‘Tự vệ’ trước Covid-19

Không chỉ có nắng nóng và độ mặn tăng cao, sự bùng phát của dịch bệnh Covid-19 trên phạm vi toàn cầu đã đẩy giá tôm nước lợ khu vực đồng bằng sông Cửu Long biến động thất thường, khiến cho việc sản xuất, kinh doanh của toàn ngành khó khăn hơn. Tuy nhiên, nhờ có sự “tự vệ” kịp thời của doanh nghiệp và người nuôi tôm nên đến thời điểm này gần như các hoạt động của ngành tôm vẫn được duy trì khá ổn định.

Hiện nay, hầu hết các vùng nuôi tôm khu vực đồng bằng sông Cửu Long đều đã kết thúc công việc cải tạo ao, một số diện tích đã được thả giống và phần lớn là những mô hình nuôi thâm canh, bán thâm canh hay siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao. Nhưng đã không có một sự khởi đầu suôn sẻ như mong muốn của cả người nuôi lẫn doanh nghiệp ngành tôm mà thay vào đó là liên tiếp những khó khăn đến từ thời tiết, môi trường và đặc biệt là sự bùng phát của dịch bệnh Covid-19 khiến người nuôi và doanh nghiệp hết sức vất vả.

Tuy nhiên, chuyện nuôi và chế biến tôm ở Sóc Trăng nói riêng và vựa tôm đồng bằng sông Cửu Long nói chung vẫn không thể dừng, mà vấn đề là nuôi như thế nào, chế biến xuất khẩu ra sao để đảm bảo hiệu quả mới là điều mà mỗi doanh nghiệp, người nuôi cần phải lao tâm suy tính. Với kinh nghiệm, bản lĩnh của mình, đến thời điểm này có thể thấy, người nuôi tôm và doanh nghiệp gần như đã xác định được hướng đi khá tương đồng cho vụ tôm mới này, đó là chấp nhận “sống chậm cùng Covid-19” để vừa hạn chế phát sinh dịch bệnh đốm trắng và hoại tử gan tụy cấp đang gây thiệt hại trên tôm nuôi, vừa cân đối cung – cầu giúp giá tôm không giảm sâu thêm, nhằm duy trì sản xuất và đón đợi thời cơ. “Đường dài mới biết ngựa hay”, nhưng ít ra đến thời điểm này, chiến thuật trên đã phát huy hiệu quả, khi tỷ lệ tôm nuôi thiệt hại được duy trì ở mức cho phép, còn giá tôm tiếp tục được cải thiện qua mỗi tuần.

Theo bảng giá tôm mà chúng tôi cập nhật được từ Công ty Cổ phần Thủy sản Sóc Trăng (Stapimex) ngày 8-4, thì giá tôm thẻ kích cỡ từ 45 – 100 con/kg đã tăng thêm bình quân 2.000 đồng/kg so với tuần trước và đặc biệt với tôm thẻ cỡ lớn (20 - 35 con/kg) giá vẫn còn ở mức khá cao, đảm bảo cho người nuôi mức lợi nhuận từ 60% đến trên 90%, nếu nuôi đạt năng suất. Cụ thể, tôm thẻ loại 45 con/kg giá 118.000 - 130.000 đồng/kg; loại 55 con/kg có giá 111.000 – 122.000 đồng/kg, loại 70 con/kg giá 97.000 – 108.000 đồng/kg, còn loại 20 con/kg giá 214.000 – 224.000 đồng/kg, loại 30 con/kg giá 136.000 – 146.000 đồng/kg...

Các doanh nghiệp chế biến vẫn duy trì hoạt động bình thường, vừa giúp duy trì hoạt động ngành tôm vừa để đón chờ cơ hội.

Ông Trần Văn Phẩm – Tổng Giám đốc Công ty Stapimex cho biết: “Các doanh nghiệp vẫn hoạt động bình thường và giá tôm tăng nhẹ trở lại là sự nỗ lực rất lớn của cả người nuôi, doanh nghiệp và nhà quản lý. Hiện nay, tình hình vẫn chưa hết khó, nhưng nếu chúng ta duy trì được sản xuất, cung không vượt cầu thì cơ hội cho vụ tôm năm nay là vẫn còn”.

Không chỉ có giá tôm tăng lên, mà thành công cũng bắt đầu đến với không ít người nuôi tôm nhờ có sự cải tiến trong mô hình nuôi và xác định đúng “điểm rơi” thị trường tôm. Như trường hợp của ông Ngô Công Luận – Giám đốc HTX Nông ngư 14/10 Hòa Nhờ A (Mỹ Xuyên), vừa rồi cũng thu được 1 ao, sản lượng 2,25 tấn tôm loại 39 con/kg, bán với giá 127.000 đồng/kg, tính ra mỗi ký cũng lời được 47.000 đồng. Ngoài ra, được sự hỗ trợ của Dự án Sản xuất tôm công bằng và bền vững (SUSV) do Liên minh châu Âu tài trợ, ông đã mạnh dạn lắp điện mặt trời để giảm chi phí sản xuất. Hay như mô hình CPF – Combine version 2 của gia đình anh Huỳnh Hàng Châu, ở xã Trung Bình (Trần Đề), cho thu hoạch 15 tấn tôm thẻ loại 21 con/kg, bán được giá 220.000 đồng/kg, lợi nhuận hơn 1,8 tỉ đồng.

Theo ông Trần Văn Phẩm, tuy có khó khăn, nhưng nghề nuôi vẫn đang diễn ra và doanh nghiệp chế biến xuất khẩu vẫn thu mua, chế biến bình thường. Việc thả nuôi chậm lại đã giúp ổn định cán cân cung – cầu, làm cho giá tôm gần đây bắt đầu tăng trở lại, nên chỉ cần nuôi đạt năng suất là người nuôi vẫn có lãi, thậm chí là lãi cao khi thu hoạch tôm cỡ lớn. Do đó, người nuôi tôm không nên quá hoang mang về thị trường mà nên tập trung vào việc làm sao nuôi thành công trước đã, bởi cho dù giá tôm có tăng cao nhưng nếu nuôi không đạt thì vẫn thua lỗ.

Sự chủ động “sống chậm cùng Covid-19” nhằm tránh cung vượt cầu trong bối cảnh hiện nay là cần thiết để giúp người nuôi và các nhà cung ứng vật tư đầu vào vẫn duy trì được sản xuất, đợi thời cơ thuận lợi sẽ tăng tốc, bởi nếu tất cả đều ngưng sản xuất, đến khi thị trường tốt lên, chúng ta sẽ không nắm bắt được cơ hội này. Thị trường luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro nhưng cũng không ít cơ hội, nên mọi sự thành bại đều có dấu ấn của sự khôn ngoan trong mỗi bước tiến – lùi của các bên tham gia. Và bây giờ, tất cả cùng hy vọng mọi thứ sẽ diễn ra một cách suôn sẻ để chúng ta tiếp tục có một vụ tôm thành công.

(Theo báo Sóc Trăng)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục
  • bc_tom
  • Báo cáo ngành tôm