Xuất siêu lớn sang những thị trường có FTA

Xuất khẩu hàng hóa năm 2022 của Việt Nam đạt gần 372 tỷ USD, nhưng ấn tượng hơn cả là mức xuất siêu lớn sang các thị trường mà chúng ta đã ký hiệp định thương mại tự do (FTA).

 

Xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường có FTA tăng trưởng mạnh Ảnh: Đức Thanh

Xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường có FTA tăng trưởng mạnh Ảnh: Đức Thanh

Trợ lực lớn cho xuất khẩu

Thành tích xuất khẩu đạt gần 372 tỷ USD trong năm 2022 có sự đóng góp không nhỏ của 15 FTA đang thực thi, trong đó có loạt FTA thế hệ mới với khu vực thị trường EU, Vương quốc Anh, CPTPP, RCEP…

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đã khẳng định điều này khi đánh giá về kết quả thực thi các FTA thế hệ mới của Việt Nam trong năm qua.

Ông Diên cho biết, xuất siêu sang các thị trường có FTA năm 2022 lên tới hàng chục tỷ USD. Nếu không có những thị trường thuộc các FTA thế hệ mới, cán cân thương mại hàng hóa khó có thể xuất siêu, mà thậm chí sẽ nhập siêu.

Đơn cử, nhờ thực thi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), năm 2022, xuất khẩu sang EU đạt 47,5 tỷ USD, tăng hơn 20%, xuất siêu sang khối thị trường này ước đạt 31,8 tỷ USD, tăng 36,8% so với năm trước. Cũng nhờ tận dụng Hiệp định Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) đã tạo điều kiện để xuất khẩu sang Anh năm 2022 tăng trên 45% so với năm 2021, xuất siêu hơn 5 tỷ USD.

Các FTA là trợ lực lớn cho xuất khẩu. Nhờ các tiêu chuẩn cao từ những nước nhập khẩu đã thôi thúc doanh nghiệp phải đầu tư sản xuất bài bản, chuyên nghiệp theo chuẩn từ các thị trường lớn.

Với khu vực thị trường Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), năm 2021, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các nước thành viên CPTPP đạt khoảng 45,7 tỷ USD, tăng 18,1% so với năm 2020. 10 tháng của năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với thị trường CPTPP đạt 88,1 tỷ USD, tăng khoảng 19,2% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xuất khẩu đạt 45,1 tỷ USD, tăng 22,1% so với cùng kỳ (ước xuất khẩu cả năm hơn 50 tỷ USD), nhập khẩu 43 tỷ USD, tăng 16,26% so với cùng kỳ. Việt Nam ghi nhận xuất siêu sau 10 tháng đạt 4,4 tỷ USD và dự kiến cả năm khoảng 5 tỷ USD từ khu vực thị trường này.

Ông Nguyễn Hồng Hiệp, Giám đốc Khối Nội chính - Truyền thông - Đối ngoại (Tập đoàn PAN) cho biết, năm 2022, doanh thu của Tập đoàn ước đạt 14.000 tỷ đồng, 50% là từ xuất khẩu, trong đó 3 thị trường lớn nhất là Nhật Bản, Mỹ và châu Âu chiếm đến trên 90% trong tổng doanh thu xuất khẩu của PAN.

“Các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA… đã tạo thuận lợi lớn cho doanh nghiệp trong việc gia tăng xuất khẩu nhiều loại nông, thủy sản chế biến vào các thị trường này, ưu đãi thuế quan cũng tốt hơn”, ông Hiệp chia sẻ.

Chưa hết, nhờ có nhiều FTA cùng thực thi, doanh nghiệp có thêm lựa chọn để tận dụng FTA nào có lợi nhất. Riêng với CPTPP đã giúp công tác mở rộng thị trường xuất khẩu hiệu quả sang Canada, Australia, với mức tăng trưởng ấn tượng, nhờ đó tạo đà cho tăng tốc xuất khẩu những năm tiếp theo.

Củng cố năng lực cho hàng xuất khẩu Việt Nam

Nhìn vào lượng hàng hóa gần 48 tỷ USD được xuất khẩu thành công sang EU hàng năm, hay con số trên 50 tỷ USD đi thị trường CPTPP trong cả năm 2022 cho thấy, chất lượng của hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam ngày càng cao, đáp ứng được tiêu chuẩn từ nhà nhập khẩu.

“Tất cả các thị trường có FTA đều khó tính, khắt khe với hàng nhập khẩu, nên việc hàng hóa của ta tìm được chỗ đứng đã cho thấy năng lực cạnh tranh quốc gia, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp đã có những bước cải thiện, giúp Việt Nam có thêm cơ hội khai thác hiệu quả hơn các FTA thế hệ mới”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.

Cũng bởi các tiêu chuẩn cao từ thị trường những nước nhập khẩu, nếu không thỏa mãn các yêu cầu này, “cánh cửa” xuất khẩu sẽ hẹp lại, từ đó thôi thúc các doanh nghiệp phải đầu tư sản xuất bài bản, chuyên nghiệp theo chuẩn từ các thị trường lớn.

Tại Hội nghị đánh giá 2 năm thực thi EVFTA mới đây, đại diện Tập đoàn Lộc Trời cho biết, nhờ EVFTA, năm 2022, Tập đoàn đã xuất khẩu thành công 24.000 tấn gạo sang EU, cao gấp nhiều lần thời điểm chưa có EVFTA (năm 2018, chỉ có 2.000 tấn gạo được Lộc Trời xuất khẩu sang EU).

Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Kinh doanh xuất khẩu Tập đoàn Lộc Trời, thách thức mà các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản như Lộc Trời gặp phải khi đưa hàng sang châu Âu là rào cản về tiêu chuẩn kỹ thuật chất lượng, từ quy định về kiểm dịch, thú y, tới dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tồn dư trên sản phẩm.

“Hạt gạo muốn đạt tiêu chuẩn vào thị trường EU thì doanh nghiệp cần có chuỗi sản xuất bền vững, từ giống, phân bón, thuốc, kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật...”, ông Hiếu lưu ý.

Số liệu từ Bộ Công thương cho thấy, xuất khẩu sang thị trường các nước có FTA đều có mức tăng trưởng trên 20%, thậm chí có một số thị trường trên 30%, cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu chung. Nhiều mặt hàng nông nghiệp có giá trị gia tăng cao như rau quả tươi, rau củ quả chế biến, gạo, thủy sản, đã khai thác tốt cơ hội tại các thị trường có FTA.

Các thành tựu trên đã giúp đa dạng hóa thị trường, tránh bị phụ thuộc vào một số thị trường nhất định, cũng như chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu theo hướng gia tăng hàm lượng công nghệ và giá trị ngày càng cao hơn.

Dự báo, khó khăn của kinh tế toàn cầu sẽ kéo dài trong năm 2023, suy giảm kinh tế tại các thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ, EU sẽ làm giảm đơn hàng xuất khẩu với các ngành chủ lực như điện tử, dệt may, da giày. Các FTA tiếp tục là “phao” để các ngành hàng, doanh nghiệp dựa vào trong việc tìm kiếm thêm khách hàng.

Bảo Ngọc (Theo Tin nhanh chứng khoán)

Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục