Ngày số đẹp - Ngày đẹp?

Hôm nay, một ngày có số đẹp, 22/02/2022, tính ra thêm 200 năm nữa mới có số đẹp tương tự 22/2/2222! Ngày có số đẹp nhưng có phải ngày đẹp còn tùy hoàn cảnh, tình hình.

Trưa nay, nội thị Sóc Trăng mưa trái mùa khá lớn. Tuy diễn ra thời gian ngắn nhưng cũng đủ nước rửa sạch các mái nhà, làm xanh cây lá, làm sạch bụi con lộ và làm thư thả lòng người vì nhiệt độ của miền Tây có giảm xuống. Hôm nay, trại tôm hãng tôi thả dứt điểm các ao cuối cùng. Đợt thả này khá tập trung, gần 330 ao nuôi chỉ 16 ngày là hoàn tất, khá chủ động và trong sự kiểm soát tốt. Ngày có số đẹp, với tôi có sự kiện đáng ghi nhận, coi như gặp ngày đẹp, cho hên!

Kiểm soát, giám sát chất lượng nước bảo đảm sức khỏe tôm nuôi.

Năm nay được dự báo có hạn và xâm nhập mặn, nhưng chỉ mức trung bình. Chuyện này đang diễn ra. Năm nay cũng được dự báo mưa sớm. Mưa sớm, cái nóng sẽ giảm, nhiệt độ sớm giảm về mức trung bình, sẽ là một yếu tố con tôm nuôi phát triển thuận lợi hơn. Như vậy, mưa sớm sẽ “khuyến khích” các chủ ao nuôi một vụ sẽ thả giống sớm hơn. Hiện nay giá tôm thương phẩm đang ở mức khá cao, kết hợp tình hình này, khả năng sản lượng tôm nuôi sẽ có tăng trưởng tốt. Thời tiết ổn định kéo dài, tỉ lệ tăng trưởng tôm nuôi hai con số là điều không khó xảy ra. “Tam hùng” tranh bá giữa Ecuador, Ấn Độ và Việt Nam thêm quyết liệt giữ lấy thứ hạng hàng đầu thế giới. Nêu tình huống này để biết tôm nước mình đang ở đâu mà thôi, hạng mấy không quan trọng bằng chuỗi giá trị con tôm phát triển có hiệu quả ở từng mắc xích và phát triển bền vững. Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã có tuyên ngôn định hướng mà, chúng ta làm kinh tế nông nghiệp chớ không đơn thuần sản xuất nông nghiệp!

Thực tế so cùng kỳ năm rồi, các doanh nghiệp (DN) chế biến tôm có lượng tôm nguyên liệu cho chế biến hàng ngày khá hơn, nhiều hơn. Không phải do một số DN đóng cửa, tôm nguyên liệu dồn về các DN còn lại; do thả nuôi sớm trong năm và đang khởi đầu thu hoạch. Thả sớm có Trà Vinh và huyện Cù Lao Dung thuộc Sóc Trăng và sát Trà Vinh. Cũng có thông tin các vùng nuôi quảng canh cũng thả giống sớm, tranh thủ giá tôm còn tốt. Tuy nhiên, tôm thu đầu mùa cỡ con mức trung bình là phổ biến. Nguyên nhân do thu tỉa hoặc có số ao thu ngoài dự kiến. Tổng quan là ao bị thiệt hại giảm thấp so các năm trước. Đây là một thông tin khá hay và quý giá để các DN liệu tính phương án kinh doanh cho mình.

Bây giờ trong lĩnh vực nuôi tôm không còn nói chuyện rủi may nữa, các chủ ao đã từng biết biết tính toán hữu hiệu hơn trong việc kiểm soát môi trường nuôi, giảm thiểu rủi ro. Song song cũng biết tính toán bài toán “kinh tế nuôi tôm”, nuôi quy trình nào, thả giống lúc nào, thu lúc nào, cỡ bao nhiêu con để có lợi nhuận tốt hơn. Tuy nhiên, chuyện này chỉ xảy ra phổ biến ở chủ ao có vốn kha khá, có khả năng đầu tư, cải tạo hệ thống nuôi theo bài bản… Còn các hộ nuôi eo hẹp vẫn phải bám “đất” đang có, thả nuôi ao đất theo quy trình phổ biến. Ao đất nuôi nhiều vụ, tích tụ đáy ao nhiều dư lượng không tốt, gây hạn chế quá trình phát triển tôm nuôi các vụ sau đó. Hệ lụy, dẫn tới tôm yếu, dễ mắc bệnh, nên thường thu hoạch không mong muốn, khiến hiệu quả nuôi không cao. Quy trình nuôi “ăn chắc” phổ biến hiện nay là ao nuôi có phủ bạt, diện tích ao khoảng 1-3.000m2, nuôi nhiều giai đoạn hoặc

thu tỉa. Tùy vụ, sẽ có ao ươm hoặc không nhằm hạn chế rủi ro và rút ngắn thời gian sinh trưởng trong ao nuôi thương phẩm. Dĩ nhiên điều kiện cần là vùng nuôi phải có điện để cung ứng oxy cho ao nuôi và cung ứng thức ăn cho tôm. Cho nên, hiện có nhiều địa phương xây dựng nhiều phương án kéo điện về những khu có điều kiện nuôi thâm canh như có nguồn nước, có lộ giao thông… Cà Mau nổi tiếng nuôi quảng canh, nhưng hiện nay số ao nuôi theo quy trình nêu trên đang tăng trưởng mạnh nhất. Thấy cơ hội kinh doanh lớn, C.P đã xây dựng xong nhà máy cung ứng thức ăn tại đây. Còn con giống, C.P có trại hai tỉnh bạn là Kiên Giang, Bạc Liêu. Các DN chế biến tôm Cà Mau sẽ dồi dào nguyên liệu hơn thời gian tới. Còn Sóc Trăng đi đầu cả nước về diện tích ao nuôi tôm thâm canh những năm qua. Những năm gần đây, Sóc Trăng có nhiều mô hình nuôi tốt và năng suất nuôi trung bình ở Sóc Trăng tăng nhanh. Minh chứng, năm 2021 Sóc Trăng có sản lượng tôm hạng đầu cả nước, dù diện tích nuôi không đáng kể. Các trại nuôi khá nổi tiếng là Sao Ta, Cleanfood, Khánh Sủng… Tình hình này khiến khu vực Sóc Trăng ngày càng có nhiều nhà máy chế biến tôm lớn, khiến Sóc Trăng trở thành một trọng điểm tôm trong vùng.

Chú thích ảnh

Trại tôm Tân Nam vào mùa thu hoạch.

Nét chấm phá cơ bản con tôm năm nay: thả nuôi sớm, ao thiệt hại ít, tôm phát triển tốt… Đây đủ là nền tảng để các DN chế biến tôm “lo” tiếp phần sau: thu mua, chế biến, tiêu thụ… Nhưng đó cũng là thông tin “vàng” để các mắc xích trong chuỗi giá trị con tôm liệu đường tính toán. Tôi nhớ trong quá khứ có năm có tình huống oái ăm! Dự báo thời tiết thuận, nuôi tôm sẽ tăng mạnh. Vào đầu vụ nghe thông tin “buồn”, tôm giống, thức ăn lên giá, dĩ nhiên đây chỉ là chuyện đến hẹn lại lên mà thôi. Người nuôi phân vân thì các DN chế biến tôm đồng loạt giảm gía mua khá mạnh ngay khi con tôm chưa thả giống. Nguyên do, hai nước nuôi thuộc Nam bán cầu vào vụ thu hoạch sớm, tôm trúng nhằm lúc thị trường tiêu thụ quốc tế thấp điểm nên ế ẩm, bán rẻ. Thấy nhiều bất lợi, nhiều chủ ao đã chuẩn bị ao nhưng không thả giống. Hệ lụy, trên các vùng nuôi tôm tập trung có các pano quảng bá thấy thương “Tôm giống hàng đầu hỗ trợ người nuôi, mua một tặng một!”. Tôi không có ý bài bác bất kỳ DN nào, chỉ mong các mắc xích trong chuỗi giá trị con tôm vì sự phát triển bền vững của ngành, đừng bắt chẹt nhau nặng nề, giành lợi ích không thỏa đáng mà thôi.

Hôm nay, ngày số đẹp, nên nói chuyện vui vẻ thì hay hơn. Mọi năm, qua Tết là quảng thời gian nóng cao điểm của miền Tây, ít ra cho tới Thanh minh, nhằm đầu tháng 4 và sau đó sẽ vào mùa mưa. Năm nay theo dự báo, có khác. Viết chưa xong bài này, trời lại đổ mưa. Lần này lớn hơn, dài hơn. Mưa ngọt như một cơn mưa trong mùa! Hy vọng cơn mưa này như là báo hiệu bao khó khăn trong ngành sẽ trôi theo dòng nước và màu tươi sáng sau cơn mưa cũng là báo hiệu khởi đầu mới, vươn tầm ngành tôm ngay sau đại dịch.

TS. Hồ Quốc Lực - Nguyên Chủ tịch VASEP, Chủ tịch HĐQT FIMEX VN

Để có thêm thông tin về sản xuất, xuất khẩu tôm 5 năm (2016-2021), xin mời quý độc giả tham khảo Báo cáo ngành hàng tôm 2016 - 2021, dự báo tới 2025

Bình luận bài viết

Cùng chuyên gia