Thị trường bột cá không ổn định vì Peru cấm khai thác cá cơm

(vasep.com.vn) Ngành bột cá đang lo ngại khi Peru áp dụng lệnh cấm khai thác cá cơm vô thời hạn dọc theo các khu vực khai thác ở phía Bắc Trung Bộ của quốc gia này, trong khi lượng tồn kho bột cá ở Trung Quốc có xu hướng giảm.

Giá chào bán bột cá Peru, nhà sản xuất bột cá lớn nhất thế giới khá thất thường do các nhà cung cấp lo ngại lệnh cấm sẽ kết thúc sớm vụ khai thác thứ 2 của Peru.

Ngày 30/12/2019, Viện nghiên cứu hàng hải Peru (IMARPE) thông báo Cơ quan này sẽ gia hạn lệnh cấm khai thác cá cơm đã được thực hiện từ ngày 20/12/2019 một cách vô thời hạn. Lệnh cấm sẽ bảo vệ nguồn lợi cá cơm non, sinh khối sinh sản và duy trì tính bền vững của nguồn lợi khu vực Bắc Trung Bộ của Peru.

Lệnh cấm được đưa ra khi IMARPE phát hiện sản lượng khai thác cá cơm giảm sau 1 tháng khai thác vụ thứ 2. Trong tuần 45 của năm 2019, sản lượng khai thác trung bình ở khu vực Bắc Trung Bộ là 31.378 tấn/ngày. Tuy nhiên, đến tuần thứ 52, sản lượng khai thác giảm xuống chỉ còn 7.293 tấn/ngày. Do đó, tính đến ngày 31/12/2019, các tàu khai thác chỉ thu được 36% sản lượng cá cơm khai thác vụ thứ 2 tại khu vực trọng điểm Bắc Trung Bộ.

Theo James Frank, Giám đốc công ty kinh doanh bột cá Peru - MSI Ceres, không một nhà sản xuất nào đưa ra giá chào bán tại thời điểm này. Thị trường hiện tại đang không có một mức giá xác định cho sản phẩm bột cá.

Theo Frank, các nhà quan sát thị trường không còn nhiều hy vọng trong việc khai thác đạt mức hạn ngạch đầy đủ. Dù một số nhà quan sát khác cho rằng vẫn còn thời gian trong tháng 1/2020 để khai thác, tuy nhiên vì mùa sinh sản bắt đầu vào tháng 2/2020 nên IMARPE có thể đưa ra khuyến cáo kết thúc vụ khai thác trong tháng 2/2020.

Dữ liệu từ các cuộc khảo sát khoa học mới nhất của IMAPRE về việc đánh giá sinh khối và trữ lượng cá cơm dự định sẽ được công bố vào ngày 13/1/2020. Tuy nhiên, trước khi có kết quả từ IMARPE thì các hoạt động vẫn đang phải trì hoãn.

Thay đổi trong cân bằng nguồn cung toàn cầu?

Nếu vụ khai thác thứ 2 ở Peru diễn ra ảm đạm, bức tranh nguồn cung toàn cầu có thể thay đổi đáng kể. Từ nay đến cuối tháng 1/2020, nếu sản lượng khai thác cá cơm của Peru đạt 7.000 tấn/ngày thì sản lượng khai thác trong tháng 1/2020 cũng chỉ đạt 217.000 tấn hoặc 1,22 triệu tấn cho vụ khai thác thứ 2 (chiếm 44% tổng hạn ngạch đầy đủ). Dựa theo tỷ lệ chuyển đổi cá cơm tươi thành bột cá của Frank, với sản lượng khai thác trên, Peru sẽ sản xuất ít hơn 288.000 tấn bột cá so với hạn ngạch khai thác đầy đủ.

Trong khi đó, tại Trung Quốc - thị trường bột cá lớn nhất thế giới - lượng tồn kho bột cá tại cảng hiện ở mức 166.800 tấn, giảm 10% so với tuần đầu tiên của năm 2020. Vào đầu tháng 9/2019, lượng tồn kho ở mức cao kỷ lục với 289.000 tấn. Điều đó cho thấy sự suy giảm mạnh lượng tồn kho trong 4 tháng qua.

NK bột cá của Trung Quốc cũng thấp hơn. Trong 11 tháng đầu năm 2019, Trung Quốc đã NK 1,35 triệu tấn bột cá, giảm 5% so với cùng kỳ năm 2018. Vụ khai thác mới tiếp theo của Peru cũng sẽ là vụ khai thác cuối cùng trước khi nhu cầu tăng theo mùa vào mùa hè năm 2020.

Các thương nhân Trung Quốc ở thị trường nội địa cho biết giá bột cá trên thị trường giao ngay đang tăng. Theo trang thông tin về giá thức ăn chăn nuôi – Feed Trade, trong tuần đầu tiên của năm 2020, giá chào bán bột cá cao cấp (bao gồm thuế và phí lưu kho) đã biến động mạnh ở mức 11.400 tấn NDT/tấn tại cảng Thượng Hải, tăng 15% so với mức 9.950 NDT/ tấn trong tuần 49 năm 2019.

Theo Frank, sau thời điểm nghỉ Tết Nguyên đán dài ngày, các cảng của Trung Quốc sẽ vẫn còn hàng dự trữ từ vụ khai thác cũ, ngoài ra hàng hóa từ vụ mới cũng sẽ cập cảng. Do đó, công ty của Frank vẫn sẽ theo dõi những diễn biến trên thị trường trong những tuần tiếp tới. 

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục