Nỗ lực thực hiện các giải pháp phát triển thủy sản

Thời gian qua, các ngành có liên quan của tỉnh, địa phương ven biển và cộng đồng ngư dân đã nỗ lực vượt qua khó khăn, thực hiện các giải pháp hoàn thành vượt mức kế hoạch khai thác và nuôi trồng thủy sản (NTTS) đã đề ra.

Chú thích ảnh

Vùng nuôi trồng thủy sản tập trung tại xã Hoằng Yến (Hoằng Hóa) được đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, tạo điều kiện cho các hộ dân phát triển nuôi tôm công nghiệp.

Năm 2021, xảy ra tình trạng ngao nuôi chết, tôm nuôi chết và cá nuôi lồng chết trên sông, trên biển xảy ra ở một số địa phương. Dịch COVID-19 làm tắc nghẽn, ảnh hưởng đến lưu thông hàng hóa, làm khan hiếm nguồn cung con giống, chi phí NTTS tăng, giá bán sản phẩm thương phẩm giảm, sản phẩm tiêu thụ chậm. Đối với khai thác biển, giá nhiên liệu, chi phí sản xuất tăng, giá tiêu thụ hải sản giảm 15 - 20%, lưu thông khó khăn, do đó không đủ bù chi phí nên nhiều tàu nằm bờ, hiệu quả khai thác chuyến biển không cao. Trước thực trạng trên, Chi cục Thủy sản đã phối hợp với các địa phương tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở, hộ NTTS những biện pháp nuôi trồng đúng quy trình, tiêu chuẩn; quản lý môi trường nước; phương pháp phòng và trị bệnh trên đối tượng cá và ngao nuôi. Định kỳ quan trắc môi trường ở các vùng nước cấp cho các vùng NTTS và căn cứ vào kết quả quan trắc từng đợt (2 đợt/tháng) thông tin kịp thời gửi đến UBND các huyện, thị xã, thành phố và UBND các xã có nuôi tôm nước lợ, nuôi ngao để chỉ đạo, điều hành sản xuất. Qua đó, giúp các cơ sở, người nuôi chủ động trong việc lấy nước, sử dụng nguồn nước trong quá trình sản xuất, góp phần hạn chế dịch bệnh xảy ra. Khuyến khích ngư dân khắc phục khó khăn, đầu tư trang thiết bị, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất, khai thác theo tổ đoàn kết trên biển đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động trên biển. Tổ chức hướng dẫn, sắp xếp tàu cá ra vào cảng thuận lợi và đảm bảo an toàn về tài sản, phòng chống cháy nổ cho tàu cá trong các khu vực neo đậu... Triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Nhằm tháo gỡ khó khăn cho ngư dân lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, ngày 17-7-2021, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 21/2021/NQ-HĐND về việc cơ chế, chính sách hỗ trợ mua thiết bị giám sát hành trình và phí thuê bao dịch vụ thiết bị cho chủ tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên trên địa bàn tỉnh. Theo đó, các ngành có liên quan của tỉnh đã triển khai lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đến tất cả các huyện, thị xã, thành phố ven biển và kích hoạt thiết bị giám sát hành trình được 1.119 tàu/1.127 tàu đạt 99,3% số tàu tham gia khai thác phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (tàu có chiều dài từ 15m trở lên). Thanh Hóa được các bộ, ngành Trung ương đánh giá là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về lắp đặt và kích hoạch thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá. Với sự nỗ lực của các ngành liên quan của tỉnh, địa phương và ngư dân, tổng sản lượng thủy sản năm 2021 đạt 197.500 tấn, đạt 101,5% so với kế hoạch; trong đó: sản lượng thủy sản khai thác ước đạt 133.500 tấn, đạt 102,7% kế hoạch; sản lượng thủy sản NTTS đạt 64.000 tấn, đạt 100% kế hoạch.

Dự báo trong năm 2022 sẽ gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, ảnh hưởng lớn đến việc làm, thu nhập của người dân, nhất là các hộ tham gia khai thác và NTTS. Ông Lê Xuân Thắng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, cho biết: Để nâng cao hiệu quả khai thác hải sản, đơn vị cùng với các đia phương ven biển tập trung củng cố và phát triển tổ chức sản xuất trên biển, sắp xếp cơ cấu nghề khai thác phù hợp; đẩy mạnh khai thác vùng khơi hiệu quả, ứng dụng khoa học công nghệ trong bảo quản sản phẩm. Tuyên truyền đến cộng đồng, ngư dân, chủ tàu cá bằng nhiều hình thức về Luật Thủy sản, các văn bản hướng dẫn thi hành luật, các biện pháp chống khai thác IUU; giảm thiểu, tiến tới chấm dứt các nghề khai thác có tính hủy diệt nguồn lợi thủy sản, chuyển đổi các nghề xâm hại đến nguồn lợi sang các nghề thân thiện với môi trường và nguồn lợi thủy sản. Phát triển NTTS theo hướng hiệu quả, bền vững; đa dạng hóa đối tượng và phương thức nuôi phù hợp với lợi thế so sánh của từng địa phương. Tập trung sản xuất các sản phẩm chủ lực của tỉnh theo hướng tập trung, quy mô lớn, như: Vùng nuôi ngao 1.000 ha; tôm sú 3.530 ha; nuôi tôm thẻ chân trắng 570 ha thâm canh ứng dụng công nghệ cao, bảo vệ môi trường sinh thái. Hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thủy sản, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường và các cơ sở, hộ NTTS thực hiện đúng các quy định. Triển khai kế hoạch quan trắc và cảnh báo môi trường trong NTTS. Ban quản lý các cảng cá thực hiện tốt các quy định của Luật Thủy sản 2017 và quy định về chống khai thác IUU. Đồng thời, phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố, các lực lượng chức năng, kiểm tra, kiểm soát các hoạt động khai thác, bảo vệ nguồn lợi, chống khai thác IUU, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

(Theo Báo Thanh Hóa)

Để biết thêm thông tin về sản xuất, xuất khẩu tôm Việt Nam, xu hướng nhập khẩu tôm của thế giới theo chuỗi các năm từ 2016-2021, tác động của dịch bệnh Covid-19 tới xuất khẩu tôm của Việt Nam, xin mời Quý độc giả tham khảo Báo cáo ngành hàng tôm, 2016-2021, dự báo tới năm 2025. 

Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục