Bảo đảm an toàn thủy sản nuôi trong mùa mưa bão

Hiện nay, Bà Rịa-Vũng Tàu đang bước vào mùa mưa, thời tiết, nhiệt độ thay đổi thất thường liên tục, tạo điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh phát tán và lây lan, ảnh hưởng lớn đến sự sinh trưởng và phát triển của thủy sản.

Để bảo vệ diện tích nuôi trồng thủy sản, các hộ nuôi trên địa bàn tỉnh đã và đang chủ động triển khai nhiều giải pháp nhằm giảm nguy cơ rủi ro và tăng hiệu quả nuôi trồng.

Bảo đảm an toàn thủy sản nuôi trong mùa mưa bão
Anh Trần Quang Phú tại xã An Ngãi (Long Điền, Bà Rịa-Vũng Tàu) kiểm tra cá mú nuôi trong ao.

Bà Rịa-Vũng Tàu hiện có gần 6.300 ha diện tích nuôi trồng thủy sản; trong đó, chủ yếu là nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh và nuôi thủy sản lồng bè, tập trung ở các địa phương như: thành phố Vũng Tàu, thành phố Bà Rịa, thị xã Phú Mỹ, huyện Xuyên Mộc, huyện Đất Đỏ, Long Điền… Tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản 6 tháng đầu năm đạt gần 9.600 tấn, tăng 427 tấn so với cùng kỳ năm trước.

Là một trong những hộ nuôi tôm thâm canh với quy mô lớn của xã Lộc An, huyện Đất Đỏ, ngay từ khi bắt đầu vào mùa mưa bão, gia đình ông Lại Tấn Quang, ấp An Bình đã triển khai nhiều biện pháp nhằm bảo đảm an toàn cho diện tích nuôi của gia đình.

Ông Quang hiện đang nuôi 5 ao tôm thẻ chân trắng trên diện tích 3ha, với 500.000 con tôm giống. Theo ông Quang, vào mùa mưa này ông chỉ thả giống tôm thẻ chân trắng, bởi so với tôm sú thì tôm thẻ chân trắng dễ thích nghi với điều kiện thời tiết vào mùa mưa bão.

Tuy nhiên, theo ông Quang, tôm là loại thủy sản rất nhạy cảm với thời tiết. Vào mùa mưa, độ PH và độ mặn trong nước giảm khiến các loại vi khuẩn, nhất là các loại gây bệnh đốm trắng, chân đỏ phát triển mạnh, làm tăng nguy cơ tôm chết hàng loạt. Biên độ nhiệt trong ngày lớn cũng khiến sức ăn của tôm giảm.

Lượng oxy trong nước giảm sau cơn mưa cũng khiến tôm dễ mắc bệnh. Do đó, người nuôi phải chú ý theo dõi và bổ sung oxy hợp lý bằng quạt nước hoặc máy bơm, điều này cũng giúp tránh phân tầng nước trong ao nuôi. Sau những lần xuất hiện mưa, cần tiến hành kiểm tra môi trường nước và tình trạng của tôm để có biện pháp xử lý kịp thời.

Bên cạnh đó, ông Quang cũng lưu ý, mùa mưa người nuôi phải chú ý nhất là đáy ao. Trước khi nuôi đáy ao phải được vệ sinh thật kỹ, sau mỗi trận mưa thì phải rải vôi để khử trùng bờ, chống phèn trôi xuống ao.

Không chỉ người nuôi tôm, mà những hộ nuôi cá trong các ao đất tự nhiên cũng phải thận trọng hơn khi canh tác trong vụ mùa mưa, bởi những cơn mưa lớn, kéo dài làm cho các yếu tố thủy, lý, hóa môi tường ao nuôi thay đổi theo chiều hướng xấu, dễ dẫn đến dịch bệnh, từ đó gây ảnh hưởng đến hiệu quả nuôi thủy sản. Do đó, theo các hộ nuôi phòng bệnh là giải pháp hiệu quả để giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao hiệu quả nuôi thủy sản.

Anh Trần Quang Phú, nông dân xã An Ngãi, huyện Long Điền cho biết, để giảm thiểu thiệt hại trong mùa mưa bão, gia đình anh đã luôn phải chủ động kiểm tra, gia cố lại bờ ao, chuẩn bị sẵn sàng lưới quây để chống thất thoát cá khi có mưa lớn. Ngoài ra, anh Phú cũng chuẩn bị sẵn sàng máy bơm nước; máy khuấy tạo oxy… để sử dụng khi cần điều tiết nước, điều hòa ô xy trong nước cho cá sau mỗi lần thời tiết thay đổi, sau mưa.

