Giá thức ăn chăn nuôi tăng cao kỷ lục do cung thiếu hụt

(vasep.com.vn) Theo đại diện của Skretting và Rabobank, do ảnh hưởng từ các yếu tố khí hậu và xung đột giữa Nga và Ukraine, giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng. May-Helen Holme, thuộc công ty thức ăn thủy sản khổng lồ Skretting thuộc sở hữu của Nutreco, cho biết giá cả ở mức cao nhất chưa từng thấy. Nhà phân tích hàng hóa cấp cao của Rabobank Hà Lan cho biết, giá thực phẩm trên tất cả các thị trường lớn đều đã vượt qua hoặc gần với kỷ lục trước đó.

Sự thiếu hụt hàng loạt nguồn cung các nguyên liệu thức ăn chăn nuôi thiết yếu (đặc biệt là lúa mì) là hậu quả của hiện tượng khí hậu “La Nina” và chiến tranh ở Ukraine. Tình trạng này được dự báo khó có thể giải quyết, sớm nhất có thể cũng phải đến năm sau. 

Giá cả khó có thể quay trở lại mức trước đại dịch trừ khi hiện tượng La Nina và xung đột Nga và Ukraine kết thúc. Tuy nhiên, thời tiết có thể sẽ không ủng hộ cho đến tận năm 2023 và cuộc chiến ở Ukraine có thể sẽ không kết thúc cho đến những năm sau.  

La Nina là hiện tượng lớp nước biển bề mặt lạnh dị thường, nhiệt độ nước biển lạnh bất thường tại Thái Bình Dương gần với đường xích đạo. Hiện tượng này thường xuất hiện và gây ra tình trạng khô đặc biệt ở Nam Mỹ và Mỹ (hai trong số các khu vực sản xuất nguyên liệu thức ăn chăn nuôi lớn nhất thế giới) gây ra sự bất lợi cho sự phát triển của ngũ cốc và hạt có dầu.  Cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu đang diễn ra cũng đang tác động nhiều lần đến ngành trong toàn bộ chuỗi cung ứng.

Giá cả tăng liên tục tác động đến ngành công nghiệp thực phẩm ở nhiều cấp độ khác nhau. Giá cả tác động đến những người trồng các loại cây trồng, giá nhiên liệu sử dụng để thu hoạch và chế biến nguyên liệu thô và các chi phí hậu cần. Mà tất cả những yếu tố này lại được sử dụng trong sản xuất thức ăn và ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất thủy sản. 

Chú thích ảnh

Giá thức ăn chăn nuôi nói chung tăng làm ảnh hưởng đến giá thức ăn thủy sản

Cuộc chiến  Ukraine đã ngăn cản quốc gia Đông Âu xuất khẩu cây trồng của mình qua Biển Đen. Thông thường, Ukraine bán 80% sản lượng ngũ cốc và hạt có dầu của mình qua Biển Đen. Tuy nhiên, hải quân Nga đang kiểm soát Biển Đen, vì vậy nên xuất khẩu qua Biển Đen đang gặp khó khăn. Xuất khẩu thay thế qua đường bộ đang tăng tuy nhiên xuất khẩu nói chung vẫn bị hạn chế rất nhiều. 

Ukraine chiếm khoảng 10% lúa mì toàn cầu, 20% lúa mạch và 60% nguồn cung dầu hướng dương. Đó là một khoản thâm hụt lớn. Điều đáng tiếc nữa là Nga và Ukraine là hai trong số các khu vực sản xuất thức ăn chăn nuôi phát triển nhanh nhất trước khi chiến tranh nổ ra. Về sản lượng, sản lượng của Nga đã tăng 50% kể từ năm 2011, trong khi Ukraine tăng 38% trong khi sản lượng từ phần còn lại của thế giới chỉ tăng khoảng 13%.

Đáng chú ý là xuất khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi và phân bón của Nga vẫn hoạt động rất tốt cho đến hiện tại trong năm nay. Tuy nhiên, có những câu hỏi dấy lên về việc nước này sẽ tiếp tục xuất khẩu bao nhiêu trong mùa cao điểm vào cuối năm dương lịch,  do Nga đã áp thuế xuất khẩu cao, và đồng rúp tiếp tục tăng giá. 

Liệu dự trữ toàn cầu có thể bù đắp những thiếu hụt?

Khi nhìn vào bức tranh thế giới, việc mất 10-12 triệu tấn lúa mì từ Ukraine dường như không phải là tác động quá lớn so với  lượng  dự trữ hơn 278 triệu tấn.

Dù Trung Quốc chiếm hơn 50% dự trữ lúa mì toàn cầu nhưng không bao giờ xuất khẩu một lượng lớn lúa mì vì các vấn đề an ninh. Ngoài Trung Quốc,  Ấn Độ cũng đang chiếm 10% dự trữ. Tuy nhiên gần đây Ấn Độ đã công bố lệnh cấm xuất khẩu, còn Australia không có khả năng tăng sản lượng thêm nữa.

Chú thích ảnh

Vì vậy, việc xuất khẩu của các “ông lớn” Nga, Mỹ, và EU đang được quan tâm, do những thị trường này đều có lượng tồn kho hạn chế. Mỹ vừa có một vụ lúa mì kém, một đợt nắng nóng liên tục cũng không giúp được gì. Khối lượng lúa mì được đánh giá thấp hơn so với thông thường.

Nhiều nhà sản xuất Mỹ đã chuyển sang trồng đậu tương, loại đậu tương năm nay có diện tích kỷ lục vì nó cần ít phân bón hơn để phát triển. Tuy nhiên đậu tương đang vô cùng đắt hàng do Brazil đang có vụ mùa thất bại, điều này lại tiếp tục gây áp lực lên nhu cầu của Mỹ. 

Nhu cầu toàn cầu đối với lúa mì và đậu nành cũng đã giảm, lượng thức ăn chăn nuôi được dự báo sẽ giảm lần đầu tiên trong 10 năm do tác động của khủng hoảng chi phí. 

Sẽ có một chút thay đổi trong thành phần thức ăn chăn nuôi trong mùa tới. Nhu cầu lúa mì được dự đoán sẽ giảm mạnh  khoảng 7 triệu tấn và nhu cầu đậu tương tăng một chút do giá không quá cao. 

Thùy Linh (Theo undercurrentnews) 

 

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin liên quan
Tin cùng chuyên mục