Ngành tôm chân trắng châu Á đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt

(vasep.com.vn) Robins McIntosh, Phó Chủ tịch Điều hành của Tập đoàn Charoen Pokphand Foods của Thái Lan, cho rằng ngành nuôi tôm chân trắng của nhiều nguồn cung tại châu Á đang phải đối mặt với tình trạng dư cung, và có thể bị mất thị phần vào tay các đối thủ Mỹ Latinh nếu không sớm cải thiện hiệu quả chi phí.

Trình bày tại Hội nghị Thương mại tôm Toàn cầu Infofish 2022 tổ chức tại Malaysia, ông  McIntosh cho rằng, nếu người nuôi tôm chân trắng tại châu Á chỉ tập trung tăng sản lượng mà không cố gắng cắt giảm chi phí để tạo ra sản phẩm có giá cạnh tranh tới tay người tiêu dùng, thì họ sẽ phải đối mặt với tình trạng dư cung.

Theo ông McIntosh, giá tôm hiện tại trên thế giới không theo kịp chi phí, với ví dụ giá tôm bán buôn ở Mỹ giảm 7% trong tháng 4 trong khi chi phí sản xuất tiếp tục tăng, bao gồm chi phí thức ăn cho tôm, năng lượng và phí container vận chuyển.

Năm 2019, Ecuador phải trả 4.000 USD/container thì năm 2022 họ phải trả 6.500 USD. Tuy nhiên, các nguồn cung tôm châu Á như Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan năm 2019 phải trả 3.800 USD/container thì năm 2022, phí container đã lên tới 20.000 USD.

Thời gian vận chuyển cũng tăng lên đáng kể, càng làm tăng thêm tổng chi phí sản xuất. Điều này làm giảm khả năng cạnh tranh của các nhà cung cấp châu Á so với các nguồn cung đối thủ có vị trí địa lý gần với các thị trường tiêu thụ.

Mặc dù vậy, thương mại tôm toàn cầu vẫn ổn định do nhập khẩu tăng tại các thị trường phương Tây. Nhu cầu ở Châu Âu và Mỹ tăng mạnh khi lĩnh vực dịch vụ thực phẩm hoạt động trở lại.

Sản lượng tôm đã tăng đều trong 3-4 năm qua và sẽ vẫn tiếp tục tăng. Ông McIntosh cho rằng tốc độ tăng sản lượng ở châu Mỹ cao hơn so với châu Á.

Trước khi dịch EMS trên tôm xuất hiện ở Đông Nam Á trong đầu thập kỷ trước, tỷ lệ nuôi thất bại tại Thái Lan là 13%. Sau khủng hoảng EMS, tỷ lệ thất bại tăng lên 45%. Và tới hiện tại, Thái Lan vẫn không thể đạt được mức sản lượng cao như trong năm 2010.

Chú thích ảnh

Chi phí tỷ lệ nuôi tôm thất bại được cho là mấu chốt của vấn đề

Ông Manoj Sharma, Giám đốc điều hành Mayank Aquaculture tại Ấn Độ cho biết, tỷ lệ nuôi thành công tại Ấn Độ đã giảm từ 85% năm 2010 xuống 47%-48% vào năm 2020 và 2021. Ấn Độ hiện sản xuất gần 1 triệu tấn tôm với tỷ lệ thành công đạt dưới 50%. Sản lượng của Ấn Độ đã tăng từ 650.000 tấn năm 2020 lên 925.000 tấn năm 2021. Dịch bệnh làm giảm tốc độ tăng trưởng, tăng tỷ lệ chuyển đổi thức ăn và giảm năng suất.

McIntosh cho biết thêm, các công nghệ nuôi trồng thủy sản và công nghệ mới trong nuôi tôm, hỗ trợ từ chính phủ dưới dạng kế hoạch phát triển và nghiên cứu mới là rất cần thiết để tăng hiệu suất chi phí nuôi.

Nếu ngành tôm châu Á giải quyết được vấn đề về tỷ lệ thất bại trong nuôi tôm thì sẽ giải quyết được vấn đề về chi phí. Ecuador đang tăng sản lượng tôm nuôi với XK tăng 30% và đang tăng mạnh xuất sang Mỹ và EU. 

Thùy Linh  (Theo undercurrentnews)

 

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin liên quan
Tin cùng chuyên mục