Thâm nhập thị trường cua châu Âu (tiếp)

(vasep.com.vn) Ở châu Âu, các nhà nhập khẩu cua đang tìm kiếm sản phẩm chất lượng, bền vững, giá cả cạnh tranh và sự sẵn có của sản phẩm. Trong bài viết này, các doanh nghiệp sẽ có các thông tin cần thiết để thâm nhập thị trường cua châu Âu.

Chú thích ảnh

3. Cạnh tranh trên thị trường cua châu Âu

Khi thâm nhập thị trường cua tươi và đông lạnh châu Âu, bạn phải cạnh tranh với chính các nước châu Âu, như Anh và Na Uy. Ngoài khối EU, bạn chủ yếu phải cạnh tranh với Madagascar và Trung Quốc. Với cua chế biến, Indonesia và Việt Nam là các đối thủ cạnh tranh lớn nhất.

Anh

Với cua sống và đông lạnh, Anh là đối thủ cạnh tranh lớn với 3.413 tấn cua đông lạnh xuất sang các nước châu Âu khác trong năm 2020. Năm 2021, giao thương thủy sản giữa EU và Anh gặp khó khăn do sự kiện Brexit. Đây có thể là cơ hội cho các nhà cung cấp cua khác cho thị trường EU. Anh chủ yếu cung cấp cua nâu cho các nước châu Âu như Pháp và Tây Ban Nha. Nếu đáp ứng được nhu cầu này, hoạt động kinh doanh của bạn có thể được lợi.

Na Uy

Na Uy là một đối thủ cạnh tranh quan trọng với các nhà cung cấp ngoài khối EU với 686 tấn cua đông lạnh và 170 tấn cua tươi cung cấp cho EU năm 2020. XK cua Na Uy đạt cao nhất năm 2018 tuy nhiên giá thấp kỷ lục. Khi điều này được cải thiện năm 2019, ảnh hưởng của Covid-19 không làm giảm giá và khối lượng XK. Na Uy chủ yếu cung cấp cua huỳnh đế, cua tuyết và cua nâu cho EU.

Cua Na Uy được cho là có chất lượng cao, khai thác từ các vùng biển nước lạnh rất sạch. Các nhà cung cấp Na Uy còn có hệ thống truy xuất độc đáo, giúp nâng cao danh tiếng của sản phẩm cua của họ.

XK cua tươi và đông lạnh của Na Uy dự kiến tăng về lâu dài khi các công ty đầu tư nhiều hơn vào sản xuất bền vững và truy xuất nguồn gốc, nhất là đối với cua sống như chứng nhận MSC và các hệ thống truy xuất trong quá trình vận chuyển và phân phối.

Thâm nhập thị trường cua châu Âu tiếp

Madagascar

NK cua đông lạnh từ Madagascar tăng từ năm 2019 và tiếp tục tăng trong giai đoạn Covid-19 năm 2020 đạt 724 tấn. Do mối quan hệ lịch sử với Pháp, cua Madagascar chủ yếu XK sang Pháp với 700 tấn năm 2020. Các loài cua chính gồm cua bùn (mud crab), xuất dưới dạng đông lạnh. Tại châu Âu, cua bùn có thể được bán với giá cao gấp gần 15 lần so với bán tại thị trường nội địa Madagascar.

Theo FAO, cua đang bị khai thác quá mức tại Madagascar. Đây có thể là một bất lợi của các nhà XK cua nước này nếu giao dịch với các nhà NK EU yêu cầu truy xuất nguồn gốc và đảm bảo tính bền vững.

Trung Quốc

Giai đoạn 2018 và 2019, NK cua đông lạnh từ Trung Quốc ổn định ở mức 840 tấn. Tuy nhiên, năm 2020, NK giảm đáng kể do khó khăn trong sản xuất và logistics tại Trung Quốc do phong tỏa để chống Covid-19. Bên cạnh đó, việc đóng cửa ngành dịch vụ ở châu Âu (chủ yếu các nhà hàng tiêu thụ cua Trung Quốc) cũng ảnh hưởng tới thương mại cua của Trung Quốc với EU.

Trong số các nhà XK cua đông lạnh ngoài khối EU cho thị trường châu Âu, Trung Quốc có giá thấp nhất với giá trung bình 4,52 EUR/kg trong 2020. Trong số các nhà cung cấp lớn nhất, giá cua đông lạnh của Na Uy đứng thứ 3 với 15,14 EUR/kg và thấp hơn giá cua Namibia với 7,78 EUR/kg. Trung Quốc đang tập trung XK cua cà ra (mitten crab) và cua bùn, được bán với giá thấp hơn các loài khác như cua bùn hoặc cua huỳnh đế.

Việt Nam và Indonesia

Trong số các nước ngoài EU, Việt Nam là nước XK chính cua chế biến cho EU với 891 tấn trong năm 2020. XK cua của Việt Nam giảm từ năm 2016 (giảm 51%) và giảm dần. Sự sụt giảm chủ yếu do thẻ vàng của EU đối với Việt Nam.

Pháp, Anh, Hà Lan và Bỉ là các thị trường NK cua lớn nhất của Việt Nam trong khối EU. Các nhà sản xuất Việt Nam chuyên sản xuất cua bùn và ghẹ xanh. Ghẹ xanh được sử dụng nhiều nhất trong các sản phẩm cua chế biến như thịt cua. Các sản phẩm chính gồm thịt cua đóng lon hoặc đóng lọ.

Miếng vế cua nguyên tảng (colossal lump) là sản phẩm thịt cua đắt nhất vì có kích thước lớn nhất. Trong khi thịt càng cua là phần thịt có giá rẻ nhất.

Một quốc gia Đông Nam Á khác cũng là đối thủ cạnh tranh về cung cấp cua chế biến cho EU là Indonesia. NK cua chế biến của EU đạt 732 tấn trong năm 2020. Giống Việt Nam, Indonesia cũng tập trung vào XK thịt cua từ ghẹ xanh sang châu Âu.

Ghẹ xanh là một trong những mặt hàng thủy sản quan trọng của Indonesia. Hơn 90.000 ngư dân và 185.000 phụ nữ tham gia trong chuỗi giá trị của ngành khai thác và nhà máy. Thị trường lớn nhất của Indonesia là Mỹ, chiếm 85% tổng XK của Indonesia tuy nhiên các nước châu Âu như Pháp, Hà Lan và Anh chiếm 8% tổng XK của Indonesia.

Thâm nhập thị trường cua châu Âu tiếp

Giá nhập khẩu trung bình cua vào EU năm 2020 (USD/kg)

2018

2019

2020

Trung Quốc

4,70

4,30

4,52

Greenland

8,48

12,64

14,54

Madagascar

5,18

5,73

5,47

Namibia

8,28

9,22

7,78

Na Uy

16,88

21,63

15,14

Các công ty XK cua bạn phải cạnh tranh trên thị trường EU gồm: HitraMat, Trinity Vietnam và PT Toba Surimi Industries. HitraMat là công ty sản xuất cua lớn của Na Uy, chiếm 50% tổng sản lượng khai thác cua của Na Uy. Công ty này sản xuất cua cho các hãng bán lẻ và khách sạn. Công ty sản xuất các sản phẩm cua chế biến, đông lạnh, tươi.

Trinity Vietnam chuyên chế biến ghẹ đóng hộp, thịt ghẹ và càng ghẹ thanh trùng và tiệt trùng từ ghẹ đỏ, ghẹ xanh để XK sang Pháp, Anh, Đức và Italy. Công ty cũng sản xuất thịt càng ghẹ tiệt trùng ngâm nước muối. Các sản phẩm thanh trùng có hạn sử dụng 6-18 tháng trong khi thịt cua tiệt trùng có hạn sử dụng 36 tháng. Không giống như các sản phẩm đóng hộp khác như cá ngừ hoặc cá thu. Thịt cua thanh trùng không thể bảo quản ở nhiệt độ phòng và phải bảo quản ở 0-5 độ C. Thịt cua tiệt trùng có thể bảo quản ở nhiệt độ phòng.

PT Toba Surimi Industries là công ty Indonesia chuyên sản xuất sản phẩm cua thanh trùng như thịt càng cua, thân cua và các sản phẩm cua chế biến giá trị gia tăng. Thị trường NK của công ty này gồm: EU, Canada, Nhật Bản và Australia với kim ngạch hàng năm đạt 24 triệu USD. Các sản phẩm cua thanh trùng được đóng lon hoặc hộp nhựa theo yêu cầu nhà NK.

Các sản phẩm cạnh tranh

Tôm hùm

Cũng thuộc nhóm giáp xác, tôm hùm là sản phẩm cạnh tranh với cua trên thị trường EU, đặc biệt là các sản phẩm tươi, đông lạnh. Tại Pháp, tôm hùm hấp ướp lạnh được sử dụng rộng rãi trong phân khúc bán lẻ và cửa hàng dịch vụ ăn uống. Tôm hùm được coi là sản phẩm cao cấp, thường được ăn trong những ngày nghỉ lễ và được tiêu thụ nhiều trong tháng 12.

Tôm hùm sống có thị trường ngách tại Pháp và được cung cấp bởi Ireland với giá khoảng 25 EUR/kg. Tôm hùm NK vào EU chủ yếu từ Na Uy. Tôm hùm và các loại giáp xác khác cạnh tranh với cua tại phân khúc bán lẻ hoặc dịch vụ thực phẩm.

Surimi

Surimi là sản phẩm cạnh tranh trực tiếp với các nhà XK từ các nước đang phát triển, nhất là các nhà cung cấp cua chế biến cho EU. Có 2 yếu tố khiến surimi là sản phẩm cạnh tranh cao với các sản phẩm cua. Thứ nhất, surimi thường bị nhầm lẫn với thịt cua. Đây là lí do surimi thường được coi là sản phẩm mô phỏng cua. Surimi thực tế là sản phẩm chế biến từ cá thịt trắng như cá minh thái Alaska hoặc cá hake Thái Bình Dương với bột và trứng. Sự nhầm lẫn này có thể là một rào cản khi người tiêu dùng quyết định mua các sản phẩm chế biến này.

Thứ hai, surimi là sản phẩm có giá hấp dẫn. So với thịt cua, surimi có giá thấp hơn cua đông lạnh và tươi.

Với các nhà cung cấp cua chế biến, điều quan trọng là phải nhấn mạnh sản phẩm làm từ thịt cua thật chứ không phải làm từ cá thịt trắng. Bạn có thể chú ý tới mùi vị vì thịt cua có vị khác hẳn với surimi. Tập trung vào công thức mới và cải thiện các chiến dịch tiếp thị để hướng người tiêu dùng châu Âu quan tâm tới sản phẩm của mình.

4. Giá cua

Giá cua có thể thay đổi phụ thuộc vào mùa khai thác, loài, kích cỡ, hạn sử dụng, nguồn gốc, chủng loại sản phẩm. Nhìn chung, cua sống đắt hơn cua đông lạnh vì chi phí bảo quản hoặc vận chuyển.

Giá NK trung bình từ các nhà cung cấp ngoài EU và trong EU năm 2018

Sản phẩm

Giá NK ngoài EU (USD/kg)

Giá NK trong EU (USD/kg)

Cua đông lạnh

12,31

10,71

Cua tươi, sống

25,48

5,42

Khô, muối, xông khói, ngâm muối

13,30

11,56

Chế biến

14,53

12,69

Giá cua từ các nước châu Âu có lợi thế hơn các nước ngoài châu Âu. Điều này là bởi vì các nước như Anh hoặc Ireland, đều là những nhà sản xuất cua lớn và được lợi nhờ vị trí gần các nước châu Âu khác.

Các nước phát triển nên tập trung vào phân khúc chế biến vì phân khúc cua sống/đông lạnh thường được chi phối bởi các nhà cung cấp châu Âu.

Chia sẻ:


Kim Thu
Chuyên gia thị trường Tôm
Email: kimthu@vasep.com.vn
Điện thoại 024. 37715055 – ext.203

Bình luận bài viết

Tin liên quan
Tin cùng chuyên mục