Hậu Giang: Doanh nghiệp vẫn đang “khát” lao động

Tình trạng khan hiếm lao động trong tỉnh thời gian qua vẫn đang là sức ép lớn với nhiều doanh nghiệp, nhất là trong lĩnh vực thủy sản, giày da, may mặc,...

Hậu Giang Doanh nghiệp vẫn đang “khát” lao động

Ông Nguyễn Văn Trường - Trưởng Phòng Nhân sự Công ty Lạc tỷ Hậu Giang - cho biết, do nhu cầu mở rộng sản xuất công ty đang cần tuyển thêm 9.000 lao động, nhưng đến thời điểm hiện tại số lượng lao động tuyển mới chưa được 40% chỉ tiêu đặt ra.

Theo ông Trường, nguyên nhân dẫn đến thiếu hụt lao động tại công ty hiện nay một phần do sau dịch COVID-19 số công nhân nhiễm bệnh nghỉ việc hàng loạt, không trở lại làm việc. Bên cạnh đó, với đặc thù của ngành giày da, may mặc có lao động nữ chiếm 60% trong hoạt động sản xuất, công ty phải giải quyết nhiều chính sách nghỉ chế độ thai sản.

Tuy nhiên, theo ông Trường, một nguyên nhân đáng chú ý xuất phát từ đặc thù sản xuất nông nghiệp phần nào đã hình thành tâm lý và tác phong nông nghiệp trong lực lượng lao động tại địa phương. Khi trở thành công nhân, làm việc trong môi trường công nghiệp với những quy định chặt chẽ, nhiều người chưa thích nghi nên dễ dẫn đến bỏ việc.

“Công ty thực hiện nhiều chính sách đãi ngộ theo quy định nhà nước, hỗ trợ lao động tiền xăng xe, nhà trọ, nâng cao chính sách phúc lợi tuyển dụng nội bộ nhưng số lượng lao động tuyển vào vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất” - anh Trường chia sẻ.

Thời gian qua, Công ty Cổ phần Minh Phú Hậu Giang (huyện Châu Thành) liên tục thông báo tuyển gấp hơn 1.000 lao động phổ thông. Thu nhập bình quân từ 6 đến 10 triệu. Ngoài những chính sách quy định nhà nước công ty còn hỗ trợ đào tạo nghề. Tuy nhiên, sau mấy tháng thông báo nhưng số lượng tuyển dụng tại công ty này vẫn chưa đủ nhu cầu!

Theo chủ một doanh nghiệp thủy sản tại Hậu Giang, hiện tại công ty đã đầu tư đầy đủ máy móc, trang thiết bị mà không đủ nhân lực để vận hành dây chuyền sản xuất mới. Theo thống kê, với số lượng công nhân hiện tại, nếu hoạt động tối đa công suất ngày đêm, thì cũng không kịp hoàn thành đơn hàng để trả nợ cho đối tác nước ngoài từ mấy tháng trước.

“Việc tuyển dụng đang rất gấp vì nếu không giao hàng đúng hẹn đối tác nước ngoài sẽ hủy hợp đồng. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa tuyển được" - chủ doanh nghiệp thủy sản Hậu Giang nói.  

Bà Phạm Hoàng Mỹ Kim - Trưởng Phòng Nhân sự Công ty Massan Hậu Giang - chia sẻ: "Người lao động tại miền Tây thật thà nhưng so về sức bền và khả năng chịu áp lực trong môi trường công nghiệp thấp hơn so với các tỉnh công nghiệp như Bình Dương, TP Hồ Chí Minh...".

Ông Nguyễn Ngọc Phước - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Hậu Giang - thông tin thêm, từ đầu năm đến nay, trung tâm đã giới thiệu, hỗ trợ việc làm cho 4.771 lượt lao động, tăng 31,7% so với cùng kỳ năm 2021.

Theo ông Phước, hiện nay không chỉ Hậu Giang mà nhiều doanh nghiệp ở các tỉnh thành trong khu vực cũng đang khát lao động nên mức độ cạnh tranh tuyển dụng lao động khá cao. Bên cạnh đó, người lao động vẫn còn tâm lý hoang mang sau dịch bệnh nên "án binh bất động" tại quê nhà.

“Hướng kế tiếp tỉnh ưu tiên tuyên truyền, thường xuyên tổ chức các phiên việc làm nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp thu hút lao động trong và ngoài tỉnh” - ông Phước nói.

(Theo báo Lao Động)

Chia sẻ:


Tạ Hà
Chuyên gia thị trường cá Tra
Email: taha@vasep.com.vn
Điện thoại 024. 37715055 - ext. 214

Bình luận bài viết

Tin liên quan
Tin cùng chuyên mục