Thái Lan đẩy mạnh tôm giá trị gia tăng trong bối cảnh khó khăn

(vasep.com.vn) Các giám đốc điều hành tại CP Foods, Thai Union, Sea Wealth và Siam Canadian đều cho rằng Thái Lan đã có sự chuyển dịch đáng kể trong lĩnh vực sản phẩm hàng hóa trong năm nay.

Thái Lan đẩy mạnh tôm giá trị gia tăng trong bối cảnh khó khăn

Tại triển lãm Thaifex Anuga Châu Á năm nay ở Bangkok, các sản phẩm tôm, cho dù đông lạnh, chiên, nấu chín đều có sự gia tăng giá trị như thêm thịt lợn hay chế biến thành hoành thánh.

Các công ty chế biến tại triển lãm cho rằng, khách hàng có xu hướng ưa chuộng các sản phẩm tôm cỡ lớn, được chế biến thành sản phẩm tiện lợi.

Wannasiri Laosirichon, giám đốc tiếp thị của Sea Wealth chia sẻ, thị trường hàng hóa tôm của Thái Lan đang bị thu hẹp, vì vậy chúng tôi phải nỗ lực hơn để xây dựng thị trường giá trị gia tăng cho sản phẩm  này.

Theo ông Jim Gulkin, Giám đốc điều hành của Siam Canadian, chỉ còn một số nhà chế biến tôm hoạt động tốt. Chi phí sản xuất ở Thái Lan rất đắt so với các nước khác như Ấn Độ, Indonesia hay Việt Nam, Ecuador.

Khả năng cạnh tranh của tôm Thái Lan trên thị trường truyền thống lớn nhất là Mỹ sẽ rất khó khăn trong năm nay. Ecuador đã bắt đầu bán nhiều nguyên liệu thô hơn sang Mỹ sau khi nhiều nhà xuất khẩu nước này bị đưa vào danh sách đen tại thị trường truyền thống của nước này - Trung Quốc.

Điều kiện thị trường không trong trạng thái tốt nhất. Giá hàng hóa hiện tại đang ở mức khá yếu, lạm phát gia tăng. Do đó, các DN của Thái Lan đều có ý định tăng sản lượng gấp đôi các sản phẩm chế biến.

Thai Union, CP Foods vẫn lạc quan

Các Giám đốc điều hành của hai nhà sản xuất tôm lớn nhất của đất nước - Thai Union Group và Charoen Pokphand Foods, tin rằng thị trường vẫn vững chắc. Họ cho rằng việc chuyển đổi sang các sản phẩm hoàn chỉnh, có giá trị gia tăng cao hơn đang diễn ra tại Thái Lan.

Rittirong Boonmechote, chủ tịch mảng kinh doanh đông lạnh toàn cầu tại Thai Union cho biết, Thai Union sẽ nhắm đến nhiều thị trường ngách hơn. Thai Union may mắn khi khách hàng trên toàn thế giới hài lòng với chất lượng dịch vụ và nguồn cung cấp phù hợp của chúng tôi.

Boonmechote cũng tin rằng việc đảm bảo về khả năng truy xuất nguồn gốc của Thai Union cũng giúp tạo ra sự khác biệt so với các nhà cung cấp cạnh tranh ở các quốc gia khác.

Đối với kinh doanh tôm, Thai Union có kế hoạch tăng trưởng ổn định trở lại trong năm nay, tăng 10-15% so với năm ngoái. Lợi nhuận Thai Union dự kiến đạt 500 triệu USD. Boonmechote ước lượng rằng tôm chiếm 35-40% hoạt động kinh doanh của Thai Union, trong khi 45% doanh số bán hàng là từ cá ngừ.

Đây cũng là câu chuyện tương tự với CP Foods trong năm nay. Giám đốc điều hành Prasit Boondoungprasert cho biết, đối với tôm, chúng tôi đã phát triển kích thước đáng kể. Thông thường sản phẩm của chúng tôi tối đa là 30 con/kg - nhưng hiện là 20 con/kg, tới đây sẽ là 15 con/kg.

CP Foods hiện đang bán tôm sang Mỹ với kích cỡ trung bình là 25 con/kg, và trong năm nay dự kiến ​​sẽ giảm hơn nữa xuống còn 23 con/kg.

CP Foods không tập trung vào tôm nhỏ vì không thể cạnh tranh được với Ecuador trên thị trường Mỹ.

Lạm phát

Các công ty có thể giữ được thị trường nước ngoài của mình đều đang chiến đấu với chi phí sản xuất gia tăng trên diện rộng. Boonmechote lấy ví dụ, trong 3-4 năm qua, giá xăng đã tăng lên 400 USD, sau đó giảm xuống còn 20 USD, và bây giờ quay trở lại 100 USD. Một chi phí quan trọng cho nông dân là thức ăn chăn nuôi. Thức ăn chăn nuôi được làm từ lúa mì, hiện cũng bị ảnh hưởng từ năm ngoái và từ Ukraine, quốc gia chiếm 15-20% sản lượng lúa mì của thế giới. Sau đó, chiến tranh Nga-Ukraine nổ ra và đã gây tác động tới lĩnh vực này.

Laosirichon của Sea chia sẻ, dầu, chi phí nguyên liệu, chi phí vận chuyển, chi phí đóng gói - đây đều là thứ mà chúng tôi cố gắng điều chỉnh để phù hợp với khách hàng của mình.

Boonmechote cũng thừa nhận rằng người tiêu dùng chưa phải chịu tác động hoàn toàn với việc gia tăng chi phí. Ví dụ, nếu lạm phát tăng 20%, chúng tôi có thể đặt mục tiêu tăng giá lên 10%, từng bước một. Ngay bây giờ với một số sản phẩm chúng tôi đã tăng giá từ 3-5%, các sản phẩm khác là 10%. Nhưng điều quan trọng nhất là chúng tôi phải giữ người mua, nếu họ chịu tác động nhiều, chúng tôi không thể tồn tại.

Điều này có nghĩa là các kế hoạch tăng trưởng và các đơn hàng mới, phần lớn đều bị tạm ngưng trong năm nay. Đối với Thai Union, CP Foods và những công ty khác, đây là một năm để thắt chặt hầu bao hơn là mở rộng.

Trung Đông là thị trường phát triển nhanh nhất

Với sức mua cao sẵn có ở nhiều quốc gia Trung Đông trong bối cảnh nhu cầu dầu tăng vọt trong năm nay, nhiều nhà xuất khẩu tại triển lãm đã tìm đến Ảrập Xêut và các quốc gia lân cận để kinh doanh mới trong năm nay.

Boonmechote của Thai Union cho biết, trong thời gian tới, chúng tôi có thể thử tiếp cận thị trường Trung Đông. Thị trường Trung Quốc hiện cũng rất bấp bênh; trong hai năm qua, họ mở cửa và đóng cửa liên tục... ngay bây giờ họ đang bắt đầu mở cửa trở lại nên chúng tôi sẽ phải theo dõi xem điều gì sẽ xảy ra.

Không chỉ thương mại tôm của Thái Lan đang nhắm đến thị trường Trung Đông. Xuất khẩu cá ngừ Thái Lan sang khu vực này cũng tăng đáng kể trong năm nay.

Mỹ Hạnh (Theo undercurrentnews)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục