Tiềm năng từ ngao, hàu trong bối cảnh mới

Nhóm ngao hàu nói riêng và nhuyễn thể 2 mảnh vỏ nói chung đang thể hiện được tiền năng vô vùng lớn trong bối cảnh mới của ngành nông nghiệp.

Bối cảnh mới, thách thức mới cho ngao hàu

Ngày 28/11, Bộ NN-PTNT đã tổ chức Diễn đàn “Phát triển tiêu thụ thị trường ngao, hàu các tỉnh ven biển phía Bắc trong bối cảnh mới” tại Thái Bình.

Phát biểu khai mạc diễn đàn, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho biết nhuyễn thể, trong đó có ngao hàu là nhóm thủy sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Giá trị xuất khẩu nhuyễn thể 2 mảnh vỏ trong những năm gần đây ghi nhận sự đóng góp đáng kể của các tỉnh ven biển phía Bắc.

Trung Quốc đã bổ sung cho phép nhập khẩu chính ngạch 1 loại hàu và 3 loại ngao. Hiệp định thương mại EVFTA có hiệu lực với các điều khoản liên quan mang lại lợi thế cho việc xuất khẩu các mặt hàng nhuyễn thể 2 mảnh vỏ sang các nước Châu Âu.

Thứ trưởng nhận định: “Việc hình thành các chuỗi cung ứng sản phẩm thủy sản nói chung và nhuyễn thể 2 mảnh vỏ nói riêng tại các thành phố lớn cũng là điều kiện kích thích tiêu dùng nội địa. Bối cảnh mới không chỉ tạo nhiều cơ hội mới mà còn là thách thức mới thế nên chúng ta cần có những biện pháp cụ thể để đồng bộ việc điều chỉnh phát triển sản xuất và kết nối thị trường tiêu thụ ngao hàu”.

Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, các vùng sản xuất giống ngao ở Việt Nam tập trung ở Quảng Ninh, Nam Định, Thái Bình, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bến Tre, Tiền Giang. Hiện nay có khoảng 380 cơ sở sản xuất giống. Nhiều trại sản xuất giống đã chuyển sang sản xuất giống cá biển do gặp nhiều khó khăn từ tác động của dịch bệnh Covid-19 và các nguyên nhân khác như môi trường ô nhiễm, giá bán bấp bênh, thiếu ổn định, điều kiện thời tiết khắc nghiệt...

Hàng năm, ước tính nhu cầu ngao giống cả nước là 70 tỷ con. Theo thống kê chưa đầy đủ, tổng sản lượng ngao giống hiện tại trên cả nước có nguồn gốc từ sinh sản nhân tạo ước đạt 15 - 20 tỷ con/năm (đáp ứng được khoảng hơn 1/3 nhu cầu con giống cho nuôi thương phẩm), sản xuất giống tập trung tại các cơ sở sản xuất ở Nam Định, Thái Bình, Tiền Giang, Bến Tre…) và nguồn con giống cung cấp còn lại chủ yếu từ khai thác tự nhiên.

Thứ trưởng Lê Minh Hoan (trái) tham quan một nhà máy sản xuất ngao tại Nam Định. Ảnh: Phạm Hiếu.

Thứ trưởng Lê Minh Hoan (trái) tham quan một nhà máy sản xuất ngao tại Nam Định

Việt Nam đã xuất khẩu mặt hàng nhuyễn thể sang nhiều thị trường trên thế giới, với giá trị kim ngạch xuất khẩu năm 2014 đạt 79 triệu USD đến năm 2019 đạt 93,7 triệu USD. Đối tượng xuất khẩu chính là ngao. Đến nay, EU đã công nhận 12 vùng nuôi nhuyễn thể an toàn trên cả nước, khả năng thu hoạch 200.000 - 220.000 tấn/năm. EU là thị trường nhập khẩu nhuyễn thể hai mảnh vỏ lớn nhất, chiếm 64,2% tổng giá trị. Mỹ mặc dù là thị trường nhập khẩu nhuyễn thể hai mảnh vỏ lớn thứ 2 của Việt Nam nhưng chỉ chiếm gần 12% tỷ trọng, tiếp đến là Hàn Quốc và Trung Quốc, Hồng Kông và ASEAN.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên 6 tháng đầu năm 2020, Việt Nam chỉ có thể xuất khẩu nhuyễn thể hai mảnh vỏ sang 40 thị trường (năm 2019 có 48 thị trường nhập khẩu từ Việt Nam). Tổng giá trị xuất khẩu nhuyễn thể hai mảnh vỏ đạt 37,2 triệu USD, giảm 5,5 % so với 6 tháng đầu năm 2019. Kim ngạch xuất khẩu nhuyễn thể chiếm 8,1% trong tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của thuỷ sản.

Nói chung, dịch Covid-19 đã tác động làm giảm xuất khẩu nhuyễn thể hai mảnh vỏ chủ yếu sang thị trường EU, Trung Quốc, Anh khiến kết quả xuất khẩu 6 tháng đầu năm nay giảm nhẹ. 

Theo Thứ trưởng Lê Minh Hoan, bên cạnh những cơ hội, chúng ta phải lường trước các rủi ro. Một mặt phải tạo ra giá trị gia tăng, một mặt phải cẩn trọng loại trừ rủi ro từ vùng nuôi cho tới chế biến, vệ sinh an toàn thực phẩm…

Dịch bệnh Covid-19 đã làm ảnh hưởng đến xuất khẩu sản phẩm nhuyễn thể của Việt Nam trong năm 2020. Ảnh: Phạm Hiếu.

Dịch bệnh Covid-19 đã làm ảnh hưởng đến xuất khẩu sản phẩm nhuyễn thể của Việt Nam trong năm 2020.

“Không phải riêng ngao hàu, mặt hàng nào tăng trưởng nóng quá cũng mang theo những rủi ro. Những ngành nuôi trồng liên quan đến môi trường nước có thể làm ô nhiễm hệ sinh thái. Những Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới bao giờ cũng yêu cầu sản phẩm không chỉ ngon mà còn không làm ảnh hưởng tới môi trường sinh thái”, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT nhấn mạnh.

Nâng cao giá trị con ngao, con hàu

Trong xu hướng phát triển nuôi trồng thủy sản hiện nay, ngao được xem là đối tượng tiềm năng to lớn và có vai trò rất quan trọng, là đối tượng thích hợp cho phát triển nuôi biển. Trong lĩnh vực dinh dưỡng, ngao là mắt xích quan trọng trong chuỗi thức ăn của nhiều loài. Ngao có khả năng lọc các chất cặn bã hữu cơ làm sạch môi trường, đóng vai trò quan trọng trong việc xử lý ô nhiễm và là nguồn thức ăn có giá trị dinh dưỡng cao, là đối tượng xuất khẩu quan trọng.

Theo Thứ trưởng Lê Minh Hoan, ngành nông nghiệp của chúng ta có rất nhiều ngành hàng. Diễn đàn này là dịp để chúng ta tìm ra chiến lược phát triển bền vững ngành hàng ngao hàu, một ngành hàng có tiềm năng phát triển ra thị trường thế giới.

“Nói cách khác đây là dịp để ta định vị được ngành hàng ngao hàu của chúng ta đang đứng ở đâu và sẽ đi về đâu, đi bằng cách nào”, Thứ trưởng cho hay.

Cũng theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, chúng ta cần phải phát triển để có thể xuất khẩu những sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn nữa chứ không chỉ dừng lại ở việc xuất khẩu ngao hàu thô, cần áp dụng công nghệ chế biến để tạo ra hàm lượng giá trị cao trong ngành nông nghiệp nhiều tiềm năng như này.

Thứ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng: “Bất kì một mặt hàng nông sản nào cũng có những tinh túy để khai thác qua chế biến. Chúng ta phải làm sao ngành ngao hàu không còn chỉ là một sản phẩm nông sản xứ biển mà nó phải là kết tinh của giá trị công nghiệp chế biến.

Bên cạnh việc sản xuất đơn thuần thì chúng ta cần nghiên cứu thêm những sản phẩm dược phẩm hoặc mỹ phẩm từ ngao hàu để tạo ra các giá trị gia tăng, tạo ra hình ảnh ngao hàu có chất lượng cao hơn”.

Thứ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, chúng ta phải làm sao ngành ngao, hàu không còn chỉ là một sản phẩm nông sản xứ biển mà nó phải là kết tinh của giá trị công nghiệp chế biến. Ảnh: Phạm Hiếu.

Thứ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, chúng ta phải làm sao ngành ngao, hàu không còn chỉ là một sản phẩm nông sản xứ biển mà nó phải là kết tinh của giá trị công nghiệp chế biến.

Lãnh đạo ngành NN-PTNT cũng đánh giá Diễn đàn là cơ hội để có thể hình thành chuỗi liên kết từ người nuôi đến các doanh nghiệp, các chuyên gia về thị trường, nhà kinh tế nhằm tạo ra các sản phẩm đa dạng hơn, tránh rủi ro mùa vụ, rủi ro khi phát triển nóng bất kì mặt hàng nào: Sản lượng vượt quá nhu cầu.

Thời gian tới Bộ NN-PTNT sẽ xây dựng một chiến lược phát triển ngành hàng ngao, hàu còn rất nhiều tiềm năng này. Việc cơ cấu lại ngành nông nghiệp chính là việc đưa tất cả các ngành hàng nông sản vào một chuỗi liên kết. Chuỗi liên kết đó sẽ tạo ra nhiều giá trị gia tăng và sự liên bết bền vững hơn giữa người nuôi và doanh nghiệp.

Việt Nam có bờ biển dài 3.260 km chạy dọc theo hướng Bắc – Nam từ Móng Cái - Quảng Ninh đến mũi Cà Mau, với 112 cửa sông, trên 3.000 đảo lớn nhỏ, có diện tích mặt nước eo vịnh, đầm phá ven biển lớn, chạy dọc có trên 1 triệu km2 diện tích vùng đặc quyền kinh tế biển, và có các hệ sinh thái rất đa dạng.

Diện tích nuôi nhuyễn thể hiện nay khoảng trên 52.930 ha, trong đó ngao có 29.030 ha diện tích nuôi. Hiện tại có 2 loài ngao đang được nuôi phổ biến là ngao đá (ngao trắng) và ngao dầu. Ngao được xem là đối tượng nuôi chủ lực ở hầu hết các tỉnh ven biển Bắc bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.

(Theo NNVN)

Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục