12 Hiệp hội còn lo ngại về quy định sử dụng tiền của doanh nghiệp để tái chế, xử lý chất thải

Đại diện 12 Hiệp hội ngành nghề Việt Nam, cũng như doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vẫn còn lo ngại về quy định sử dụng tiền của doanh nghiệp để tái chế, xử lý chất thải.

Còn nhiều lo ngại

Đây là ý kiến chung của đại diện12 Hiệp hội ngành nghề Việt Nam, cũng như doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Hội thảo tham vấn dự thảo Thông tư ban hành Quy chế quản lý, sử dụng đóng góp tài chính của nhà sản xuất, nhập khẩu (EPR) vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế, xử lý chất thải, tổ chức tại TP.HCM, ngày 7/11.

Thực hiện khoản 5 Điều 85 Nghị định 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang hoàn thiện dự thảo Thông tư ban hành Quy chế nói trên.

Hội thảo tham vấn dự thảo Thông tư tư ban hành Quy chế quản lý, sử dụng đóng góp tài chính của nhà sản xuất, nhập khẩu vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế, xử lý chất thải, tổ chức tại TP.HCM, ngày 7/11. Ảnh: Trần Khánh

Hội thảo tham vấn dự thảo Thông tư tư ban hành Quy chế quản lý, sử dụng đóng góp tài chính của nhà sản xuất, nhập khẩu vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế, xử lý chất thải, tổ chức tại TP.HCM, ngày 7/11. Ảnh: Trần Khánh

Trước đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức lấy ý kiến góp ý đến ngày 15/10, và dự kiến ban hành Thông tư này trong tháng 12/2022.

Ngày 11/10, 12 Hiệp hội ngành nghề đã gửi thư kiến nghị chung cho Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

12 Hiệp hội ngành nghề bao gồm: Hiệp hội Sữa Việt Nam, Hiệp hội Dệt May Việt Nam, Hiệp hội nhựa Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, Hiệp hội Chè Việt Nam, Hiệp hội Thực phẩm minh bạch, Hội lương thực thực phẩm TP.HCM, Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy, Hội Doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật Việt Nam, Hiệp hội Các nhà sản xuất Ô tô Việt Nam, Hội đồng kinh doanh Mỹ - Asean.

Trong thư, 12 Hiệp hội cho rằng dự thảo Thông tư còn nhiều điểm chưa hợp lý. Thay mặt 12 Hiệp hội, bà Lý Kim Chi – Chủ tịch Hội lương thực thực phẩm TP.HCM cho biết, có 3 vấn đề lớn cần giải quyết trong dự thảo Thông tư này.

Trước hết là quy định về hoạt động của Văn phòng EPR (văn phòng giúp việc của Hội đồng EPR Việt Nam) mâu thuẫn với Luật Bảo vệ Môi trường, Nghị định 08/2022/NĐ-CP và các quy định pháp luật hiện hành;

Cơ cấu tổ chức của Văn phòng EPR gây tăng biên chế, trái với Nghị định 08 quy định chỉ làm kiêm nhiệm;

Quyền hạn của Văn phòng EPR lớn nhưng không rõ trách nhiệm, không đạt kế hoạch vẫn được thưởng tối đa 2 tháng lương...

12 Hiệp hội ngành nghề đã cùng ký tên gửi thư góp ý chung gửi Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường. Ảnh: Trần Khánh

12 Hiệp hội ngành nghề đã cùng ký tên gửi thư góp ý chung gửi Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường. Ảnh: Trần Khánh

Thứ 2, Nghị định 08 quy định Hội đồng EPR Việt Nam quản lý khoản đóng góp của doanh nghiệp. Thế nhưng Dự thảo Thông tư không quy định thành phần của hội đồng EPR. 12 Hiệp hội cho rằng cần phải có quy định rõ, và cho phép doanh nghiệp tham gia để quản lý cho minh bạch.

Cuối cùng, 12 Hiệp hội cho rằng, cơ chế quản lý khoản đóng góp của doanh nghiệp theo cơ chế xin - cho, không có tiêu chí rõ ràng, dễ phát sinh tiêu cực.

Đến trước hội thảo ngày 7/11, 12 Hiệp hội vẫn bảo lưu quan điểm của mình. 12 Hiệp hội đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường cân nhắc, xem xét các góp ý đã nêu để hoàn thiện Dự thảo.

"Việc nay nhăm giúp quản lý và sử dụng đúng mục đích và hiệu quả khoản đóng góp của các doanh nghiệp để tái chế sản phẩm, bao bì, xử lý chất thải nhằm bảo vệ môi trường, phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành", bà Chi nói.

Cần minh bạch

Góp ý dự thảo Thông tư, đại diện Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham Việt Nam) đề nghị Ban soạn thảo sửa lại các quy định trong Dự thảo theo đúng định hướng là "một văn phòng giúp việc đặt tại Bộ Tài nguyên và Môi trường, làm việc theo chế độ kiêm nhiệm" (quy định tại khoản 2, Điều 88, Nghị định số 08/2022).

Về chi phí chính của Văn phòng EPR và chế độ quản lý chi, AmCham cho rằng, Văn phòng giúp việc Hội đồng EPR Quốc gia làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, nên các chi phí này đã được Ngân sách Nhà nước đài thọ.

AmCham đề nghị cần xem lại quy định các khoản chi phí chưa rõ ràng cho hoạt động của Văn phòng EPR Việt Nam tại Điều 26 của dự thảo Thông tư.

Rác thải thực vật tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Bình Điền, TP.HCM. Ảnh: Trần Khánh

Rác thải thực vật tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Bình Điền, TP.HCM. Ảnh: Trần Khánh

Bà Đặng Tuyết Minh, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham Việt Nam) cũng cho rằng, Văn phòng EPR sử dụng không đúng mục đích khoản đóng góp của doanh nghiệp nộp để tái chế sản phẩm, bao bì. Bởi vì, chỉ có 1/11 loại chi phí của Văn phòng EPR là dùng để hỗ trợ tái chế, 10/11 loại là cho mục đích khác.

Ông Nguyễn Quốc Dũng – Phó Chủ tịch Hội doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật Việt Nam cho rằng, việc quản lý, sử dụng nguồn tài chính đóng góp của các doanh nghiệp vào bảo vệ môi trường cần minh bạch để không làm làm ảnh hưởng niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp.

Ông Dũng đề nghị, trong thành phần của Hội đồng EPR Việt Nam, nên có ít nhất 1 đại diện của các Hiệp hội doanh nghiệp trong nước cho mỗi ngành hàng chủ lực của kinh tế Việt nam; 1 đại diện của các Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài, vì đây là 2 nguồn đóng góp tài chính chủ yếu.

"Đồng thời có thêm 1 đại diện cho đơn vị tái chế, 1 đại diện đơn vị xử lý chất thải, và 1 đại diện của VCCI với tư cách là tổ chức xã hội để theo đúng Nghị định 08/2022/NĐ-CP", ông Dũng nói.

Theo đúng luật định

Bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao cho rằng, dự thảo Thông tư ban hành Quy chế quản lý, sử dụng đóng góp tài chính của nhà sản xuất, nhập khẩu vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế, xử lý chất thải đã được bản luận, góp ý nhiều lần.

Đến nay, các quy định về Văn phòng EPR vẫn luôn là nỗi ám ảnh mỗi khi đưa vào các chính sách. Bà Hạnh đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường có một câu trả lời thỏa đáng và cân nhắc, xem xét sửa đổi, để đảm bảo tính thống nhất, phù hợp khi áp dụng vào thực tiễn.

Trách nhiệm của nhà sản xuất, nhập khẩu đối với một loại sản phẩm, hàng hóa được mở rộng tới giai đoạn sản phẩm, hàng hóa đó dược thải bỏ. Ảnh: Trần Khánh

Trách nhiệm của nhà sản xuất, nhập khẩu đối với một loại sản phẩm, hàng hóa được mở rộng tới giai đoạn sản phẩm, hàng hóa đó dược thải bỏ. Ảnh: Trần Khánh

Ông Phan Tuấn Hùng - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, trách nhiệm của nhà sản xuất, nhập khẩu đối với một loại sản phẩm, hàng hóa được mở rộng tới giai đoạn sản phẩm, hàng hóa đó được thải bỏ.

Vụ Pháp chế là đơn vị chủ trì xây dựng dự thảo Thông tư về Quy chế nói trên để thiết lập cơ sở pháp lý cho việc quản lý, sử dụng đóng góp tài chính hỗ trợ tái chế, xử lý chất thải của nhà sản xuất, nhập khẩu.

Ông Hùng cho biết, hiện nay các nhà sản xuất, nhập khẩu thuộc đối tượng thực hiện trách nhiệm xử lý chất thải đã đóng khoảng 500 trăm tỷ đồng vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam.

Để sử dụng hiệu quả, minh bạch nguồn tài chính này, cần thiết phải có quy định của pháp luật điều chỉnh.

Nguồn quỹ này sẽ tuân thủ nguyên tắc quản lý, sử dụng minh bạch, hiệu quả và đúng mục đích; tuyệt đối không sử dụng cho mục đích khác ngoài tái chế, xử lý chất thải.

Đây là nguồn tài chính quan trọng để thúc đẩy ngành công nghiệp tái chế hiện đại, thân thiện môi trường; và là nguồn tài chính bổ sung quan trọng bên cạnh ngân sách địa phương.

Người dân ngoại thành TP.HCM thu gom rác thải. Ảnh: Trần Khánh

Người dân ngoại thành TP.HCM thu gom rác thải. Ảnh: Trần Khánh

"Từ đó, quỹ sẽ góp phần giải quyết vấn đề rác thải sinh hoạt vốn rất bức xúc hiện nay, đặc biệt là các địa bàn có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn", ông Hùng nói.

Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho rằng, việc thành lập cũng như chức năng, nhiệm vụ của Văn phòng EPR được thực hiện theo đúng luật định.

Nếu nói dự thảo Thông tư và Văn phòng EPR trái luật thì cần chỉ rõ cụ thể. Vì nếu làm trái, Vụ Pháp chế phải chịu trách và bị kỷ luật.

Áp lực ban hành Thông tư đến cuối năm là rất lớn nhưng Vụ Pháp chế sẵn sàng tiếp thu các ý kiến đóng góp để hoàn thiện.

EPR là cách tiếp cận của tiên tiến của chính sách môi trường ở nhiều nước trên thế giới. Doanh nghiệp các nước có trách nhiệm với việc tái chế, xử lý chất thải. Người dân các nước có quyền sống trong môi trường trong lành.

"Việt Nam cũng nên như vậy, nhất là khi đã tham gia các hiệp định thương mại, có yêu cầu rất cao vấn đề môi trường", ông Hùng chia sẻ.

Bảo Ngọc (Theo Thế giới Tiếp thị)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục