Vì sao nông sản Việt thụ động và phụ thuộc thị trường Trung Quốc?

Hơn 30 năm xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc nhưng các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa nắm được hệ thống phân phối tại thị trường này, nên hàng hóa bị động và phụ thuộc nhiều vào các doanh nghiệp đầu mối ở Trung Quốc.

Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu nông, thủy sản sang thị trường Trung Quốc, ngày 11/11/2021, Bộ Ngoại giao và Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (NN-PTNT) phối hợp tổ chức “Tọa đàm thúc đẩy xuất khẩu nông, thủy sản sang Trung Quốc”.

THỊ TRƯỜNG LỚN, ĐẦY TIỀM NĂNG, SẴN LỢI THẾ NHƯNG CÒN THỤ ĐỘNG...

Ông Phạm Sao Mai, Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc cho biết, với ưu thế về địa lý nên vận chuyển hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc thuận lợi hơn các nước; và trong 10 đến 15 năm tới Trung Quốc vẫn là thị trường lớn rất tiềm năng của nông sản Việt Nam.

“Mặc dù trong 30 năm nay chúng ta đã xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc, nhưng cho đến nay doanh nghiệp vẫn chưa nắm được hệ thống phân phối tại thị trường này, khiến hàng hóa Việt Nam bị động và phụ thuộc vào các doanh nghiệp đầu mối ở Trung Quốc. Để có thể kinh doanh thuận lợi tại thị trường Trung Quốc, doanh nghiệp cần nắm được hệ thống phân phối nông sản tại đây”, ông Sao Mai nhấn mạnh.

Theo ông Nông Đức Lai, Tham thán thương mại tại Trung Quốc, xuất khẩu nông, thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc phải đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm (ATTP), truy xuất nguồn gốc, bao bì đóng gói phải theo quy định và gần đây nhất là theo Lệnh 248 và 249 của phía Trung Quốc.

Ngoài ra, nông sản của Việt Nam còn chịu sự cạnh tranh gay gắt từ các nước có sản phẩm xuất khẩu cùng loại như Thái Lan và ngay cả sản phẩm cùng loại do chính Trung Quốc sản xuất.

Do dịch bệnh COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp nên Trung Quốc tăng cường kiểm tra, kiểm soát hàng hóa và phương tiện nhập cảnh, thực hiện lấy mẫu kiểm tra hàng hóa nhập khẩu được vận chuyển bằng container lạnh và cả container thông thường qua biên giới, dẫn đến kéo dài thời gian thông quan gây ùn tắc tại cửa khẩu nhập khẩu dẫn đến phát sinh chi phí cho doanh nghiệp.

Trong bối cảnh đó, để góp phần tháo gỡ khó khăn và khai thác hiệu quả tiềm năng thị trường Trung Quốc ổn định bền vững, Tham tán Việt Nam tại Trung Quốc sẽ phối hợp với các bộ, ngành trao đổi đàm phán với các cơ quan hải quan Trung Quốc mở cửa hơn nữa đối với nông, thủy sản Việt Nam.

Trước mắt là đẩy nhanh tiến độ xem xét mở cửa thị trường đối với mặt hàng sầu riêng, khoai lang đồng thời thúc đẩy hải quan Trung Quốc xem xét hoàn thiện hồ sơ đăng ký của doanh nghiệp sản xuất, chế biến và đóng gói thủy sản Việt Nam. Phối hợp với các bộ, ngành trong nước trao đổi với hải quan Trung Quốc về việc ký kết các Nghị định thư đối với sản phẩm nông, thủy sản tạo thuận lợi trong xuất khẩu nông, thủy sản sang thị trường Trung Quốc.

Ông Đinh Cao Khuê, Phó chủ tịch hiệp hội rau quả Việt Nam (Vinafruit), Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao cho biết, kim ngạch xuất khẩu rau quả từ ngày 1/1 - 15/10, đạt 2,86 tỷ USD. Trong 9 tháng đầu năm xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 1,526 tỷ USD, chiếm 53,24%, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước.

KIẾN NGHỊ ĐÀM PHÁN KÝ CÁC NGHỊ ĐỊNH THƯ ĐỐI VỚI SẢN PHẨM NÔNG, THỦY SẢN

Do ảnh hưởng dịch COVID-19 chi phí vận chuyển hàng hóa đi các nước tăng rất cao, như đi châu Âu tăng gấp 10 lần, sang Mỹ tăng gấp 13 lần, nhưng với thị trường Trung Quốc nhờ thuận lợi về mặt địa lý nên chi phí vận chuyển sang đây chỉ tăng khoảng 0,3 lần.

“Hiện nay xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc có hai dạng tươi và chế biến. Đối với xuất khẩu rau quả chế biến có thuận lợi nhờ giá bán hợp lý, các đối tác ở Trung Quốc thanh toán rất tốt mà chi phí vận chuyển lại không cao, một thuận lợi nữa là bạn hàng ở đây đã quen với sản phẩm của Việt Nam. Do vậy, chúng ta có thể đẩy mạnh xuất khẩu rau quả sang thị trường này.

Tuy nhiên, muốn xuất khẩu hàng hóa vào Trung Quốc với khối lượng lớn kể cả quả tươi thì doanh nghiệp phải chú trọng ngay từ khâu trồng trọt và quản lý tốt vùng trồng, truy xuất nguồn gốc, đóng gói… Nếu làm được tôi nghĩ kim ngạch xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc sẽ tăng và dù muốn hay không muốn”, ông Đinh Cao Khuê khẳng định.

Theo Phó chủ tịch Vinafruit, thị trường Trung Quốc vẫn chiếm vị trí số 1 đối với ngành rau quả và đang chiếm gần 55% thị phần, các doanh nghiệp cần phải đặt mục tiêu nâng lên 70 đến 80% thị phần.

Để tạo thuận lợi cho xuất khẩu rau quả, Vinafruit kiến nghị Chính phủ đàm phán với Trung Quốc về Nghị định thư cho các loại trái cây xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, vì hiện nay chỉ có một loại được xuất chính ngạch còn lại 9 loại khác vẫn phải chịu hậu kiểm.

"HÃY BÁN GIÁ TRỊ CHỨ ĐỪNG BÁN GIÁ CẢ"

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh, điểm nghẽn lớn nhất của ngành nông nghiệp là “nông dân tư duy mùa vụ, doanh nghiệp tư duy thương vụ, chính quyền địa phương thì tư duy nhiệm kỳ”.

Doanh nghiệp xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc mà chưa chuẩn bị tâm thế để tìm hiểu thị trường này cũng như về nhu cầu, xu hướng và đặc tính tiêu dùng của thị trường thì rất khó thành công.

Để xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc thành công ngoài tìm hiểu thị trường, doanh nghiệp còn phải tìm hiểu đối thủ Thái Lan, Campuchia xuất khẩu vào thị trường đó như thế nào, chiến lược ra sao, nhưng hiện nay doanh nghiệp Việt vẫn còn mù mờ về thị trường Trung Quốc lẫn đối thủ.

Ông Hoan ví von: “Đốn một cây to chúng ta mất 6 giờ thì cần phải dành 4 giờ để mài rìu. Thị trường càng lớn thì càng rủi ro càng nhiều vì có sự cạnh tranh của doanh nghiệp đến từ các nước, nên thời gian chuẩn bị tìm hiểu thị trường là rất quan trọng.

Làm kinh doanh cần phải tối ưu hóa bài toán kinh doanh và để kinh doanh thành công, doanh nghiệp hãy đóng vai người mua để hiểu được tâm lý người mua sau đó sẽ làm người bán thành công”.

Doanh nghiệp là phải nhạy bén với thị trường và cùng với các thương vụ nước ngoài cung cấp thông tin kịp thời cho nông dân, vì doanh nghiệp là người dẫn dắt bà con sản xuất theo yêu cầu thị trường, còn chính quyền địa phương sẽ giúp doanh nghiệp quy hoạch xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ thị trường.

“Hãy trân quý từng sản phẩm, đừng để xuất khẩu đi rồi bị trả về, muốn vậy chúng ta cần đưa ra thông điệp lớn hơn, khát vọng hơn, nâng cao hình ảnh sản phẩm với khẩu hiệu “Cùng nhau nâng niu nông sản Việt, lan tỏa giá trị Việt”, lúc đó chúng ta không bán hàng mà bán giá trị nông sản", Bộ trưởng Hoan nói.

Ông cũng khuyến nghị doanh nghiệp hãy bán giá trị chứ đừng bán giá cả, bán giá trị giá mới cao vì giá trị thặng dư nằm ở giá trị.

Hiện nay nông sản Việt chỉ mới bán qua cửa khẩu biên giới Trung Quốc, trong khi nông sản Thái Lan đã thâm nhập sâu vào nội địa. Việt Nam cần phải giải quyết vấn đề này.

“Tôi đề nghị Đại sứ và các Tham thán giúp cung cấp thông tin về thị trường Trung Quốc và các nước bán nông sản tương đồng như Việt Nam, sau đó 3 Bộ: NN-PTNT, Công Thương và Ngoại giao cùng phân tích những mặt mạnh, yếu của nông sản Việt Nam để tìm cách khắc phục”, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT nhấn mạnh.

(Theo nhipsongdoanhnghiep)

Mời Quý DN thủy sản tham gia khảo sát về khả năng tiếp cận các gói hỗ trợ do ảnh hưởng dịch Covid - 19

Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục