Doanh thu trăm tỷ mỗi năm nhờ tận dụng phụ phẩm ngành tôm

Đó là câu chuyện thành công của Công ty TNHH một thành viên sản xuất thương mại dịch vụ Đại Phát (Cà Mau) khi khởi nghiệp với …phụ phẩm ngành tôm.

Sự phát triển rất nhanh của ngành nuôi trồng và chế biến tôm đã đem lại giá trị xuất khẩu cao chiếm tỷ trọng lớn trong ngành thủy sản Việt Nam với sản lượng tôm tăng dần theo các năm. Năm 2014 đạt 660.0000 tấn đến năm 2018 sản lượng tôm chế biến đạt 1 triệu tấn vói 160 doanh nghiệp chế biến tôm và xuất khẩu 97 thị trường với tổng giá trị 3,6 tỷ USD.

Phần lớn tôm xuất khẩu được đưa vào chế biến dưới dạng bóc vỏ bỏ đầu, tỷ lệ đầu chiếm 34 – 45%, phần vỏ còn lại chiếm 10-15% trọng lượng của tôm nguyên liệu do đó lượng phế liệu tôm ở Việt nam ước tính khoảng 325.000 tấn/năm. Ngành tôm tăng trưởng nhanh kéo theo lượng phụ phẩm tôm cũng gia tăng theo tỉ lệ thuận, có thể lên đến hơn 450.000 tấn vào năm 2025, tương ứng mỗi ngày có hơn 1.000 tấn phụ phẩm bị thải loại khỏi dây chuyền sản xuất. Lượng phụ phẩm đó sẽ thải ra môi trường nếu không có các đầu tư nghiên cứu tái sử dụng cho ngành thức ăn chăn nuôi và dược phẩm… Các phụ phẩm từ quy trình chế biến tôm đã được xác định là một nguồn protein lớn, đồng thời cũng là một nguồn quan trọng để sản xuất chitin và astaxanthin. Trong nhiều năm qua, các kĩ thuật đã được phát hiện trong việc khai thác và thu hồi những phụ phẩm có giá trị sinh học cao như phân bón, thức ăn gia súc, thức ăn thủy sản.

Giám đốc Công ty TNHH MTV Sản xuất TM-DV Ðại Phát Mạch Văn Nhỉ (Ba Nhỉ) bộc bạch, quê ở An Giang, sống với nghề làm cầu đường, rồi ông đến với nghề sản xuất chitin từ khi con trai thứ ba của ông tốt nghiệp Ðại học Thuỷ sản năm 2004. Với mong muốn nghiên cứu sản xuất ra nhiều sản phẩm hữu ích từ những phế phẩm của tôm nguyên liệu xuất khẩu, lúc ban đầu con trai ông là Mạch Phi Long nghiên cứu sản xuất chitin từ đầu, vỏ tôm thất bại, thấy nóng ruột, ông chuyển sang nghiên cứu sản xuất cùng con trai. Công ty được thành lập có tên Công ty cổ phần Chitin Đại Phát. Năm 2008, nắm thông tin thị trường nguyên liệu đầu, vỏ tôm tại Cà Mau phong phú nên ông quyết định về Cà Mau đầu tư. Với mong muốn tạo ra các mặt hàng có giá trị gia tăng và giảm thiểu ô nhiễm môi trường, năm 2014 công ty đổi tên thành “ Công ty TNHH một thành viên sản xuất thương mại dịch vụ Đại Phát” nhằm sản xuất chitin, nước mắm và nguyên liệu thức ăn chăn nuôi.

Bột canh tôm

Năm 2017 Công ty TNHH một thành viên sản xuất thương mại xuất khẩu Đại Phát đã phối hợp với của Viện Công nghệ sinh học – Công nghệ thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội thực hiện dự án: “Sản xuất một số sản phẩm thực phẩm và thức ăn chăn nuôi từ phụ phẩm công nghiệp chế biến tôm” thuộc Đề án Phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến đến năm 2020. Sau hơn 2 năm nghiên cứu và sản xuất, dự án đã sản xuất thành công các sản phẩm: Chitin bằng phương pháp sinh học, nước mắm từ protein phụ phẩm tôm, bột tôm, gia vị bổ sung bột tôm, chất dẫn dụ cho thức ăn thủy sản.

TS. Đỗ Thị Yến- Chủ nhiệm Dự án cho biết: Đầu năm 2015 Công ty Ðại Phát phối hợp với Viện Công nghệ sinh học và Công nghiệp thực phẩm, trường ĐHBK Hà nội nghiên cứu chế biến sản xuất nước mắm Mạch Long từ nguyên liệu đầu, vỏ tôm và cá cơm bằng quy trình khép kín. Năm 2017 công ty kết hợp với Viện Công nghệ sinh học và Công nghiệp thực phẩm thực hiện dự án sản xuất thử nghiệm một số sản phẩm thực phẩm và thức ăn chăn nuôi từ phụ phẩm tôm. Sự thành công của dự án đã tạo ra sản phẩm nước mắm Mạch Long, bột tôm, chất dẫn dụ DT18.

Bên cạnh các trang thiết bị sản xuất chitin, từ năm 2017-2018 công ty đã đầu tư lắp đặt dây chuyền sản xuất và hiện nay dây chuyền sản xuất nước mắm đạt 600.000 lít/năm, 01 dây chuyền sản xuất dịch tôm và 02 dây chuyền bột tôm với tổng công suất 350 tấn nguyên liệu/ngày. Đặc biệt chất dẫn dụ DT18 dùng trong thức ăn thủy sản được tiêu thụ ở thị trường trong nước và được tập đoàn CP Thái lan bao tiêu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Dây chuyền sản xuất bột tôm

Từ nguồn ngân sách hỗ trợ từ Bộ Công Thương để phát triển sản phẩm, đến nay Công ty TNHH một thành viên sản xuất thương mại dịch vụ Đại Phát đã chủ động nguồn kinh phí gấp rất nhiều lần kinh phí được cấp để đầu tư cơ sở hạ tầng, hệ thống thiết bị, nhà xưởng phục vụ phát triển sản phẩm. Hiện nay doanh thu hàng tháng của công ty 15-17 tỉ đồng.

không chỉ đem lại giá trị kinh tế cao, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động, tận dụng phụ phẩm tôm còn góp phần xử lý vấn đề môi trường đang rất nổi cộm trong ngành công nghiệp chế biến tôm. Trong thời gian tới, công ty đặt mục tiêu phối hợp với Viện CNSH và CNTP, trường ĐHBK Hà nội phát triển và tạo thêm các giá trị gia tăng cho các nguyên liệu, phế liệu từ thuỷ hải sản, định hướng trở thành công ty hàng đầu tại tỉnh Cà Mau về chế biến phụ phẩm tôm và các và các phụ phẩm thuỷ hải sản khác,

TS. Đặng Tất Thành, Tổ giúp việc Ban Điều hành Đề án nhận định: "Đây là mọt trong những dự án thành công của Đề án Phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến đến năm 2020 của Bộ Công Thương khi đã tìm ra các hướng đi thiết thực và khuyến khích được doanh nghiệp đầu tư kinh phí và ứng dụng công nghệ nhằm đưa thị trường sản phẩm chất lượng cao”.

(Theo bộ Công Thương)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục