Cộng đồng doanh nghiệp vẫn băn khoăn về các quy định của Văn phòng EPR

Các Hiệp hội các ngành hàng chủ lực của Việt Nam cho rằng còn nhiều điểm bất hợp lý, chưa minh bạch, mâu thuẫn với Luật và Nghị định trong dự thảo các quy định về văn phòng EPR.

Ngày 7/11, chia sẻ tại Hội thảo: “Tham vấn dự thảo Thông tư ban hành quy chế quản lý, sử dụng đóng góp tài chính của nhà sản xuất, nhập khẩu vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế, xử lý chất thải”, các Hiệp hội và đại diện doanh nghiệp bày tỏ nhiều băn khoăn xoay quanh các quy định về Văn phòng EPR.

Cụ thể, đại diện các hiệp hội và doanh nghiệp cho rằng, việc cho phép văn phòng EPR sử dụng các khoản đóng góp của doanh nghiệp để hỗ trợ cho hoạt động tái chế sản phẩm, bao bì vào các mục đích khác như mua sắm tài sản, truyền thông, giao dịch, đối ngoại, hội thảo… là trái với nguyên tắc, đi ngược lại và không thống nhất với các quy định của Luật Bảo vệ môi trường.

Đại diện Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

Các quy định về Văn phòng EPR theo Dự thảo cũng được cho là làm tăng biên chế, có quyền hạn rất lớn và không phù hợp với Nghị định 08/2022/NĐ-CP, nhưng chưa có quy định trách nhiệm, chưa có cơ cấu tổ chức rõ ràng. 

Theo đó, các Hiệp hội kiến nghị sửa lại Dự thảo cho đúng quy định của Luật Bảo vệ môi trường, Nghị định 08/2022/NĐ-CP nhằm đảm bảo tính hợp pháp, tính thống nhất của Dự thảo và không phát sinh biên chế. Không sử dụng tiền đóng góp của doanh nghiệp sai mục đích, cần quy định rõ ràng cơ cấu tổ chức, quyền hạn, trách nhiệm của Văn phòng EPR.

Bên cạnh đó, dự thảo chưa có quy định về Hội đồng EPR, khó thực hiện việc giám sát, sử dụng khoản đóng góp được minh bạch, đúng mục đích. Vì vậy, cần bổ sung quy định về quy chế tổ chức và hoạt động Hội đồng EPR quốc gia trong Dự thảo.

Các Hiệp hội cho rằng các khoản hỗ trợ theo Dự thảo đều theo cơ chế xin-cho, tập trung tại Bộ Tài nguyên Môi trường, rất khó khăn cho các tỉnh xa. Các tiêu chí xét duyệt hỗ trợ, mức hỗ trợ chưa được quy định rõ ràng, không có quy định thời hạn phải giải ngân khoản đóng góp của doanh nghiệp để tái chế sản phẩm, xử lý chất thải, nguồn kinh phí quản lý hành chính còn trái với Nghị định 08. 

Theo các Hiệp hội, cần quy định quy trình xin hỗ trợ và xét duyệt mức hỗ trợ làm online trên hệ thống dịch vụ công quốc gia, các địa phương không phải ra Hà Nội nộp hồ sơ giấy.

Các tiêu chí xét duyệt hỗ trợ, mức hỗ trợ cũng cần được định lượng cụ thể. Quy trách nhiệm cụ thể nếu không giải ngân được đúng hạn. Thậm chí là phải phân cấp ra để quản lý cho phù hợp, không nên tập trung vào một đơn vị thuộc Bộ Tài nguyên Môi trường…

Toàn cảnh buổi Hội thảo

Toàn cảnh buổi Hội thảo

 
 

Thông tin về những thắc mắc này tại Hội thảo, ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Tài nguyên Môi trường cho biết, trong bản dự thảo Thông tư này không đề cập đến chức năng và nhiệm vụ cụ thể của Hội đồng EPR. 

Bộ Tài nguyên Môi trường sẽ ban thành một văn bản riêng để thành lập và ban hành quy chế hoạt động cụ thể, vì việc này thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng. Hơn nữa, tiêu chí để lựa chọn thành viên Hội đồng EPR cũng sẽ được thống nhất.

Liên quan đến chi phí văn phòng EPR, ông Hùng cho hay, trong thông tư này cũng không quy định chi phí cụ thể, mà sẽ quy định chung là chi phí quản lý hành chính. Việc sẽ trích bao nhiêu phần trăm từ quỹ bảo vệ môi trường để phục vụ quản lý thì sẽ do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

“Có ý kiến lo ngại rằng, hội đồng này có bị quá tải khi có nhiều đơn xin giải ngân hay không?. Chúng tôi cũng đã tính tới chuyện này và dự kiến sẽ phân cấp cho Ủy ban nhân dân tại các địa phương, hoặc Ủy ban sẽ ủy quyền cho đơn vị nào đó để thực hiện”, ông Hùng nói và cho biết thêm, Bộ Tài nguyên Môi trường vẫn sẽ tiếp tục ghi nhận ý kiến đóng góp của các hiệp hội và doanh nghiệp để hoàn thiện hơn. Mục đích chung là để hỗ trợ các đơn vị tái chế, xử lý chất thải nhằm bảo vệ môi trường.

Bảo Ngọc (Theo Báo Đầu tư)

Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục