Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu như VHC, LTG, TAR hưởng lợi từ… lạm phát

Trong bức tranh chung kém tích cực, một số doanh nghiệp xuất khẩu vẫn hưởng lợi nhờ lạm phát tạo cơ hội mới.

Chú thích ảnh

Sống khoẻ nhờ lợi thế cạnh tranh và tiết giảm chi phí

Mặc dù người tiêu dùng ở các thị trường xuất khẩu chủ lực như Mỹ, châu Âu có xu hướng thắt chặt chi tiêu trước áp lực lạm phát, song với lợi thế giá cả phải chăng, mặt hàng cá tra xuất khẩu của Việt Nam vẫn tăng trưởng tốt.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, 8 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cá tra Việt Nam đạt trên 1,8 tỷ USD, tăng 81% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, tại thị trường Mỹ, thị trường có lạm phát tháng 8 lên tới 8,3% (trong khi lạm phát mục tiêu là 2%), xuất khẩu cá tra vẫn đạt 421 triệu USD, tăng 87% so với cùng kỳ, chiếm 23% thị phần xuất khẩu cá tra của cả nước.

Bà Nguyễn Ngô Vi Tâm, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (mã VHC) cho biết, Việt Nam là nước xuất khẩu cá tra nhiều nhất thế giới, cá tra Việt Nam đã chiếm thị phần tại nhiều thị trường lớn nhờ giá tốt.

“Ứng phó với lạm phát, VHC đã chủ động chia sẻ một phần chi phí vận chuyển với đối tác, nhà nhập khẩu để duy trì mức giá hợp lý, tận dụng tốt nhu cầu thị trường để duy trì đà tăng trưởng lâu dài”, bà Tâm tiết lộ.

Còn tại thị trường Anh, trong bối cảnh lạm phát của nước này trong tháng 8/2022 ở mức 9,9%, xuất khẩu tôm, cá ngừ… của Việt Nam sang Anh giảm mạnh thì xuất khẩu cá tra vẫn đạt 47 triệu USD, tăng 28% so cùng kỳ năm ngoái. Thậm chí, người dân Anh đổ xô đi mua cá tra Việt Nam để dự phòng giá thực phẩm leo thang.

Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cá tra Việt có lợi thế cạnh tranh tại thị trường Anh do giá rẻ, nước Anh đang thiếu thịt cá trắng sau lệnh cấm thuỷ sản từ Nga, cộng với được hưởng lợi từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và Anh (UKVFTA) đã đưa thuế nhập khẩu cá tra vào Anh năm 2022 xuống mức 0%. Không chỉ VHC tăng 70% kim ngạch xuất khẩu cá tra vào Anh so với cùng kỳ năm trước (đạt gần 294 triệu USD), mà một số công ty cùng ngành như Công ty TNHH Chế biến thực phẩm xuất khẩu Vạn Đức ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu xuất khẩu vào thị trường này là 50% trong 8 tháng đầu năm; Biển Đông Seafood tăng 36%; Công ty cổ phần Nam Việt tăng 52%...

Đối với lĩnh vực xuất khẩu gạo, sau khi Ấn Độ, nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới (chiếm gần 40% thị phần toàn cầu) cấm xuất khẩu gạo tấm, đồng thời áp thuế 20% đối với hầu hết các loại gạo khác từ ngày 9/9/2022 để bình ổn giá gạo trong nước và bảo đảm an ninh lương thực do nước này đang bị hạn hán, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam hưởng lợi lớn. Hiện Việt Nam là nước xuất khẩu gạo lớn thứ ba thế giới với sản lượng 6,4 - 6,5 triệu tấn, sau Ấn Độ và Thái Lan.

Vừa qua, Tập đoàn Lộc Trời (mã LTG) công bố hoàn thành việc giao 500 tấn gạo mang thương hiệu "Cơm Việt Nam Rice" đến Đức, Hà Lan, Pháp trong tháng 7/2022. Kể từ khi xuất khẩu lô hàng đầu tiên vào thị trường châu Âu theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU vào tháng 9/2020, đến nay, Lộc Trời đã xuất khẩu khoảng 30.000 tấn gạo sang thị trường này.

Một doanh nghiệp xuất khẩu gạo khác được chú ý gần đây là Công ty cổ phần Trung An (TAR). Trong báo cáo mới đây, Công ty Chứng khoán VnDirect dự báo, TAR sẽ được hưởng lợi từ việc Trung Quốc giảm sản lượng và Ấn Độ hạn chế xuất khẩu do hạn hán, bởi kinh doanh gạo là lĩnh vực chủ yếu của TAR với tỷ trọng xuất khẩu chiếm gần 15% tổng doanh thu. Trong đó, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu gạo chính của doanh nghiệp này với tỷ trọng lên đến 27% doanh thu xuất khẩu.

Trước đó, 6 tháng đầu năm 2022, TAR ghi nhận doanh thu 1.723 tỷ đồng và lợi nhuận ròng 46 tỷ đồng, lần lượt tăng 40% và 154% so với cùng kỳ. Công ty Chứng khoán Mirae Asset dự báo doanh thu năm 2022 của TAR có thể tăng 10% so năm trước, lên mức 3.432 tỷ đồng.

Gạo Việt Nam ngoài lợi thế chất lượng còn đang cạnh tranh tốt nhờ giá rẻ, trong khi lạm phát toàn cầu đã tăng gấp 2 - 3 lần. Các chuyên gia kinh tế nhận định, gạo Ấn Độ đang cạnh tranh kém do bị áp thuế nên giá cao, do đó, các nước nhập khẩu gạo trên thế giới đang chuyển hướng sang nhập gạo từ Việt Nam, Thái Lan...

Nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp giai đoạn cuối năm

Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý III và 9 tháng đầu năm 2022 do Tổng cục Thống kê công bố ngày 29/9 cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2022 đã tăng 0,4% so với tháng 8/2022, tăng 3,94% so với tháng 9/2021 và tăng 4,01% so với cuối năm 2021. Trong đó, CPI bình quân quý III/2022 tăng 3,32%; bình quân 9 tháng đầu năm 2022 tăng 2,73% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tại buổi họp báo thường kỳ quý III/2022 của Bộ Tài chính chiều 29/9, ông Nguyễn Văn Truyền, Phó cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính nhận định, so với mục tiêu Quốc hội đề ra là kiểm soát lạm phát dưới 4%, tỷ lệ lạm phát thực tế sau 9 tháng vẫn còn cách khá xa, cho thấy dư địa điều hành chính sách từ nay đến cuối năm còn khá lớn.

Tuy vậy, theo lãnh đạo Cục Quản lý giá, về cuối năm, thị trường sẽ tồn tại một số yếu tố làm tăng áp lực lên giá cả như căng thẳng giữa Nga - Ukraine kéo dài, tác động tới giá nhiên liệu và năng lượng thế giới; áp lực lạm phát toàn cầu tăng lên, tác động đến chuỗi cung ứng hàng hóa, lương thực - thực phẩm, hàng nhập khẩu cũng gây áp lực lên giá hàng hóa trong nước; ảnh hưởng của cơn bão số Noru và dự báo đến cuối năm còn một số cơn bão nữa cũng gây ảnh hưởng cục bộ tới giá hàng hóa thiết yếu tại một số địa phương.

Để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp đối phó với lạm phát, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho hay, Chính phủ đang tập trung rất nhiều nguồn lực gồm các chính sách tài khóa, tiền tệ, công thương, sản xuất… để đưa ra các giải pháp đồng bộ nhằm kiểm soát lạm phát.

Sau các lần thực hiện giảm thuế cho người dân, doanh nghiệp, đặc biệt là thuế bảo vệ môi trường đánh lên xăng dầu, mặt hàng đầu vào thiết yếu của hầu hết lĩnh vực sản xuất - kinh doanh từ đầu năm đến nay, ngày 29/9, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 59/2022/TT-BTC giảm từ 20 - 50% một số loại phí hoạt động kinh doanh vận tải như phí trọng tải tàu, thuyền hoạt động hàng hải nội địa; lệ phí ra, vào cảng biển hoạt động hàng hải nội địa; phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt…

Ông Nguyễn Đức Chi cũng cho biết thêm, hiện Bộ Tài chính đã chuẩn bị sẵn các kịch bản giảm thuế để ổn định giá mặt hàng xăng dầu, không chỉ thuế bảo vệ môi trường (đã áp dụng), thuế nhập khẩu ưu đãi, mà cả thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt, tùy thuộc diễn biến của giá xăng dầu thế giới. Trong đó, phương án giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đang trong giai đoạn lấy ý kiến.

PGS.TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế nhận định, bên cạnh việc tận dụng cơ hội từ chính sách, những doanh nghiệp vượt qua bão giá là doanh nghiệp có khả năng nâng cao năng lực cạnh tranh từ việc tăng năng suất, tiết giảm chi phí, thay đổi chiến lược để thích nghi tốt hơn với hoàn cảnh.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú nêu quan điểm, chỉ số CPI không thể bao quát hết thực trạng lạm phát bởi vì rổ hàng hoá để tính chỉ số CPI hiện nay chỉ có 752 mặt hàng, trong khi cuộc sống có hàng nghìn mặt hàng khác nhau.

“Chính phủ cần tăng cường các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người dân trong bối cảnh sức chống chịu còn yếu sau hai năm đại dịch. Các con số tăng thu ngân sách trong bối cảnh này theo tôi không hẳn đã đáng mừng, quan trọng là sức khoẻ doanh nghiệp và người dân ra sao”, ông Phú nói.

Bảo Ngọc (Theo Báo Đầu tư)

Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục