Malaysia - thị trường cá minh thái Alaska mới triển vọng

(vasep.com.vn) Một nghiên cứu mới của McKinley Research Group kết luận, nếu Malaysia, Tây Ban Nha, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ là những thị trường thuận lợi nhất, thì Ukraine và Nga là những nơi bất lợi nhất để Hiệp hội các nhà sản xuất cá minh thái Alaska của Hoa Kỳ (GAPP) quảng bá sản phẩm của mình.

Malaysia, quốc gia với khoảng 32 triệu dân, gần đứng đầu danh sách trong chương trình quảng bá cá minh thái.

Malaysia được xếp hạng cao về cơ sở hạ tầng cảng và kết nối vận tải biển, là trung tâm vận chuyển quan trọng của Đông Nam Á. Malaysia có hệ thống vận tải lạnh và kho lạnh tuyệt vời. Sản xuất thực phẩm của quốc gia này bị kìm hãm do thiếu nguyên liệu thô.

Nhưng nguồn lao động nhập cư nơi đây rất dồi dào, với 4 triệu lao động nước ngoài. Chính phủ Malaysia lên kế hoạch dịch chuyển nền kinh tế của họ ra khỏi hoạt động xuất khẩu, hướng tới tiền lương và tiêu dùng. Về văn hóa, mọi người đều ở Malaysia có thể tiêu dùng cá - người theo đạo Hồi, đạo Hindu, đạo Thiên chúa và đạo Phật. Nhưng việc tiếp cận thị trường sẽ yêu cầu chứng nhận Halal đối với thủy sản đông lạnh và chế biến.

Đo lường theo thu nhập, dân số, mức tiêu thụ thủy sản và các yếu tố khác, các quốc gia Pháp, Đức, Nhật Bản, Ba Lan, Hàn Quốc và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất là những nơi "thuận lợi" tiếp theo để đầu tư vào kinh doanh cá minh thái, với tiềm năng dẫn đầu các thị trường quan trọng.

Do cuộc xung đột Nga - Ukraine, không có gì bất ngờ khi Ukraine và Nga, cùng với Ấn Độ và Nam Phi là những thị trường "kém thuận lợi nhất" để bán cá minh thái hoặc thu về các khoản đầu tư.

Ngay cả khi mối quan hệ thương mại được cải thiện, Nga vẫn có dân số giảm, tầng lớp trung lưu nhỏ, lượng tiêu thụ cá thấp và nguồn thủy sản quốc gia dồi dào.

Ukraine có "môi trường chính trị không ổn định, tầng lớp trung lưu/thượng lưu rất nhỏ, thu nhập khả dụng thấp, tiêu thụ thủy sản thấp", trong khi Ấn Độ “chưa sẵn sàng trở thành thị trường chủ chốt vì mức thu nhập rất thấp và các thách thức pháp lý."

Ông Craig Morris, Giám đốc điều hành của GAPP cho biết: Báo cáo cung cấp cho GAPP một bản đồ các địa điểm cần đến để quảng bá sản phẩm của mình trong 18 năm tới, đồng thời cũng cho các nhà sản xuất cá minh thái Alaska biết những nơi họ có thể tới để nhận vốn đầu tư.

Dù sức mua nguyên liệu của Malaysia chỉ bằng một phần nhỏ so với các nước khác và thấp hơn ở hầu hết các ngành khác, nhưng nước này có mức tiêu thụ thủy sản bình quân đầu người cao nhất trong số các nước nghiên cứu, đạt 55 kg/người. Dự báo dân số quốc gia này sẽ tăng 19,7%, đạt 39 triệu người vào năm 2040; với 37% dân số tiêu thụ thủy sản mỗi ngày.

Người Malaysia ăn nhiều món khác nhau và thích thử nghiệm những cách ăn mới. Cá thịt trắng được nấu ở nhà với đầu và xương, rán hoặc nấu với sốt, được bày ở trung tâm bàn ăn. Vào dịp Tết Nguyên đán, cá được phục vụ với phần đầu và phần đuôi, biểu thị cho sự bắt đầu và kết thúc với một năm. Trứng cá chủ yếu được phục vụ ở các nhà hàng Nhật Bản, mặt hàng này ít được ăn tại nhà.

Báo cáo phân tích những ưu và nhược điểm về thủy sản của các quốc gia, đánh giá các yếu tố như dữ liệu giao thông vận tải, thái độ, văn hóa đối với cá minh thái, cơ hội việc làm cho hoạt động sản xuất mặt hàng này - và cả những cách mà các quốc gia này thích tiêu thụ cá minh thái.

GAPP đã hoạt động trong một thời gian dài để mở rộng phạm vi tiếp cận của cá minh thái trên toàn thế giới.

GAPP vào đầu tháng này cũng đã công bố sẽ chi 1,5 triệu USD cho nỗ lực marketing quốc gia bền vững đầu tiên của mình tại Hoa Kỳ, làm nổi bật giá trị dinh dưỡng của cá và tính bền vững với môi trường.

Phương Linh (Theo Undercurrent News)

 

Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục