Khai thác hải sản thích ứng với dịch bệnh COVID-19

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, ngành nông nghiệp và các địa phương ven biển đã triển khai thực hiện các biện pháp khai thác hải sản thích ứng an toàn, linh hoạt với phòng, chống dịch trong trạng thái bình thường mới.

Theo thống kê của Chi cục Thủy sản, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, ở các địa phương ven biển có hàng chục tàu cá phải nằm bờ. Ngoài ra, có khoảng 30% ngư dân mất việc làm do các tàu cá giảm lao động trên tàu. Cùng với đó, sản lượng các chuỗi cung ứng thủy sản giảm mạnh, quy mô sản xuất thu hẹp; các hoạt động thương mại, triển lãm, quảng bá, giới thiệu, mua bán và xuất khẩu bị trì hoãn. Công tác phòng, chống dịch COVID-19 ở một số địa phương đôi khi còn chưa linh hoạt, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, cung ứng dịch vụ cho tàu cá ra vào cảng, nhất là việc bốc dỡ, vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm hải sản. Việc giãn cách xã hội, xét nghiệm, hạn chế dịch vụ tại cảng, làm khan hiếm nguồn cung nguyên nhiên, vật liệu, tăng chi phí cho tàu cá, hạn chế di chuyển đã gây thiếu lao động làm việc trên tàu cá. Giá nhiên liệu, chi phí sản xuất tăng, giá tiêu thụ sản phẩm giảm 15 - 20%, lưu thông khó khăn, do đó không đủ bù chi phí, hiệu quả khai thác chuyến biển không cao. Hạ tầng cảng cá còn hạn chế, không có hoặc thiếu kho lạnh để lưu giữ, bảo quản sản phẩm tại cảng, gây ùn ứ sản phẩm trên tàu cá, tổn thất giá trị hải sản.

Chú thích ảnh

Bốc xếp hải sản tại Bến cá Hải Bình (thị xã Nghi Sơn)

Ông Lê Cao Kích, Giám đốc Ban Quản lý Cảng cá Lạch Bạng (thị xã Nghi Sơn), cho biết: Tác động của dịch COVID-19 đến hoạt động của cảng cá và đời sống ngư dân lớn, tàu thuyền và phương tiện vào cảng làm dịch vụ giảm nhiều. Trước thực tế trên, đơn vị đã xây dựng phương án hoạt động của cảng cá đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế và diễn biến của dịch COVID-19 tại địa bàn. Đồng thời, phối hợp với lực lượng y tế tổ chức lấy mẫu xét nghiệm cho các ngư dân trên tàu cá của các tỉnh Quảng Ngãi, Hà Tĩnh, Quảng Bình và ngư dân phường Hải Bình vừa đi khai thác ở các vùng biển ngoài tỉnh về cảng cá. Đơn vị ưu tiên bố trí phương tiện, bổ sung nguồn lực để duy trì hoạt động ra/vào bốc dỡ, lưu thông và tiêu thụ hải sản của ngư dân. Thường xuyên hướng dẫn, sắp xếp cụ thể để các tàu cá vào bốc dỡ hàng hóa tại cảng đảm bảo an toàn và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.

Hiện toàn tỉnh có 6.689 phương tiện nghề cá, trong đó, 5.521 tàu có chiều dài dưới 15m, 1.168 chiếc có chiều dài từ 15m trở lên, với 24.675 ngư dân trực tiếp tham gia khai thác hải sản trên biển. Năm 2021, ngư dân các địa phương ven biển đã thực hiện các phương án tổ chức khai thác hải sản theo hướng hiệu quả, thích ứng an toàn, linh hoạt và phòng, chống dịch COVID-19 nên sản lượng khai thác biển đạt 133.500 tấn hải sản, đạt 102,7% kế hoạch. Để tổ chức cho ngư dân khai thác hải sản thích ứng với phòng, chống dịch COVID-19, ngành nông nghiệp chủ động phối hợp với các địa phương ven biển tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho ngư dân trên các phương tiện thông tin đại chúng về Luật Thủy sản, các văn bản hướng dẫn thi hành luật và các quy định về chống khai thác bất hợp pháp, các biện pháp phòng, chống dịch trong điều kiện tình hình mới “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”. Hướng dẫn chủ tàu và ngư dân thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, ưu tiên tiêm vắc-xin phòng dịch COVID-19 cho các thuyền trưởng, ngư dân khai thác trên biển và người làm việc tại các cơ sở thu mua, vận chuyển hải sản. Cung cấp các bản tin dự báo ngư trường cho chủ tàu cá, thuyền trưởng, ngư dân để chủ động thực hiện các biện pháp khai thác phù hợp. Thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, ngư dân đảm bảo duy trì hoạt động của chuỗi khai thác hải sản trong tình hình diễn biến phức tạp của dịch COVID-19. Tích cực công tác quản lý tàu cá trên địa bàn, đảm bảo an toàn cho người và tàu cá, đồng hành cùng ngư dân để vươn khơi thực hiện các hoạt động khai thác hải sản. Ban quản lý các cảng cá kiểm soát chặt chẽ tàu cá khi bốc dỡ sản phẩm, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch và quy định về khai báo, kiểm soát sản lượng hải sản bốc dỡ qua cảng; đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực để phục vụ hoạt động, đáp ứng được yêu cầu trong bốc dỡ sản phẩm hải sản tại cảng. Củng cố, phát triển các tổ đoàn kết trên biển, khuyến khích các chủ tàu cá khai thác vùng khơi ứng dụng các tiến bộ khoa học để nâng cao hiệu quả, chất lượng, giá trị sản phẩm khai thác. Cùng với đó, khuyến khích các cơ sở thu mua, dịch vụ hậu cần tổ chức thực hiện theo chuỗi liên kết, tiêu thụ sản phẩm sau khai thác, cung ứng nhu yếu phẩm, hàng hóa, ngư lưới cụ, trang thiết bị và thu mua, chuyển tải sản phẩm đảm bảo cho tàu cá hoạt động sản xuất dài ngày trên biển.

(Theo báo Thanh Hóa)

Bình luận bài viết

Tin liên quan
Tin cùng chuyên mục