Vietfish - Đến hẹn lại lên

Mấy năm do tác động Covid-19 khiến nhiều hoạt động trong xã hội bị đảo lộn. Vietfish, ngày hội ngành chế biến thủy sản, cũng bị đình hoãn. Cũng may, dịch bệnh đang giai đoạn trầm lắng. Ngày 24-26/8 tới đây Vietfish trở lại, cơ hội để mọi người có dịp gặp gỡ, trao đổi thông tin, trao đổi kinh nghiệm, bàn phương hướng hợp tác… Chắc chắc các bên đối tác đều có niềm vui dù ít dù nhiều.

Chú thích ảnh

Vietfish cho thấy lực lượng các doanh nghiệp (DN) chế biến thủy sản hết sức to lớn và phong phú. Những cánh chim đầu đàn luôn nổi bật, trên thương trường và trong không gian Vietfish. Vietfish là cơ hội cho nhiều DN nhỏ hơn tìm thêm khách hàng, nắm thông thông tin ngành nghề, kết nối thêm đồng nghiệp. Vietfish cũng là cơ hội các DN phụ trợ quảng bá những sản phẩm phục vụ chế biến. Vietfish cũng là cơ hội nhiều DN nhỏ từ một số nước đến tìm đối tác. Vietfish cũng là cơ hội nhiều DN tôm ở một số nước đến chào hàng các DN tôm chúng ta. Vietfish sẽ mang lại nhiều lợi ích, nếu chúng ta có ý thức và suy nghĩ rộng hơn, sâu xa hơn.

Trong thời buổi cuộc CMCN4.0 và chuyển đổi số như là một “mệnh lệnh” để các DN thủy sản vươn lên, đổi mới mình, nâng tầm mình trên thương trường quốc tế thì tôi hết sức quan tâm mảng triển lãm của các DN phụ trợ. Chính mảng DN này cũng phải hết sức nhanh chóng cập nhật các thành tựu từ cuộc CMCN4.0 ứng dụng vào tiến trình chuyển đổi số. Tuy nhiên, mảng chế biến thủy sản đông lạnh có tính chất đặc thù và quy mô tiêu thụ sản phẩm công nghệ mới chưa lớn, nên chưa thật sự thu hút các nhà nghiên cứu “phục vụ” kịp thời hơn cho hoạt động của ngành mình.

Do vậy, việc chuyển đổi số trong ngành chế biến thủy sản đông lạnh tuy chưa nhanh được, nhưng công đoạn nào có thể thì thực thi. Trong bối cảnh này, chấp nhận đi theo trình tự. Khâu nào trong dây chuyền chế biến có thể cơ giới hóa, tự động hóa thì tích cực ứng dụng. Việc này giúp giảm lệ thuộc lao động, nâng cao năng suất lao động và giảm thiểu rủi ro trong việc kiểm soát chất lượng sản phẩm.

So khoảng 5 năm về trước, ngành chế biến đã có nhiều tiến bộ đáng kể, tôi có chút nắm bắt trong lĩnh vực chế biến tôm, nên có nhận định như vậy. Tôm duỗi, tôm tẩm bột làm bằng máy; phân cỡ bằng máy; cân thành phẩm và dán bịch toàn bộ tự động… Có thể mới nhất là cân thành phẩm tự động với sản phẩm là 5-7 thứ thành phần khác nhau chung vào một bịch sản phẩm. Thành tựu sau luôn cải tiến hơn cái đã có. Quá trình tự động hóa các khâu trong quy trình chế biến sẽ tiến lên bước chuyển số là trong tầm tay các nhà nghiên cứu. Vấn đề là tính thương mại của công trình có thỏa đáng hay không.

Ngành chế biến thủy sản Trung Quốc có hàng ngàn nhà máy từ trung bình tới lớn chế biến thủy sản đông lạnh, chủ yếu phục vụ thị trường nội địa bao la của họ. Một phần xuất khẩu nhưng tỉ lệ không cao. Họ có nhu cầu và chính họ có khả năng tự cung ứng. Thiết nghĩ nếu chúng ta có suy nghĩ như vậy, tích cực tìm hiểu các nhà máy cung ứng thiết bị chế biến Trung Quốc, chúng ta sẽ có cái mình cần, phù hợp, với giá cả phải chăng. Chất lượng sản phẩm thiết bị của họ cũng có nhiều cải tiến, tốt hơn hẳn so chục năm trước. Tôi nêu ra việc này, không phải là quảng cáo cho hàng Trung Quốc, mà nêu ra một thông tin để các DN chế biến ta thêm cơ hội tìm hiểu, cơ hội để nâng cấp hoạt động trong nhà máy chế biến của mình.

Khen người, tôi cũng không quên khen mình. Chúng ta có nhiều DN chuyên cung ứng thiết bị cấp đông khá tiếng tăm, đã từng xuất khẩu số lượng rất lớn. Có những DN đã cung ứng các thiết bị tôi nêu trên (duỗi tôm, phân cỡ tôm, phân cỡ tôm…) góp phần không nhỏ giúp các DN giải phóng sức lao động khá tốt. Cũng rất mong các DN này tiếp tục nghiên cứu, để tạo ra thêm nhiều thiết bị mới, hữu ích, hỗ trợ tiến trình nâng tầm ngành chế biến thủy sản cao hơn nữa. Thách thức và là đề tài nóng bỏng trước mắt là thiết bị lột (sạch) tôm năng suất khá, hao hụt ít và máy phân cỡ tự động có năng suất tốt hơn…

Tôi, do có hoàn cảnh kinh doanh riêng, chỗ tôi không có tên trong danh sách các doanh nghiệp tham gia Vietfish, nhưng cá nhân tôi có tâm trạng háo hức chờ đợi ngày khai mạc. Hôm đó sẽ gặp gỡ biết bao đồng nghiệp; ba năm không có dịp gặp nhau, bao chất chứa khiến câu chuyện sẽ dài ra, buổi hàn huyên chắc chắn sẽ rất sôi nổi, đầy thông tin hữu ích và tràn đầy niềm vui; và kết thúc ở một quán ăn trưa gần đó. Mong rằng sẽ có nhiều đồng nghiệp đồng cảm.

TS. Hồ Quốc Lực - Nguyên Chủ tịch VASEP, Chủ tịch HĐQT FIMEX VN

Bình luận bài viết

Cùng chuyên gia