Bên cạnh đó, để hạn chế thiệt hại, người nuôi cũng dành thời gian để tăng cường theo dõi sự thay đổi môi trường nước trong ao để điều chỉnh kịp thời bằng hóa chất, vôi bột, chế phẩm sinh học... bảo đảm môi trường và sinh trưởng của các đối tượng nuôi. Quan trọng nhất trong thời điểm mùa mưa là người nuôi phải để ý các dấu hiệu, tình trạng bất thường trên cá nuôi để điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp.

Còn với người nuôi lồng bè trên khu vực sông Chà Và, xã Long Sơn, thành phố Vũng Tàu, hiện đang là lúc giao mùa, mưa nắng thất thường, nhiệt độ, độ pH trong nước thay đổi đột ngột, khiến cá không kịp thích nghi và dễ mắc bệnh. Chính vì vậy, theo anh Nguyễn Công Biên, tiểu khu 3, xã Long Sơn, thành phố Vũng Tàu, để hạn chế nguy cơ gây bệnh cho cá, người nuôi cần thường xuyên vệ sinh lồng sạch sẽ, thông thoáng đồng thời giảm mật độ nuôi còn từ 70-80% so với mùa khô; thường xuyên thăm lồng và đo chỉ số độ pH, oxy, độ mặn của nước để xử lý kịp thời khi có bất thường.

Anh Biên chia sẻ thêm, những cơn mưa đầu mùa thường mang theo tất cả những chất bẩn, cặn trên bờ trôi thẳng xuống sông dễ làm cho cá nuôi lồng bè bỏ ăn, giảm ăn, cá ốm. Bên cạnh đó, trời mưa nước sẽ đứng không trôi nên lượng ô xy trong nước nuôi rất thấp, bà con nên lưu ý lượng ô xy trong nước, phải theo dõi cá thường xuyên.

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, mùa mưa năm nay diễn biến phức tạp, lượng mưa phân bổ không đều theo thời gian, xen kẽ những đợt mưa là những đợt nắng hạn cục bộ kéo dài từ 5-7 ngày, thời tiết nắng nóng, oi bức. Do đó, để chủ động bảo vệ thủy sản nuôi, giảm thiệt hại xuống mức thấp nhất do mưa bão gây ra, bên cạnh việc thường xuyên khuyến cáo các biện pháp bảo vệ thủy sản mùa mưa, ngành nông nghiệp tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu còn phối hợp thực hiện quan trắc và nhắn tin định kỳ 2 lần/tháng về các thông số trong nguồn nước của một số vùng nuôi trọng điểm của tỉnh cho các hộ nuôi để xử lý kịp thời khi có bất thường xảy ra.

Ngoài ra, ngành nông nghiệp tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng khuyến cáo, người nuôi thủy sản trong thời điểm mùa mưa cần theo dõi thường xuyên thời tiết và các thông tin dự báo hàng ngày để chủ động trong công tác sản xuất nuôi trồng thủy sản. Trong thời điểm chuyển mùa có thể xảy ra mưa bão và các hiện tượng thời tiết nguy hiểm giông tố, lốc xoáy và gió giật mạnh. Do đó, đối với các cơ sở cần tu sửa lồng bè, chằng chống dây cho chắc chắn, đảm bảo cho người làm việc trên bè và động vật thủy sản nuôi.

Chú thích ảnh
Anh Nguyễn Thành Thà, hộ nuôi cá biển lồng bè trên sông Chà Và, xã Long Sơn, thành phố Vũng Tàu vệ sinh lồng nuôi cá.

Các cơ sở cần thường xuyên theo dõi môi trường nước, kiểm tra hoạt động của động vật nuôi, quan sát để điều chỉnh lượng thức ăn vừa đủ, bổ sung các Vitamin, khoáng chất nhằm tăng cường sức đề kháng cho động vật nuôi thủy sản.

Bên cạnh đó, thực hiện các biện pháp cải thiện điều kiện môi trường tốt nhất cho động vật nuôi như: san thưa cá nuôi trong các lồng, tăng cường sục khí để nâng hàm lượng oxy hòa tan, thường xuyên vệ sinh, thay lưới lồng nuôi để bảo đảm lưu thông dòng chảy trong và ngoài lồng nuôi.

Trong quá trình nuôi, khi môi trường và động vật thủy sản nuôi có dấu hiệu bất thường, cơ sở nuôi cần báo ngay cho các cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương để có các biện pháp và phương án xử lý kịp thời, tránh để xảy ra các thiệt hại không đáng có. Đối với số cá yếu bị sốc do môi trường thay đổi đột ngột và bị chết (không tận dụng được), đề nghị các cơ sở cần thu gom, đưa vào bờ chôn lấp và xử lý theo qui định, không vứt cá chết trên sông, gây ảnh hưởng đến các hộ nuôi thủy sản trên sông làm ô nhiễm môi trường các vùng lân cận….

(Theo báo Tin tức)

Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục