Bảo quản cá ngừ đại dương bằng công nghệ nano UFB: Ðơn giản mà hiệu quả

Với sự hỗ trợ của Viện Nghiên cứu Hải sản (Bộ NN&PTNT), sau gần 2 năm lắp đặt, hệ thống sử dụng công nghệ bảo quản Nano UFB (Ultra Fine Bubble) đã giúp nhiều ngư dân ở xã Tam Quan Bắc (huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) nâng cao chất lượng sản phẩm cá ngừ đại dương.

Cuối năm 2017, Viện Nghiên cứu Hải sản lắp đặt thử nghiệm thiết bị nano UFB để bảo quản cá ngừ đại dương (CNĐD) trên 2 tàu của ngư dân xã Tam Quan Bắc. Công nghệ Nano UFB là công nghệ bảo quản hiện đại giúp ngư dân có thể giữ tươi con cá sau đánh bắt tốt hơn các cách làm cũ. Qua 2 chuyến biển, kết quả cho thấy, với chuyến biển kéo dài 25 ngày, lượng sản phẩm đạt loại A và B+ chiếm tới hơn 70%; với chuyến biển 10 ngày thì tỷ lệ sản phẩm loại A vọt lên tới 100%. Trong khi đó, CNĐD được bảo quản theo cách làm cũ chỉ đạt chất lượng loại B và C.

Nano UFB (Ultra Fine Bubble) là công nghệ tạo bóng khí siêu nhỏ có đường kính nanomet. Khi thiết bị hoạt động sẽ cấp khí nitơ vào máy tạo bong bóng siêu nhỏ, được hòa trộn ở bên trong thiết bị nhờ các cơ cấu ống nano, tạo thành dung dịch chứa bong bóng khí nitơ kích cỡ nanomet, mang điện tích âm có tác dụng hút các chất hữu cơ khác mang điện tích dương làm sạch nước rất hiệu quả. Các bong bóng nano nitơ sẽ khử oxy hòa tan trong nước, làm giảm hoạt động và phát triển của vi khuẩn hiếu khí, do đó loại bỏ quá trình oxy hóa từ bề mặt ngoài vào đến tận bên trong cơ thể cá, giúp cá được bảo quản tốt, ngăn chặn được tình trạng thịt cá bị ôi, biến chất.

Năm 2019, Viện Nghiên cứu Hải sản chuyển giao công nghệ bảo quản nano UFB cho ngư dân Nguyễn Văn Trạng, ở xã Tam Quan, chủ tàu kiêm thuyền trưởng tàu câu CNĐD BĐ 97173 TS. Anh Trạng cho biết: “Thiết bị rất gọn, dễ sử dụng, 4-5 giờ trước khi đánh bắt mình cho máy hoạt động để giữ độ lạnh của hầm ngâm cá, khi có cá sẽ đưa vào hầm bảo quản và cho máy hoạt động thêm 1,5 - 2 giờ để giữ độ tươi cho cá. Sử dụng thiết bị nano không chỉ tiết kiệm chi phí đá lạnh, mà còn giúp “bạn thuyền” tiết kiệm được sức lao động khi bốc dỡ sản phẩm vì cá đưa vào hầm bảo quản theo kiểu thẳng đứng khác với kiểu để cá nằm ngang rồi đắp đá lạnh lên như thông thường thì phải lấy các lớp đá lạnh mới đưa được cá lên bờ để bán. Sau 2 chuyến biển (20-25 ngày/chuyến), sản lượng CNĐD được bảo quản trên tàu tôi đạt tỷ lệ loại A chiếm từ 70-80%”, anh Trạng cho biết.

Việc áp dụng công nghệ bảo quản mới trong khai thác CNĐD đã giúp chi phí sản xuất giảm, doanh thu chuyến biển tăng lên, giá sản phẩm được mua gom cao hơn 15% so thông thường. Ông Trần Văn Hồi, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại tổng hợp Phước Tiến, ở xã Tam Quan Bắc, cho hay: “CNĐD được bảo quản bằng công nghệ nano UFB có chất lượng cao hơn hẳn cá được bảo quản bằng đá lạnh thông thường, ngoại hình, màu sắc đẹp, thịt cá tươi ngon. Hiện, công ty chúng tôi cũng đang chuyển sang bảo quản sản phẩm CNĐD bằng công nghệ này. Hy vọng với nano UFB chúng tôi sẽ có thêm cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu sang nhiều nước lớn, như: Mỹ, Nhật Bản, các nước châu Âu...”.

Ngư dân Nguyễn Văn Trạng giới thiệu thiết bị nanno UFB được lắp đặt trên tàu cá của mình.

Phó Viện trưởng Viên Nghiên cứu Hải sản Nguyễn Viết Nghĩa cho biết: Thiết bị nano UFB nguyên gốc của Nhật Bản có giá 50.000 USD/bộ, còn thiết bị nano UFB do chúng tôi sản xuất chỉ khoảng 2.000 USD/bộ, nếu đầu tư cả hệ thống bảo quản bằng công nghệ nano trên tàu cá chỉ mất khoảng 4.000 - 4.500 USD/tàu, thời gian hoàn vốn đầu tư bình quân khoảng 8 tháng. Sắp tới, chúng tôi sẽ tiến hành lắp đặt thêm thiết bị nano UFB trên 10 tàu cá của tỉnh Bình Định. Đồng thời hợp tác với các DN để bảo quản CNĐD bằng công nghệ nano, hình thành chuỗi liên kết sản xuất, bảo quản CNĐD “từ biển về bờ”.

(Theo báo Bình Định)

Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục