Bộ Tài Chính lên tiếng về việc Tp.Hồ Chí Minh phân biệt đối xử thu phí hạ tầng cảng biển

(vasep.com.vn) Ngày 06/5/2022, Bộ Tài Chính tiếp tục lên tiếng và đề nghị Ủy ban Nhân dân Tp.Hồ Chí Minh khẩn trương báo cáo HĐND thành phố sửa đổi Nghị quyết 10/2020 để tạo điều kiện cho DN và nền kinh tế phục hồi, phát triển, đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch, bình đẳng quyền và nghĩa vụ, phù hợp quy định Luật phí và Lệ phí.

Bộ Tài Chính lên tiếng về việc TpHồ Chí Minh phân biệt đối xử thu phí hạ tầng cảng biển

Trước đó, tại Công văn số 2784/BTC-CST ngày 25/3/2022 gửi UBND Tp.Hồ Chí Minh, Bộ Tài Chính cũng đã đề nghị thành phố này xem xét trả lời kiến nghị của các DN, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tính hợp lý của Nghị quyết 10/2020/NQ-HĐND, nhất là quy định mức phí chênh lệch giữa hàng hóa NK, XK mở tờ khai tại Tp.Hồ Chí Minh và mở tờ khai tại các địa phương khác để điều chỉnh mức phí đảm bảo bình đẳng, và rà soát nội dung Hiệp định Vận tải Đường thủy Việt Nam - Campuchia để điều chỉnh Nghị quyết thu phí đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch, bình đẳng quyền và nghĩa vụ, phù hợp quy định.

Ngày 25/02/2022, Bộ Công Thương cũng gửi văn bản số 908/BCT-ĐB đề nghị UBND TP HCM tham khảo đầy đủ ý kiến các Bộ, ngành có liên quan như Bộ Tư pháp, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải, cũng như các Hiệp hội doanh nghiệp trước khi chính thức áp dụng thu phí để đảm bảo hài hòa lợi ích phù hợp với các cam kết quốc tế, cũng như tránh ảnh hưởng đến quan hệ thương mại của Việt Nam với các nước đối tác.

Bỏ qua kiến nghị của doanh nghiệp, Tp.Hồ Chí Minh vẫn thu phí cảng biển

Ngày 4/4/2022, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính cũng có văn bản gửi Thủ tướng Phạm Minh Chính về một số bất cập, tác động tiêu cực đến hoạt động của doanh nghiệp từ việc thu phí sử dụng hạ tầng cảng biển tại TP.HCM. Trong đó kiến nghị dừng việc thu phí hạ tầng cảng biển tại TP.HCM để tạo điều kiện cho doanh nghiệp và nền kinh tế phục hồi, phát triển.

Trước đó, ngay từ đầu tháng 3/2022, VASEP và 6 Hiệp hội ngành hàng khác gồm: Hiệp hội Thực phẩm Minh Bạch (AFT), Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), Hiệp hội Da giày Túi xách Việt Nam (LEFASO), Hiệp hội Sữa Việt Nam (VDA), Hội Mỹ nghệ và Chế biến Gỗ Tp.Hồ Chí Minh (HAWA) và Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA) đã gửi thư kiến nghị tới Văn phòng Chính phủ, Hội đồng Tư vấn Cải cách Thủ tục Hành chính và Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị chưa triển khai thực hiện thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu, cảng biển trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh theo Nghị quyết số 10/2020/NQ-HĐND.

Theo các hiệp hội, việc thu phí này tại thời điểm từ ngày 1/4/2022 là chưa phù hợp. Mức phí áp dụng chưa công bằng, chưa phù hợp, tạo thêm gánh nặng về thủ tục hành chính và tăng thời gian thực hiện thủ tục hành chính, ách tắc trong thực hiện. Hơn nữa, việc sử dụng ngân sách thu được chưa được công khai, minh bạch và dẫn đến việc “Phí chồng Phí” đối với mục tiêu xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng và các DN phải đóng phí hai lần đối với các lô hàng XK phải sử dụng nguyên liệu NK.

Không có thông tin phản hồi cộng đồng DN và các Hiệp hội, cuối tháng 3/2022, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng đã ký văn bản thông báo: kể từ ngày 1/4, TP.HCM sẽ chính thức triển khai thu phí cảng biển.

Cảng Tp.Hồ Chí Minh là tài sản quốc gia, không phải riêng của Tp.Hồ Chí Minh

Ngày 29/3/2022, Cục Hải quan tỉnh Bình Dương cũng có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài Chính, Bí thư thành ủy Tp.Hồ Chí Minh; Chủ tịch UBND Tp.Hồ Chí Minh xem xét, chỉ đạo, định hướng để mức thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu, cảng biển của DN mở tờ khai tại Tp.Hồ Chí Minh hoặc ngoài Tp.Hồ Chí Minh là bằng nhau, tương tự như Tp Hải Phòng đã áp dụng (không phân biệt DN mở tờ khai hàng hóa XNK ở Hà Nội, Bắc Ninh hay Thái Bình…)

Tại công văn gửi Bộ Tài Chính, UBND tỉnh Đồng Nai cũng cho biết, cộng đồng DN của tỉnh cho rằng mức thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện tích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển trên địa bàn Tp.Hồ Chí Minh rất cao và có sự phân biệt đối xử khi không mở tờ khai tại Tp.Hồ Chí Minh là không phù hợp với các quy định, chính sách của Việt Nam, làm phát sinh chi phí cho DN trong giai đoạn khó khăn. Hơn nữa, cảng Tp.Hồ Chí Minh là tài sản của quốc gia, không phải của riêng Tp.Hồ Chí Minh, phục vụ XNK hàng hóa của cả nước. Do đó, cảng Tp.Hồ Chí Minh phải được sử dụng bình đẳng trên nguyên tắc và lợi ích của quốc gia, không thể thu mức phí có phân biệt nơi mở tờ khai hải quan và sẽ gây biến động ảnh hưởng rất lớn đến các vấn đề kinh tế, chính trị, XH cho các địa phương khác.

Trong khi đó, các địa phương khác cũng đang sở hữu các cơ sở hạ tầng là tài sản quốc gia như các tuyến đường quốc lộ, đường sắt, đường biển… và cũng đang áp dụng mức đồng nhất trên toàn quốc. Vì vậy, việc áp dụng mức phí có phân biệt nơi mở tờ khai của Tp.Hồ Chí Minh sẽ dẫn tới hậu quả không đồng nhất trong quốc gia. Trường hợp Chính phủ cho phép Tp.Hồ Chí Minh áp dụng thu phí hạ tầng cảng biển thì sau địa phương này, các địa phương khác cũng có thể thu phí đối với cảng biển địa phương đó điều đó dẫn tới hệ lụy không tốt, không nhất quán, manh mún và cộng đồng DN là người gánh chịu nặng nề nhất.

Do đó, UBND tỉnh Đồng Nai báo cáo Bộ Tài chính để Bộ báo cáo lên Chính phủ và đề nghị Bộ kiến nghị với HĐND Tp.Hồ Chí Minh xem xét, cân nhắc có quyết định đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật và chủ trương tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại, logistics của Việt Nam. Đặc biệt trong bối cảnh Chính phủ đang thực hiện mục tiêu kép vừa đảm bảo phát triển kinh tế vừa phòng chống có hiệu quả dịch bệnh Covid-19.

Tạ Hà
Chuyên gia thị trường cá Tra
Email: taha@vasep.com.vn
Điện thoại 024. 37715055 - ext. 214

Bình luận bài viết

Tin liên quan
Tin cùng chuyên mục

  • Trang chủ - Right- BOTTOM
  • Trang chủ - Right - BOTTOM