Chào năm mới – Niềm tin mới

Con trâu sắp được nghỉ ngơi, an dưỡng sức khỏe cho chu kỳ gánh vác tới. Con cọp được ra trận. Trong các con giáp, cọp là mạnh mẽ hàng đầu. Các năm cọp “trấn giữ” đã qua, ngành thủy sản đều có bức tốc đáng kể. Như con cọp 1998, ngành tôm đã “tranh thủ” được làn sóng khách hàng Nhật Bản bỏ Indonesia loạn lạc tìm nơi mua bán ổn định hơn. Con cọp 2010, ngành tôm vươn mình, rũ bỏ khó khăn từ khủng hoảng kinh tế thế giới trước đó.

Chú thích ảnh

Năm 2021, đứng trước bao thách thức, chủ yếu từ COVID-19 gây ra trực tiếp hay gián tiếp. Căn bản là gây gián đoạn nhất thời, gây đứt gãy cục bộ chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng. Hậu quả tồn đọng đáng kể còn kéo dài đến nay là tình trạng phí thuê container rỗng giao hàng các thị trường xa còn cao ngất ngưởng. Đáng ngại hơn nữa, tình trạng này lại lặp lại ở các thị trường gần đây. Tuy nhiên, dù khó khăn đầy mới mẻ và nhất là biến đổi liên tục, khiến một số doanh nghiệp (DN) thủy sản đã rơi vào tình trạng thụ động và tạm đóng cửa một thời gian, nhưng căn bản toàn ngành vẫn duy trì được trận địa. Điều này minh chứng qua các con số, ngành thủy sản đã hoàn thành vượt mức kế hoạch năm, trong đó ngành tôm cũng đạt kết quả tương tự. Sản lượng tôm nuôi, kim ngạch xuất khẩu tôm năm 2021 đều tăng so năm 2020, tuy chỉ một con số. Kết quả này nói lên tính năng động của toàn bộ mắt xích chuỗi giá trị con tôm. Và thực ra, để có kết quả này, hàng chục vạn hộ nuôi tôm, hàng chục vạn công nhân chế biến đã vất vả lao động trong hoàn cảnh eo hẹp, trong sự lo lắng luôn thường trực trong đầu, bởi rủi ro dịch bệnh, rủi ro thiếu vật tư nuôi tôm… có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. Nói cho tận nguồn, không ít mái đầu đã thêm điểm trắng, không ít gương mặt thêm đậm nét phong sương…

Năm 2022, có những thông tin đáng lưu ý. Nếu tình hình dịch bệnh giảm thiểu, nhu cầu từ mảng dịch vụ sẽ hồi phục, sức cầu sẽ tăng tốt. Thời tiết tuy có lạnh hơn một chút, nhưng sẽ không tác động đáng kể để người nuôi tôm mạnh dạn thả nuôi, tranh thủ giá tôm thương phẩm đang còn tốt. Người lao động qua thời gian dài va chạm dịch bệnh đã có sự chuyển đổi trong suy nghĩ tích cực hơn, chỉ có con đường chấp hành kỷ luật, chấp hành quy định sản xuất mới bảo đảm an toàn hơn về sức khỏe và có thể tăng thêm thu nhập. Mặt khác, một số lao động, trước đây xa xứ mưu sinh, nay có ý nghĩ tìm việc gần nhà cho giản tiện. Các yếu tố này là động lực để các DN chế biến mở rộng quy mô sản xuất của mình.

Như vậy năm 2022 không ít cơ hội đáng kể để ngành tăng tốc. Cũng nói cho trọn, ngoài các yếu tố tích cực, một thách thức không nhỏ là các cường quốc tôm, đối thủ, như Ecuador, Ấn Độ, Indonesia đều thoát ra khỏi đại dịch, đều có kế hoạch phục hồi và chinh phục thị trường. Đáng kể Ecuador, Ấn Độ có thế mạnh là tôm giá rẻ. Indonesia có thế mạnh là tôm không bị thuế ở Hoa Kỳ, không bị kiểm tra nhập khẩu gay gắt như tôm Việt ở Nhật Bản.

Trước thềm Xuân, ôn cố tri tân, và cơ bản hơn là biết người biết ta, chúng ta có quyền tin tưởng ngành tôm Việt luôn biết tranh thủ cơ hội, biết phát huy tính năng động truyền thống của mình, biết phát huy thế mạnh tôm Việt ở từng thị trường, biết né các thế mạnh các đối thủ để năm 2022 sẽ là năm tăng tốc mạnh mẽ hơn, tạo một tiếng vang lớn, như tiếng gầm của chúa sơn lâm, tạo nền tảng vững vàng đưa ngành tôm Việt lên tầm cao thế giới, đạt thứ hạng đầu trong tương lai gần.

TS. Hồ Quốc Lực - Nguyên Chủ tịch VASEP, Chủ tịch HĐQT FIMEX VN

Để biết thêm thông tin về sản xuất và xuất khẩu tôm Việt Nam theo chuỗi 5 năm (2016-2021), tác động của Covid tới ngành, xu hướng của các thị trường thế giới, xin mời Quý độc giả tham khảo Báo cáo ngành hàng tôm, 2016-2021, dự báo tới năm 2025. 

Bình luận bài viết

Cùng chuyên gia