Tôm của Ecuador và Ấn Độ vẫn nằm trong 'danh sách đen' dù Trung Quốc đang dần mở cửa trở lại

Trung Quốc đã đưa nhiều công ty tôm của Ecuador và Ấn Độ vào danh sách đen. Do đó các các nhà máy còn lại cảm thấy dè dặt khi xuất khẩu sang Trung Quốc và điều này có thể ảnh hưởng đến nguồn cung tôm cho thị trường tỷ dân này trong thời gian tới

Tôm của Ecuador và Ấn Độ vẫn nằm trong danh sách đen dù Trung Quốc đang dần mở cửa trở lại

Theo Seafood Source, ông Landy Chow, người đứng đầu văn phòng Siam Canadian tại Trung Quốc cho biết các cảng ở Thượng Hải sẽ hoạt động trở lại bình thường vào tháng 7 sau khi thành phố này bị phong toả suốt hơn 2 tháng vì dịch COVID-19. 

Các cảng của Thượng Hải bị gián đoạn kể từ tháng 4 khi chính phủ Trung Quốc quyết áp lệnh phong toả đối với thành phố này cùng với 22 thành phố khác. 

Trước đó, hồi tháng 4, Giám đốc điều hành của SMH International, ông Robin Wang cho biết các cảng phải đối mặt với sự rủi ro gián đoạn nghiêm trọng do nhân lực hạn chế và hoạt động kiểm tra tăng cường. Đồng thời, việc phong toả cũng khiến hội chợ đồ uống và thực phẩm SIAL Shanghai cũng phải tạm hoãn lại. 

Tuy nhiên, những hạn chế đó dần được dỡ bỏ và các vấn đề tồn đọng sẽ được giải quyết.

“Hoạt động xuất khẩu thời gian qua đã chịu nhiều tác động tiêu cực. Tuy nhiên, Thượng Hải đã mở cửa trở lại từ ngày 1/6, những tồn đọng gây ra do lệnh phong toả trước đó sẽ được giải quyết trong vòng một tháng. Vì vậy, các cảng Thượng Hải sẽ hoạt động bình thường vào đầu tháng 7”, ông Chow nói. 

Ông Chow cho rằng việc đóng cửa tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu nhưng khó để đánh giá ở mức độ như thế thế nào. Ngoài ra, dù lệnh cấm đã được dỡ bỏ nhưng một số quốc gia vẫn đang nằm trong “danh sách đen”.

Ông Chow cho biết: “Trung Quốc đã đưa nhiều công ty tôm của Ecuador và Ấn Độ vào danh sách đen. Do đó các các nhà máy còn lại cảm thấy dè dặt khi xuất khẩu sang Trung Quốc và điều này có thể ảnh hưởng đến nguồn cung tôm cho thị trường tỷ dân này trong thời gian tới”.

Còn theo ông Wang, tổng doanh số bán hàng thuỷ sản đang dần phục hồi. 

“Mặt hàng thuỷ sản đang được bán tại các siêu thị. Đồng thời, hoạt động bán hàng qua các nền tảng trực tuyến cũng được đẩy mạnh. Cảng Thượng Hải đã hoạt động trở lại, do đó thuỷ sản và một số loại thực phẩm nhập khẩu khác cũng được lưu thông dễ dàng hơn”, ông Wang nói. 

Ngay cả khi cảng đã khôi phục lại hoạt động bình thường, nhiều hàng hóa vẫn sẽ được chuyển đi các nơi khác ở Trung Quốc.

Ông Wang nói: “Về mặt hàng hải sản đông lạnh, phần lớn sẽ được chuyển đến Đại Liên hoặc Thanh Đảo. Trong ngắn hạn, cần có nhiều loại hải sản với số lượng lớn hơn phục vụ nhu cầu tại Thượng Hải”.

Vị này cho rằng từ nay đến cuối năm thị trường nhập khẩu thuỷ sản của Trung Quốc sẽ còn gặp nhiều khó khăn. 

Ông Wang nói: “Những đợt bùng phát dịch bệnh trong năm nay khiến các doanh nghiệp khó có thể đánh giá chính xác nhu cầu thuỷ sản, vì vậy tâm lý chung là khá thận trọng. Tuy nhiên, chính phủ đang thảo luận để đưa ra các chính sách kinh doanh thuận lợi và cung cấp các gói kích cầu để khuyến khích chi tiêu của người tiêu dùng, hy vọng sẽ thúc đẩy tăng trưởng tích cực trong năm”.

Mỹ Hạnh (Theo Vietnambiz)

 

Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục