Châu Âu dần quay lưng với cá thịt trắng của Nga, Vĩnh Hoàn có thể được hưởng lợi?

Một số siêu thị bắt đầu có động thái hạn chế nhập khẩu cá minh thái và cá haddock của Nga. Trong khi nhu cầu cá thịt trắng ở EU đang rất cao. Do đó, đây là cơ hội cho cá tra Việt Nam nói chung và Vĩnh Hoàn nói riêng.

Châu Âu đang dần quay lưng với cá thịt trắng của Nga

Xung đột Nga - Ukraine được xem là cơ hội cho cá tra Việt Nam khi sản phẩm này được kỳ vọng có thể thế chỗ cho các minh thái của Nga trong khẩu phần ăn của người dân khu vực châu Âu.

Chia sẻ tại ĐHĐCĐ thường niên 2022, Nguyễn Ngô Vi Tâm, Tổng giám đốc CTCP Vĩnh Hoàn cho biết xung đột Nga và Ukraine sẽ tạo lợi thế cho công ty tại thị trường EU. 

“Một số siêu thị bắt đầu có động thái hạn chế nhập khẩu cá minh thái và cá haddock của Nga. Trong khi nhu cầu cá thịt trắng ở EU đang rất cao. Do đó, đây là cơ hội cho cá tra Việt Nam nói chung và Vĩnh Hoàn nói riêng”, bà Tâm cho biết. 

Ngoài ra, theo trang IntraFish, Vương quốc Anh, quê hương của gã khổng lồ nhập khẩu cá đông lạnh Young's Seafood, cũng đã áp thuế 35% đối với cá thịt trắng nhập khẩu từ Nga.  

Tại thị trường EU, đối với dòng sản phẩm cá thịt trắng, con cá tra Việt Nam đang phải cạnh tranh với một số loài như minh thái, haddock của Nga… Hiện tại cá tra Việt Nam đang phải chịu thuế nhập khẩu 5,5% trong khi cá minh thái không phải chịu thuế. Mặc dù vậy, trong lộ trình 2 - 3 năm tới, thuế nhập khẩu đối với cá tra Việt Nam đang dần được về mốc 0%. 

Cơ hội khoả lấp chỗ trống do cá minh thái của Nga bỏ lại

Theo trang Undercurrent News, thị trường thuỷ sản Châu Âu đang phụ thuộc nhiều vào cá thịt trắng của Nga. Theo dữ liệu từ Groundfish Forum, Nga đứng đầu về sản lượng cá minh thái trên toàn cầu, và thứ hai về cá tuyết Đại Tây Dương, cá tuyết Thái Bình Dương và cá tuyết chấm đen. 

Cụ thể, một số tổ chức dự báo trong năm 2022, Nga sẽ chiếm 49% sản lượng cá minh thái trên toàn cầu; 32% sản lượng cá tuyết Đại Tây Dương; 41% sản lượng cá tuyết Thái Bình Dương; và 24% sản lượng cá tuyết chấm đen. 

Do đó, sẽ là một thách thức lớn đối với các nhà nhập khẩu cá thịt trắng châu Âu trong việc tìm các nguồn thay thế trong trường hợp EU ra lệnh cấm đối với mặt hàng này của Nga. 

Đây cũng được xem là cơ hội để con cá tra lấp đầy khoảng trống mà Nga để lại.

Đối với riêng thị trường Anh, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản (VASEP) nhận định Cuộc xung đột Nga - Ukraine vừa qua diễn ra tưởng như không liên quan tới thương mại cá tra Việt Nam - Anh nhưng có thể điều này lại đang mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp cá tra Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này trong thời gian tới.

Trước đó, năm 2020, Anh phải nhập khẩu trực tiếp đến 48 nghìn tấn cá thịt trắng từ Nga, thậm chí Anh cũng nhập khẩu 143 nghìn tấn cá thịt trắng từ Trung Quốc nhưng xuất xứ từ Nga. Một lượng cá thịt trắng nhập khẩu của Anh khác từ Nauy, Ba Lan, Đức cũng có xuất xứ từ Nga.

Theo tính toán, sự sụt giảm lượng cá thịt trắng đột ngột này của Anh có thể đẩy giá nguyên liệu thủy sản tại thị trường này tăng ít nhất từ 20-30% so với trước, các nhà nhập khẩu của Anh đang gặp nhiều khó khăn để tìm nguồn sản phẩm thay thế, giảm thiểu sự thiệt hại cho người tiêu dùng.

Vì vậy, đây là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp cá tra Việt Nam có thể nắm bắt để đẩy mạnh doanh số bán hàng ở thị trường này. Trong đó, Vĩnh Hoàn đang là doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu nhiều cá tra nhất sang Anh, theo số liệu của VASEP. 

Theo bà Tâm, xét về dài hạn Vĩnh Hoàn có một vài sản phẩm đặc biệt phù hợp làm nguyên liệu đầu vào cho các nhà máy chế biến sâu tại Châu Âu và đây được xem là lợi thế lớn đối với công ty. Hiện tại, một số khách hàng dùng thử và bày tỏ ưng ý, nên Vĩnh Hoàn đang cố gắng khai thác được cơ hội dài hạn từ sản phẩm có quy cách đặc biệt này.

Năm 2021, Vĩnh Hoàn bán hàng đến 42 thị trường (tăng 5 thị trường so với năm 2020), tập trung công suất chế biến cho các thị trường truyền thống và khách hàng trung thành. Trong đó, các thị trường lớn nhất lần lượt là Mỹ (42%), Trung Quốc (15%), và Châu Âu (10%). Những thị trường này chiếm 72% doanh thu của công ty.   

 Doanh thu của Vĩnh Hoàn tại các thị trường truyền thống của Vĩnh Hoàn. (H.Mĩ tổng hợp từ Vĩnh Hoàn)

Tính riêng Châu Âu, trong năm ngoái, doanh thu từ thị trường này tăng khoảng 15% lên 1.427 tỷ đồng.  Trong tháng 3/2022, doanh thu từ thị trường EU tăng tới 80% so với tháng 2, đạt 162 tỷ đồng.

Năm nay, Vĩnh Hoàn đặt mục tiêu doanh thu thuần hợp nhất 13.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.500 tỷ đồng, tương ứng tăng 43,5% và tăng 35,6% so với năm 2021. Nếu đạt được thì đây cũng là mức lợi nhuận cao nhất kể từ khi hoạt động của công ty.

Phương Linh

(Theo vietnambiz.vn)

 

 

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục