Mỹ thông báo cấm nhập khẩu thủy sản và loại bỏ quy chế Tối huệ quốc với Nga

(vasep.com.vn) Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo hôm 11/3 rằng ông sẽ kí sắc lệnh cấm nhập khẩu hải sản của Nga và xóa bỏ đãi ngộ Tối huệ quốc (MFN) đối với Nga.
Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo vào ngày thứ sáu (11/3) vừa qua rằng ông sẽ kí sắc lệnh cấm nhập khẩu hải sản của Nga và xóa bỏ đãi ngộ Tối huệ quốc (MFN) đối với Nga.
Tổng thống Mỹ hôm 11/3 thông báo sẽ kí sắc lệnh cấm nhập khẩu thủy sản của Nga và xóa bỏ đãi ngộ Tối huệ quốc (MFN) đối với Nga. 

Tin tức về lệnh cấm được đưa ra bất ngờ trong cuộc họp báo khẩn vào sáng 11/3. Một số kênh thông tin trước đó đã đưa tin ông Biden sẽ thông báo một kế hoạch đã được nhóm G7 và Liên minh châu  u chấp thuận, bao gồm đơn phương bãi bỏ tư cách là nước được nhận Tối huệ quốc của Nga do cuộc tấn công của Nga vào Ukraina. Các thành viên của G7 bao gồm Mỹ, Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản và Anh. 

Nga là nước xuất khẩu thủy sản lớn thứ 8 sang Mỹ trong năm 2021 với 48.867 tấn, trị giá 1,2 tỷ USD, tăng 12% về khối lượng và 34% về giá trị so với năm 2020, theo Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA). Đứng trên Nga là Canada, Ấn Độ, Chile, Indonesia, Việt Nam, Trung Quốc và Ecuador. 

Xuất khẩu thủy sản của Nga sang Mỹ năm 2021 gồm 80 mặt hàng, chủ yếu là cua tuyết đông lạnh với 18.199 tấn, trị giá 509,2 triệu USD, và cua huỳnh đế đông lạnh với 8.486 tấn, trị giá 419,7 triệu USD.

Trong thông cáo sau buổi họp báo, Nhà Trắng tuyên bố họ sẽ đưa ra ít nhất 7 lệnh trừng phạt đối với Nga. Trong đó có lệnh cấm nhập khẩu một số mặt hàng của Nga vào Mỹ như thủy sản, rượu mạnh, và kim cương. Điều này sẽ khiến Nga mất đi 1 tỷ USD doanh thu xuất khẩu. Mỹ vẫn có quyền áp thêm các lệnh cấm nhập khẩu đối với Nga khi cần. 

Các thượng nghị sĩ Dan Sullivan và Lisa Murkowski, thuộc Đảng Cộng hòa bang Alaska, trước đó đã đề xuất dự luật về việc cấm nhập khẩu tất cả thủy sản từ Nga vào Mỹ cho tới khi Nga bãi bỏ lệnh trừng phạt kéo dài 8 năm đối với thủy sản của Mỹ. Đạo luật đối ứng thủy sản liên bang Hoa Kỳ - Nga (S.3614) tương đương với dự luật HR 6821 tại Hạ viện được đề xuất bởi nghị sĩ Don Young thuộc Đảng Cộng hòa, tuy nhiên cả hai dự luật này đều chưa được tiến hành trong bối cảnh đang diễn ra các cuộc thảo luận về các lệnh trừng phạt.

Sau cuộc đàm phán với lãnh đạo các nước G7, ông Biden cho biết sắc lệnh của ông cũng hướng đến mục tiêu: loại bỏ quyền lợi của Nga khi đi vay tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB); mở rộng danh sách các lệnh trừng phạt các tầng lớp cao cấp tại Nga và gia đình của họ; cấm xuất khẩu hàng hóa xa xỉ sang Nga, bao gồm các mặt hàng xa xỉ như đồng hồ, xe, phục trang, đồ uống có cồn, trang sức xa xỉ và các mặt hàng khác thường xuyên được mua bởi các tầng lớp cao cấp của Nga.

Mặc dù việc bãi bỏ quy chế Tối huệ quốc đối với Nga dường như không nghiêm trọng bằng lệnh cấm nhập khẩu thủy sản, việc này có thể có những tác động dài hạn. 

Mỹ đối xử với hầu hết các đối tác thương mại của mình theo nguyên tắc Tối huệ quốc,  hay còn gọi là duy trì Quan hệ Thương mại Bình thường Vĩnh viễn (PNTR). Các thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đều có được áp dụng nguyên tắc đó, mặc dù có một số quốc gia được nhận đãi ngộ đặc biệt do là nước đang phát triển. Chỉ có hai quốc gia không có quan hệ PNTR với Mỹ ở thời điểm hiện tại, bao gồm Cuba và Triều Tiên. 

Tại Mỹ, việc xóa bỏ PNTR đối với Nga cần có đạo luật thông qua bởi Quốc hội, tuy nhiên các nhà làm luật tại Thượng viện và Hạ viện đều có tín hiệu ủng hộ. 

Thông cáo của Nhà trắng cho rằng Tổng thống sẽ ký dự luật bãi bỏ Tối huệ quốc đối với Nga thành luật chính thức. 

Ngành cá minh thái của Mỹ từ lâu đã phàn nàn rằng trong khi Nga cấm nhập khẩu các mặt hàng của họ, thì cá minh thái của Nga vẫn được nhập khẩu vào Mỹ mà không bị áp thuế. 

Theo số liệu của NOAA, Mỹ chỉ nhập khẩu 615 tấn cá minh thái từ Nga, trị giá 2 triệu USD năm 2021, số liệu này không tính đến lượng cá minh thái của Nga được nhập khẩu từ Trung Quốc. Cá thường được bỏ đầu, ruột và cấp đông ở Nga trước khi được chuyển đến Trung Quốc để chế biến thành cá phi-lê, surimi hoặc các sản phẩm khác, và cuối cùng được chuyển tới Mỹ với tư cách là hàng của Trung Quốc. 

Mặc dù Trung Quốc không có ngành công nghiệp cá minh thái độc lập, Trung Quốc đã xuất khẩu sang Mỹ 25.544 tấn cá minh thái, trị giá 74,9 triệu USD năm 2021. Tổng cộng, Mỹ nhập khẩu 31,890 tấn cá minh thái, trị giá 96,6 triệu đô năm 2020. 

Cá minh thái nhập khẩu từ Trung Quốc cũng được miễn thuế nhờ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung.

Minh Trang.

Chia sẻ:


Email: tannd@vasep.com.vn
Điện thoại

Bình luận bài viết

Tin liên quan
Tin cùng chuyên mục