xuất khẩu vào Trung Quốc sẽ bị cấm cửa ngắn hạn như nhiều hãng tôm Ecuador đã từng bị các năm qua. Tình huống này sẽ tới khi tôm Euador vào vụ và ồ ạt xuất vào Trung Quốc. Nếu “cấm cửa” xảy ra, Ecuador chắc chắn sẽ chuyển hướng đưa tôm của mình tiêu thụ ở các thị trường lớn khác như Hoa Kỳ, EU.

Ecuador đang nâng cao trình độ chế biến tôm của họ, tập trung là tôm tươi lột vỏ đông rời từng con. Hai thị trường lớn nói trên có khả năng lớn dung nạp tôm theo hình thức chế biến này, nhất là tôm Ecuador giá khá rẻ so tôm ta. Chắc chắn lúc đó tôm ta sẽ vất vả cạnh tranh và bán giá giảm là điều sẽ xảy ra. Con đường khắc chế tình huống này là DN tôm ta chế biến những mặt hàng sâu hơn, ít đối thủ cạnh tranh, nhưng không phải DN tôm nào cũng đủ khả năng ứng phó khi tình huống bất lợi này xảy ra.

Yếu tố THUẬN và KHÔNG THUẬN trong kinh doanh đan xen nhau và diễn biến vô chừng. Nếu thu thập thông tin không đủ, không kịp thời sẽ khiến quyết sách kinh doanh các DN không đạt kết quả cao, thậm chí còn thua thiệt. Nhưng các vấn đề KHÔNG THUẬN nêu ra có cái còn khả năng thay đổi, có cái chỉ là suy đoán. Tất cả còn ở phía trước. Bài viết nêu ra nhằm để chúng ta quan tâm nhiều hơn nữa tới tất cả thông tin liên quan ngành nghề đang theo đuổi nhằm tranh thủ được cơ hội kinh doanh, nâng cao hiệu quả hoạt động của mình.

TS. Hồ Quốc Lực - Nguyên Chủ tịch VASEP, Chủ tịch HĐQT FIMEX VN    

Bình luận bài viết

Cùng chuyên gia