Mỹ: Doanh số bán thủy sản bị ảnh hưởng do người dân tiết kiệm chi tiêu

(vasep.com.vn) Lạm phát cao tiếp tục tác động đến doanh số bán thủy sản tươi sống tại các cửa hàng tạp hóa ở Mỹ, tuy nhiên doanh số bán thủy sản đóng hộp và đóng túi có xu hướng tăng do người dân cắt giảm chi tiêu.

Mỹ Doanh số bán thủy sản bị ảnh hưởng do người dân tiết kiệm chi tiêu

Lạm phát đối với thủy sản tươi sống đã giảm nhẹ trong tháng 6 so với hai tháng trước, nhưng vẫn tăng trung bình 10,9%/đơn vị trong tháng.

Theo dữ liệu từ IRI và 210 Analytics, doanh số bán thủy sản đông lạnh cũng bị ảnh hưởng tiêu cực bởi lạm phát gia tăng trong tháng 6, nhưng không giảm nhiều bằng doanh số bán hải sản tươi sống.

Giá cá trung bình đã tăng trên 10 USD (9,92 EUR)/đơn vị, tăng 21,3% so với tháng 6/2021. Doanh số bán thủy sản tươi sống giảm 13,3% xuống 502 triệu USD (498 triệu EUR) trong tháng 6, giảm sâu hơn so với tốc độ giảm 11,7% trong toàn bộ quý thứ hai.

Trong Q2/2022, giá thủy sản tươi sống nói chung tăng 12,2% lên trung bình 9,47 USD (9,40 EUR)/đơn vị. Giá cá rô phi trung bình tăng 40,2% trong quý, trong khi giá cá da trơn tăng 22,7%, giá cá ngừ tăng 22,1%, giá sò điệp tăng 18,5%, giá cá tuyết cod tăng 18,4% và giá cá hồi tăng 17,6%.

Lạm phát cũng đang tác động đến doanh số bán hàng thủy sản đông lạnh, mặc dù doanh số bán hàng thủy sản đông lạnh đạt 520 triệu USD (516 triệu EUR) trong tháng 6, cao hơn doanh số bán lẻ tươi sống.

Dù thủy sản đông lạnh vẫn là mặt hàng bán chạy nhất trong lĩnh vực protein động vật, nhưng giá trị bán hàng nhóm sản phẩm này giảm 7,4%, trong khi tất cả các sản phẩm đông lạnh khác đều tăng.

Tuy nhiên, những nỗ lực cắt giảm chi phí của người Mỹ để đối phó với lạm phát đang có tác động tích cực đến doanh số bán thủy sản có thời hạn bảo quản dài, với tổng doanh số nhóm sản phẩm này đạt 209 triệu USD (207 triệu EUR) vào tháng 6/2022. Nhóm hàng này có mức lạm phát thấp nhất vào tháng 6 ở mức 8,8% và chi phí trung bình trên mỗi đơn vị là 2,08 USD (2,06 EUR). Điều này dẫn đến doanh số bán hàng tăng 9% trong Q2/2022 và tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước trong tháng 6.

Doanh số bán thủy sản có thời hạn bảo quản dài thường đạt cao trong thời kỳ lạm phát và bất ổn. Tháng 6 đánh dấu tháng thứ năm liên tiếp, giá trị sản phẩm này đạt tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm trước.

Lạm phát tăng nhanh đối với các loại hàng hoá phần lớn là nguyên nhân dẫn đến sự thay đổi trong quyết định mua hàng của người tiêu dùng.

Tỷ lệ lạm phát vẫn đang tăng nhanh đối với hầu hết các mặt hàng, bao gồm cả thủy sản, tăng khoảng một nửa đến một phần trăm mỗi tháng. Áp lực thu nhập đang ảnh hưởng đến doanh số bán hàng thủy sản.

Theo khảo sát vào tháng 6 của IRI, 93% người Mỹ lo ngại về lạm phát và 81% đang áp dụng các biện pháp tiết kiệm tiền. Ngoài ra, 96% người tiêu dùng nói rằng họ đang trả một phần hoặc nhiều hơn cho các mặt hàng tạp hóa so với năm ngoái.

Thủy sản không được coi là mặt hàng tiết kiệm chi phí. Trên thực tế, nhiều người Mỹ xem nó giống như một bữa ăn cao cấp. Với tất cả các mặt hàng tạp hoá, người mua sắm đang quay lại với “các hình thức tiết kiệm quen thuộc”.

Theo khảo sát người mua hàng tháng 6 của IRI, 81% người mua hàng tạp hóa đã thay đổi sản phẩm và nơi họ mua vào tháng 6 – ghi nhận mức tăng so với con số 50% vào mùa thu năm 2021.

Các thay đổi bao gồm tìm kiếm các sản phẩm bán hàng đặc biệt (54%), bỏ qua các mặt hàng không cần thiết (45%), tìm phiếu giảm giá (33%) và mua các nhãn hiệu tư nhân hoặc giá rẻ khác (29%).

Các sản phẩm bán hàng đặc biệt, mặc dù phổ biến, vẫn còn thấp hơn nhiều so với mức trước đại dịch và người tiêu dùng đang ngày càng chú ý đến. Gần 60% nói rằng ít mặt hàng họ muốn được giảm giá hơn và 43% nói rằng các mặt hàng không được giảm giá nhiều như trước đây.

Ngoài ra, 51% người mua sắm đang dự trữ một số mặt hàng nhiều hơn bình thường - 18% vì lo sợ rằng chúng sẽ không có sẵn vào lần tới và 26% vì lo ngại rằng giá có thể tăng cao nữa.

Mỹ Hạnh (Theo seafoodsource)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục