Xuất khẩu thuỷ sản "lội ngược dòng" đón đơn hàng cuối năm

Nếu như tháng trước, xuất khẩu thuỷ sản giảm tốc, nhu cầu từ các thị trường chững lại thì tháng này, đơn hàng đã dần hồi phục, doanh nghiệp cũng chủ động sản xuất theo diễn biến thị trường. Đáng chú ý, xuất khẩu sang Nga tăng tới 98% so với tháng trước. Thị trường Trung Quốc có thể là điểm sáng trong quý 4 khi quốc gia này có dấu hiệu mở cửa trở lại nền kinh tế.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, bước vào tháng 9, nguồn cung nguyên liệu đã không chịu biến động lớn do tác động tích cực từ giá xăng dầu giảm. Nhu cầu tăng trở lại khi các nhà nhập khẩu giải quyết được vấn đề tồn kho. Đồng thời có thêm tín hiệu tích cực từ các thị trường.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, cho biết: "Hy vọng cuối năm 2022 thị trường Trung Quốc sẽ mở cửa trở lại sau chính sách Zero COVID. Đây là chỉ số rất quan trọng. Nếu thị trường này mở cửa, xuất khẩu sẽ đi vào ổn định và phát triển tốt cho năm 2023".

Các doanh nghiệp cũng kỳ vọng, nhu cầu mặt hàng thủy sản từ các thị trường trọng điểm như Mỹ, Nhật Bản, EU… sẽ tăng từ tháng 10 để phục vụ mùa lễ hội. Doanh nghiệp đang chủ động đầu tư chế biến sâu, đa dạng thị trường, nâng cao giá trị, ổn định việc làm cho người lao động.

Chú thích ảnh

Hình ảnh minh họa

Bà Ngô Thị Diệu Trinh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản Lộc Kim Chi, nói: "Phải kiểm soát chặt chẽ vùng nuôi, nhà máy, làm sao sản phẩm chất lượng nhất có thể để cạnh tranh bền vững tại thị trường khó tính Hoa Kỳ".

Tổng cục Thủy sản đánh giá, thách thức lớn nhất của xuất khẩu thuỷ sản nửa cuối năm là đảm bảo cân bằng giữa khả năng cung ứng và nhu cầu tiêu thụ tại các thị trường trọng điểm, giữa sản lượng và chất lượng theo tiêu chuẩn ngày càng khắt khe. Điều này đang được các doanh nghiệp nỗ lực xây dựng để khách hàng chấp nhận chi trả mức giá cao hơn thay vì bán được nhiều sản phẩm với giá rẻ.

Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT, nhận định: "Việc chúng ta nắm bắt, điều chỉnh một cách linh hoạt để tranh thủ cơ hội thị trường, điều chỉnh giá bán, mua để đáp ứng được sản xuất trong nước nhưng mục tiêu là nhà nhập khẩu bán được hàng, từ đó duy trì được tốc độ tăng trưởng năm 2022 và các năm tiếp theo".

Với cú "lội ngược dòng" và nỗ lực vượt khó của các DN, mục tiêu xuất khẩu thuỷ sản đạt 10 tỷ USD được dự báo có thể hoàn thành vào cuối tháng 11 tới.

Thùy Linh (Theo VTV News)

Bình luận bài viết

Tin liên quan
Tin cùng chuyên mục