Kiến đang ăn cá!

Các doanh nghiệp làm hàng xuất khẩu, nhất là hàng đông lạnh, hơn năm qua lao đao vì giá cước thuê container rỗng cứ lên giá, tới mức độ có người ca thán là vô tội vạ! Ban đầu các tuyến xa như đi Bắc Mỹ, EU tăng nhanh. Giữa năm 2021 tình hình “làm ăn khấm khá” này lan qua các tuyến gần hơn như Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc; khiến biết bao doanh nghiệp nhà chỉ còn biết than trời khấn đất vì không ai có thể cứu vãn tình hình khó khăn, phức tạp này.

Chú thích ảnh

Đầu năm, có bản tin một hãng tàu biển Đan Mạch lãi năm 2021 khủng, khoảng 15 tỷ USD. Trên sàn chứng khoán Việt cũng ồn ào vì cổ phiếu các doanh nghiệp vận tải biển của ta cũng tăng trưởng mạnh, gốc nhờ lợi nhuận cao. Lợi nhuận cao, chắc chắn yếu tố cơ bản không phải tổ chức điều hành tốt hơn, căn bản do giá cước “tát nước theo mưa”. Doanh nghiệp (DN) chế biến thủy sản ta năm 2021 đầy thiệt thòi vì Mỹ với EU + Anh là hai thị trường thủy sản hàng đầu của mình, toàn thị trường xa với giá cước tăng 4 - 6 lần so bình thường. Với chỉ chi phí giá cước tàu tăng đã nuốt hết lợi nhuận lô hàng và thậm chí gây lỗ lã với lô hàng giá trị không cao hoặc biên lợi nhuận không tốt.

Bên cạnh đó các chi phí khác trong năm 2021 cũng không nhỏ như chi phí phòng chống dịch bệnh, chi phí tăng do năng suất giảm vì giãn cách trong sản xuất, chi phí vật tư có gốc nhập khẩu tăng 10-30% cũng vì cước tàu tăng! Các doanh nhân thủy sản trông chờ phép màu năm 2022 như tình hình Covid-19 giảm sẽ khiến trật tự cũ từng bước vãn hồi, nhưng sự trông mong này không thành khi cuối năm 2021 đến nay, biến thể Covid-19 mới bùng phát và chính sách ứng phó dịch bệnh “Zero Covid” của Trung Quốc khiến hệ thống logistics toàn cầu thêm phiên rối loạn, khiến cước các tuyến tàu gần thêm phen nhảy dựng, đồng thời tình hình này góp phần gây thiếu hụt cục bộ hàng hóa ở các thị trường nhập khẩu và gián tiếp góp phần làm tình hình lạm phát thêm năng lượng bùng phát.

Các DN thủy sản ta bước vào năm 2022 với niềm vui không nhỏ vì bước vào giai đoạn hồi phục sau khủng hoảng vì đại dịch. Tuy nhiên, niềm vui này không trọn vì tình hình trên. Ngay đầu năm, các đại lý tàu biển cho biết giá cước tàu hoàn toàn không có cải thiện mà còn tiếp tục tăng thêm. Đâu dừng lại ở đó, khi ngành trên tiến trình phục hồi và thúc đẩy chuỗi giá trị con tôm, con cá thì vật tư đầu vào đều đồng loạt “đoàn kết bắt tay” tăng giá. Tôi có thăm hỏi một doanh nhân cá và tổng hợp cho thấy tôm cá giống đều tăng, tôm giống tăng 5-7% trong khi cá giống tăng mạnh hơn, 25-30%; thức ăn cá tăng nhẹ nhưng thức ăn tôm tăng trên 5%. Đáng ngại hơn là một số hóa chất tăng tới 20-30%. Cái nhìn chung, tất cả đầu vào và thậm chí chi phí lao động để hình thành sản phẩm cá, tôm đều tăng. Chi phí tăng ở từng mắt xích chuỗi giá trị con tôm, con cá sẽ dẫn đến chi phí sản phẩm cuối cùng ở DN chế biến sẽ tăng không nhỏ.

Giá thành tăng, cước tàu tăng, phải bán với giá cao hơn mới sống còn. Chắc chắn giá bán phải cao, nhưng chưa chắc tất cả chi phí tăng nêu trên người tiêu dùng chấp nhận hết. Một bộ phận có thu nhập thấp hơn chắc chắn phải chuyển qua mua sắm những thực phẩm thay thế hoặc từ nguồn hàng nước khác có giá cả thấp hơn, phù hợp hoàn cảnh túi tiền của mình. Chính phủ ta coi trọng giữ ổn định tỉ giá hối đoái. Thiết nghĩ, chuyện gì cũng có hai mặt. Tình hình biến động tỉ giá hối đoái thấp có những mặt lợi nên Chính phủ mới duy trì, nhưng rõ ràng sẽ gây ra tình trạng giá cả hàng xuất khẩu của chúng ta khó cạnh tranh các nước khác, dẫn đến việc mất khách hàng, thị trường là khả năng hiển nhiên. Thiết nghĩ, VASEP theo dõi tình hình này, nên có văn bản trình bày tình hình lên Bộ ngành liên quan để được xem xét hỗ trợ bằng chính sách kịp thời.

Kiến đang ăn cá! DN như con cá nằm chờ kiến tới xơi mình, và thụ động chịu đựng. Tất cả mọi sự tăng giá ở các mắt xích chuỗi giá trị con tôm, con cá đều đổ lỗi do Covid-19 gây nên, căn bản ở giá cước tàu. Hóa chất nhập khẩu, thức ăn tôm cá có nguyên liệu gốc nhập khẩu nên tăng giá, nhưng con tôm cá giống mình từng bước chủ động rồi mà. Chỗ này cũng có lý do chính đáng, do quan hệ cung cầu mà ra! Mấy ngày qua xăng dầu cũng tăng giá, thôi trăm dâu đổ đầu tằm, chắc chi phí cước tàu lại tăng thêm thôi! Lạm phát toàn cầu đang đến gần chúng ta rồi, đang diễn tiến rồi. Mọi toan tình trong kinh doanh phải kỹ lưỡng, cận thận hơn ngay bây giờ!

TS. Hồ Quốc Lực - Nguyên Chủ tịch VASEP, Chủ tịch HĐQT FIMEX VN

Bình luận bài viết

Cùng chuyên gia