Trình Chính phủ phê duyệt chương trình khai thác thủy sản bền vững

Theo dự thảo Chương trình, đến năm 2025, có 30% tàu cá vùng khơi sử dụng công nghệ, kỹ thuật tiên tiến trong khai thác và bảo quản sản phẩm...

Chấm dứt nghề khai thác hủy diệt nguồn lợi, phá hoại môi trường

Tổng cục Thủy sản đã có dự thảo về “Chương trình Quốc gia phát triển khai thác thủy sản hiệu quả, bền vững giai đoạn 2021 - 2030” trình Bộ NN-PTNT và Chính phủ xem xét thông qua. 

Theo dự thảo, Chương trình được triển khai thực hiện trên toàn bộ vùng biển Việt Nam và trên địa bàn của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ven biển; các nước trong khu vực, các quốc đảo Thái Bình Dương, các nước có thỏa thuận hợp tác nghề cá với Việt Nam và vùng biển thuộc phạm vi quản lý của Ủy ban Nghề cá Trung và Tây Thái Bình Dương (WCPFC), Ủy ban Cá ngừ Ấn Độ Dương…

Thời gian thực hiện từ năm 2021 đến hết năm 2030. Đối tượng thực hiện là các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực khai thác thủy sản và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Dự thảo Chương trình đặt mục tiêu đến năm 2030, khai thác thủy sản có cơ cấu tàu, nghề khai thác hợp lý, phù hợp với khả năng cho phép khai thác của nguồn lợi thủy sản. Sử dụng công nghệ tiên tiến, cơ giới hóa, hiện đại hóa để khai thác và bảo quản sản phẩm, giảm tổn thất sau thu hoạch, nâng cao hiệu quả khai thác, chất lượng và giá trị thủy sản, nâng cao đời sống ngư dân. Đảm bảo an toàn cho người và tàu cá, tuân thủ các quy định của Luật Thủy sản và quy định quốc tế có liên quan. Sẵn sàng tham gia bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững chủ quyền biển đảo của tổ quốc.

Theo đó, đến hết năm 2030, xác định được trữ lượng, thành phần loài của nguồn lợi thủy sản, khu vực phân bố; xác định và giao được hạn ngạch đánh bắt theo loài đối với cá ngừ; xác định hạn ngạch khai thác đối với vùng lộng và vùng ven bờ.

Giảm số lượng tàu cá còn khoảng 80.000 chiếc (giảm 15% so với năm 2020). Trong đó, tàu cá vùng lộng, ven bờ khoảng 52.000 chiếc (giảm 21%), tàu cá vùng khơi khoảng 28.000 chiếc (giảm 10%), nghề lưới kéo giảm từ 16%  xuống còn 10% trong cơ cấu nghề khai thác. Sản lượng thủy sản khai thác giảm từ 3% - 5%/năm, đến năm 2030 giảm còn 2,8 triệu tấn/năm.

Chuyển đổi khoảng 5.000 tàu cá làm các nghề xâm hại lớn đến nguồn lợi, môi trường sinh thái sang các nghề thân thiện với môi trường, nguồn lợi và các nghề khác. Chấm dứt nghề khai thác hủy diệt nguồn lợi, phá hoại môi trường.

Xây dựng 5 mô hình thí điểm gắn khai thác, dịch vụ nghề cá với du lịch sinh thái tại cảng cá, khu dân cư, góp phần nâng cao đời sống, văn hóa, tinh thần của cộng đồng ngư dân gắn với xây dựng nông thôn mới.

Chấm dứt khai thác bất hợp pháp (IUU)

Dự thảo Chương trình cũng đặt mục tiêu đến năm 2025, hoàn thiện đủ và số hóa cơ sở dữ liệu phục vụ quản lý khai thác thủy sản. Nâng cao năng lực, ứng dụng công nghệ số trong quản lý nhà nước về khai thác thủy sản.

Đến năm 2022, tàu cá hoạt động vùng khơi được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và thực hiện giám sát 100% hoạt động tàu cá trên biển. Chấm dứt tình trạng tàu cá khai thác trái phép tại vùng biển nước ngoài. Đến năm 2025, chấm dứt tình trạng tàu cá khai thác bất hợp pháp (IUU).

Bên cạnh đó, đến năm 2025, giám sát 100% tàu cá và sản lượng thủy sản vùng khơi bốc dỡ tại cảng cá và áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc thủy sản điện tử. Tai nạn tàu cá giảm xuống dưới 1,5 vụ/1.000 tàu/năm (giảm 50% so với năm 2020), đến năm 2030, tiếp tục giảm xuống dưới 1 vụ/1.000 tàu/năm.

Đến năm 2030, có 100% thuyền, máy trưởng tàu cá vùng khơi được tập huấn định kỳ các quy định trong nước và quốc tế về khai thác thủy sản. 50% lao động khai thác thủy sản được hướng dẫn các kỹ năng, quy trình kỹ thuật khai thác, đảm bảo an toàn trên biển.

Quản chặt đội tàu, đảm bảo cường lực khai thác phù hợp

Theo dự thảo, trong giai đoạn 2021 - 2030, điều chỉnh, cơ cấu lại đội tàu, nghề khai thác thủy sản phù hợp với nguồn lợi thủy sản trên từng ngư trường, tổ chức quản lý số lượng tàu, nghề khai thác bằng hạn ngạch.

Xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án chuyển đổi một số nghề khai thác hải sản ảnh hưởng đến nguồn lợi và môi trường sinh thái. Phấn đấu đến năm 2030, chuyển đổi nghề đối với 5.000 tàu cá làm nghề lưới kéo, lưới rê thu ngừ.

Theo dự thảo Chương trình, giai đoạn 2021 - 2030, sẽ tăng cường các chính sách quản lý chặt chẽ đội tàu, đảm bảo cường lực khai thác phù hợp với khả năng tái tạo nguồn lợi thủy sản. Ảnh: TL.

Theo dự thảo Chương trình, giai đoạn 2021 - 2030, sẽ tăng cường các chính sách quản lý chặt chẽ đội tàu, đảm bảo cường lực khai thác phù hợp với khả năng tái tạo nguồn lợi thủy sản. Ảnh: TL.

Đề xuất các cơ chế, chính sách quản lý nhằm giảm cường lực khai thác hải sản, cắt giảm tàu cá khai thác, tăng cường giải bản, xóa đăng ký tàu cá, đảm bảo cường lực khai thác phải phù hợp với khả năng tái tạo của nguồn lợi thủy sản.

Tiếp tục kiểm soát chặt việc đóng mới, cải hoán, thuê, mua tàu cá theo hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản vùng ven bờ, vùng lộng thuộc phạm vi quản lý của địa phương và hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản vùng khơi do Bộ NN-PTNT xác định. Rà soát, cập nhật đầy đủ vào cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (Vnfishbase), thực hiện xóa đăng ký đối với các tàu cá theo quy định tại điều 72 của Luật Thủy sản.

Tiếp tục nghiên cứu, áp dụng chế độ cấm khai thác có thời hạn, cấm theo nghề tại một số vùng biển, khu vực tập trung sinh sản, khu vực thủy sản còn non tập trung sinh sống, nơi cư trú của các loài thủy sản.

Cập nhật toàn bộ thông tin về tàu cá vào cơ sở dữ liệu tàu cá quốc gia để thống nhất quản lý, kiểm soát việc xét duyệt và cấp giấy chứng nhận đóng mới tàu cá. 

(Theo báo Nông nghiệp)

Mời Quý độc giả tham gia khảo sát về đánh giá chất lượng cổng thông tin điện tử www.vasep.com.vn

Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục