Phấn đấu sản lượng thủy sản nuôi biển đạt 1,4 triệu tấn vào năm 2030

Trong kế hoạch nuôi biển năm 2022, tổng diện tích nuôi biển cả nước dự kiến đạt 90 nghìn ha (chưa bao gồm diện tích nuôi xen ghép) và 9,5 triệu m3 lồng nuôi. Mục tiêu tổng sản lượng nuôi biển năm nay đạt 790 nghìn tấn…

Nuôi biển nhiều dư địa để phát triển.

Nuôi biển nhiều dư địa để phát triển.

Ngày 11/5, tại tỉnh Ninh Thuận, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị “Bàn giải pháp phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển bền vững năm 2022”. 

Hạ tầng và công nghệ còn nhiều hạn chế 

Theo ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận, Ninh Thuận đang nổi lên là địa phương phát triển mạnh nuôi biển. Năm 2021 toàn tỉnh có 2.600 lồng nuôi tôm hùm với sản lượng 80 tấn. Các loại cá biển như cá  mú, cá bốp, cá chim được thả nuôi trên 1000 lồng, sản lượng 560 tấn, 730 ha tôm, sản lượng 5.800 tấn; 67 ha ốc hương, sản lượng hơn 1.500 tấn, hơn 400 bè nuôi hàu, sản lượng 1.200 tấn.

Năm 2022, tỉnh Ninh Thuận tiếp tục đẩy mạnh phát triển các mô hình nuôi biển với nhiều loài có giá trị cao như cá bốp, cá mú, cá chim, hàu, cua, ghẹ, ốc hương, tùm hùm, tôm thương phẩm nhằm khai thác và tận dụng tối đa lợi thế đường bờ biển cùng hệ thống đầm, vịnh, ao, đìa ven bờ tại các địa phương.

Theo số liệu của Tổng cục Thủy sản, năm 2021, diện tích nuôi biển của nước ta đạt khoảng 85 nghìn ha, 9 triệu m3 lồng bè và sản lượng thu hoạch khoảng 730 nghìn tấn.

Ông Nhữ Văn Cẩn, Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng Thủy sản, nhận định việc đầu tư về cơ sở hạ tầng phục vụ nuôi biển ở nước ta hiện nay còn nhiều hạn chế, thiếu đồng bộ. Vấn đề quản lý và sử dụng các công trình, các dự án đầu tư hiệu quả chưa cao, nhiều dự án sau khi xây dựng và đưa vào hoạt động nhưng chưa đạt được công suất thiết kế.

Hệ thống phao tiêu, biển báo giao thông phục vụ riêng cho ngành nuôi biển chưa đáp ứng được nhu cầu và các bến đỗ tàu thuyền phục vụ nuôi biển ở nước ta hầu hết chưa được quan tâm đầu tư. Đối với khu neo giữ lồng bè nuôi biển thì chủ yếu do người dân và doanh nghiệp tự đầu tư.

Đề cập vấn đề giống, ông Nhữ Văn Cẩn cho hay, hiện nay nước ta đã làm chủ công nghệ sản xuất nhiều loài cá biển nhưng chưa được chuyển giao rộng rãi cho các cơ sở sản xuất nên hiệu quả trong sản xuất giống chưa thực sự cao.

“Công nghệ giống phức tạp, đầu tư tốn kém nhưng lợi nhuận thấp và rủi ro lớn nên lĩnh vực sản xuất giống cá biển chưa thu hút được đầu tư từ các doanh nghiệp, ngư dân...”, ông Cẩn nói.

Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, cho hay hiện nay, công tác nghiên cứu, đầu tư để sản xuất giống, nhất là các giống nhuyễn thể đã làm rất tốt. Tuy nhiên việc tuân theo quy trình, kỹ thuật, hướng dẫn nuôi còn yếu. Bà con nông dân thay vì cứ nhân mật độ ra sản lượng mà quên khuyến cáo của các cơ quan chăn nuôi về môi trường, quy trình hướng dẫn kỹ thuật nuôi...

"Chúng tôi đã khuyến cáo rất rõ các khu vực nuôi ven bờ phải rà soát lại vì quá tải, môi trường ô nhiễm, tiềm tàng nguy cơ bà con bị mất trắng. Vì vậy, chiến lược của chúng tôi là rà soát lại và giao mặt nước theo Luật Thủy sản để cấp mã số cho bà con. Chúng tôi mong muốn mở rộng trang trại nuôi biển xa bờ, có những tập đoàn lớn, doanh nghiệp lớn đầu tư, khai thác như các nước đang làm", ông Luân nhấn mạnh.

Hoàn thiện chính sách thúc đẩy nuôi biển 

Bà Nguyễn Thị Hải Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn nhựa Super Trường Phát, cho biết thời gian qua, doanh nghiệp đã nghiên cứu vật liệu nuôi biển HDPE và composite công nghệ cao trong nuôi trồng thủy sản và nuôi biển tại nhiều địa phương trên cả nước, mang lại hiệu quả cao. Vật liệu này sẽ thay thế cho tre, gỗ truyền thống trong nuôi biển với độ bền lên đến 50 năm.

“Để hỗ trợ người nuôi biển tiếp cận với công nghệ mới tập đoàn đang có những giải pháp về tài chính như thực hiện việc hỗ trợ trả góp cho bà con nông dân, ban dầu người dân chỉ phải chi trả 30% giá trị sau đó trả dần trong 3 vụ đầu thu hoạch, thời gian mỗi vụ 8 tháng, đồng thời liên kết với ngân hàng cho người dân vay đóng lồng bè bằng vật liệu mới”, bà Nguyễn Thị Hải Bình chia sẻ.

"Nước ta có nhiều vùng vịnh kín, bãi triều ven biển và một phần ở các hải đảo, vùng biển xa bờ phù hợp để phát triển nuôi biển. Tổng diện tích tiềm năng nuôi biển cả nước hiện khoảng 500 nghìn ha, trong đó diện tích nuôi vùng bãi triều ven biển là trên 150 nghìn ha, diện tích nuôi vùng vịnh, eo ngách và ven đảo trên 79 nghìn ha và nuôi xa bờ khoảng 100 nghìn ha".

Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản.

Theo Tổng cục Thủy sản, mục tiêu nuôi biển đề ra đến năm 2025, dự kiến nâng quy mô diện tích nuôi biển lên 280 nghìn ha với thể tích lồng nuôi đạt 10 triệu m3, tổng sản lượng nuôi biển ước đạt 850 nghìn tấn….

Đến năm 2030, diện tích nuôi biển đạt 300 nghìn ha, 12 triệu m3 lồng nuôi, sản lượng nuôi biển đạt 1,4 triệu tấn.

Tầm nhìn đến 2045, ngành công nghiệp nuôi biển của nước ta đạt trình độ tiên tiến với phương thức quản lý hiện đại. Công nghiệp nuôi biển trở thành bộ phận quan trọng trong ngành thủy sản, có đóng góp trên 25% tổng sản lượng và giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt trên 4 tỷ USD.

Chủ trì hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết thời gian qua, Chính phủ và các địa phương đã ban hành nhiều chính sách nhằm thúc đẩy sự phát triển nuôi biển, qua đó ngành nuôi biển công nghiệp nước ta bước đầu được hình thành, hạ tầng vùng sản xuất giống, hạ tầng phụ trợ, khu vực tập trung sản xuất giống, thức ăn, thiết bị phục vụ khu nuôi, công nghiệp chế biến, phát triển phát triển thị trường tiêu thụ.

Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1664/QĐ-TTg ngày 4/10/2021 Phê duyệt Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo đó, chủ trương phát triển ngành thuỷ sản chuyển từ nuôi trồng, khai thác hải sản theo phương thức truyền thống sang công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến trong nuôi trồng, bảo quản, chế biến hải sản, tạo ra các sản phẩm chủ lực, có chất lượng, giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến yêu cầu Tổng cục Thủy sản khẩn trương hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ Nghị định về một số chính sách phát triển thuỷ sản, trong đó có những chính sách phát triển nuôi biển. Cùng với đó là tổ chức rà soát, đánh giá thực trạng và nhu cầu hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển nuôi biển làm cơ sở đầu tư sản xuất.

Tổng cục Thủy sản cũng được giao xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan trong lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản trên biển như giống, thức ăn, môi trường, nuôi thương phẩm, lồng nuôi, vùng nuôi…

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng đề nghị các cơ quan liên quan, các sở, ngành, địa phương tổ chức xây dựng các tiêu chuẩn, nghiên cứu và đưa vào thực tiễn các nhiệm vụ khoa học, ứng dụng công nghệ cao để phát triển nuôi biển công nghiệp.

"Cần tập trung xây dựng và triển khai các nhiệm vụ về phòng chống dịch bệnh trên các đối tượng nuôi biển. Cùng với đó là đẩy mạnh nghiên cứu, dự báo thị trường, phát triển thị trường cho các sản phẩm nuôi biển", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, đồng thời đề nghị các hội, hiệp hội quan tâm và phát huy vai trò trong hội tụ, kết nối các doanh nghiệp, người nuôi và các nhà khoa học để phát huy lợi thế tự nhiên, đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của ngành thủy sản nói chung và phát triển nuôi biển nói riêng.

Bảo Ngọc (Theo VnEconomy)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục